-
Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Nhạc JAZZ và những tâm hồn HÁT
Lệ Thu - RFI - 25/04/2021
Câu nói mà khán giả ghi nhớ hơn cả trong phim “LaLaLand” của đạo diễn Damien Chazelle - điện ảnh Hollywood - có lẽ là lời thoại của nhân vật chính Sebastian : “Người ta nói nhạc jazz đã chết yểu”. Phải thế không, khi mà bộ phim đã trở thành một quả bom bùng nổ ở tất cả các giải thưởng Điện Ảnh danh giá nhất trên thế giới, bao gồm 6 giải Oscar, 7 giải Quả cầu vàng và 6 giải Bafta trong năm 2017.
Và gần đây nhất, hẳn cũng không ai ngạc nhiên khi bộ phim hoạt hình “Soul” của Peter Docter, một bộ phim về nghệ sĩ nhạc Jazz của Hollywood, cũng đã giành giải Quả cầu vàng lần thứ 78 cho danh hiệu Phim hoạt hình hay nhất và Nhạc phim hay nhất. Jazz có vẻ là dòng nhạc đầy sức sống mạnh mẽ mà ở đó, không chỉ là những âm hưởng của âm nhạc, đó còn là cái tinh thần Jazzy không bao giờ mất đi.
Thế giới cần những kẻ điên
Câu thoại của Sebastian được nói ra chỉ là cái cớ cho những nhà làm phim phản biện nó. Và họ đã làm được.
Đó là một Sebastian sống chết với Jazz. Anh bỏ qua rất nhiều sự lựa chọn với các ban nhạc khác nhau chỉ vì không chấp nhận sự lai tạp trong nhạc Jazz. Anh có một cuộc sống khó khăn nhưng lại chung sống với nó như một điều đương nhiên. Sebastian được thuê chơi piano trong một nhà hàng sang trọng, khi được yêu cầu chơi vài bản nhạc Giáng sinh đơn giản thì anh lại ngẫu hứng nổi lên những khúc nhạc jazz dù biết kết quả sẽ chẳng tốt đẹp gì.
Đó là một Mia đam mê nghiệp diễn và viết kịch. Những thất bại với vở kịch đầu tiên ở Hollywood đã khiến cô có phần ngã lòng nhưng chính sau đó, Sebastian đã khích lệ cô trở lại L.A, thành phố của những vì sao lấp lánh, của những người biết nuôi dưỡng và cố gắng vươn tới giấc mơ. Mia đã kể về người cô của mình trong một buổi thử vai. Một người phụ nữ kiên quyết nhảy xuống dòng sông Seine lúc trời băng giá và thề rằng bà sẽ làm lại điều đó dù phải nằm nhà đến hai tháng vì bị cảm. Tại sao? Tại vì muốn đạt được ước mơ, bạn phải Điên một chút, phải theo đuổi nó bằng những cảm xúc không thể diễn tả, bằng cả niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng hay bao dung và yêu thương. Thế giới cần những kẻ Điên để tạo màu sắc cho cuộc sống này. Sẽ không bao giờ chỉ là Đen và Trắng, sẽ có vô vàn những sắc màu khác giống như những nghệ sĩ nhạc Jazz với mỗi phần solo của mình khi họ tạo nên màu sắc riêng cho một bản nhạc theo cách không giống ai.
Sự hoàn hảo không trọn vẹn
Cái năng lượng tích cực hừng hực lửa đam mê và tình yêu của cả Sebastian và Mia xuyên suốt “Lalaland” khiến cái kết của phim dường như làm cho người xem bị sốc và gãy cảm xúc khi cuối cùng hai người họ đã không đến với nhau. Không có một Happy ending đúng nghĩa như mọi bộ phim “cổ tích” khác, nhưng rồi người ta hiểu ra rằng đây chính là điều khác biệt tạo nên “Lalaland”.
Vẫn là một Happy Ending hoàn hảo với một nghệ sĩ nhạc jazz khi Sebastian cuối cùng đã có một quán bar riêng, được chơi thể loại nhạc mà anh đam mê.
Vẫn là một Happy Ending hoàn hảo với Mia, một nữ diễn viên tham vọng, khi cô đã trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng và có người chồng yêu thương biết chia sẻ với mình.
Vẫn là một Happy Ending hoàn hảo cho đôi bạn tri kỉ khi cuối phim, Sebastian ngồi bên cây piano còn Mia tay trong tay với chồng nhưng họ vẫn dành cho nhau một nụ cười thật nhẹ nhàng.
Có những ý kiến cho rằng, phải chăng, các tác giả bộ phim đang muốn nói đến một sự thật khá phũ phàng, rằng đam mê mới là thứ theo ta tới tận cùng, còn tình yêu chỉ có thể đến một chặng đường nào đó mà thôi.
Sebastian và Mia đã có thể có một cái kết khác, trong tâm tưởng, bằng sự tưởng tượng của cả hai, là họ sẽ ở bên nhau, cùng nhau phát triển nghề nghiệp và có những đứa con xinh đẹp. Nhưng cuộc đời có thể hoàn hảo một cách không trọn vẹn. Quan trọng nhất là ta đã sống một phần đời không có gì phải ân hận, đã sống với đam mê, đã đạt được nó. Và vào một thời điểm nào đó trong đời, nhìn lại, ta vẫn có thể mỉm cười hài lòng vì đã cùng trải qua điều đó với nhau.
Bài học về cuộc sống
Ước mơ dường như được tiếp nối từ “Lalaland” tới “Soul”, từ đôi trai tài gái sắc cho tới một nghệ sỹ nhạc Jazz có vẻ thật bình thường với một linh hồn trên cõi của các linh hồn, Joe Gardner và linh hồn số 22. Ta nuôi dưỡng ước mơ không chỉ có nghĩa là đeo đuổi thực hiện nó bằng mọi giá mà còn là tình yêu với cuộc sống hiện tại. Biết trân quý những gì bạn đang có bao nhiêu, đối xử tốt với cuộc sống của bạn bao nhiêu thì bạn càng nhanh chóng chạm tới ước mơ bấy nhiêu, giống như Sebastian và Mia cùng năng lượng tích cực của mình. Ngày cũng có ngày nắng ngày mưa, đời cũng có lúc vui lúc buồn nhưng những cái Vui và Buồn ấy chính là cái làm nên màu sắc của bạn, làm nên “chất Jazzy” trong bạn.
Ở “Soul”, ta thấy hai nhân vật hoàn toàn trái ngược nhau. Một thầy giáo dạy nhạc kiêm nghệ sỹ piano Jazz, Joe, luôn thấy ngán ngẩm với cuộc sống nhàm chán của mình và luôn mong muốn thay đổi hiện tại. Một linh hồn mang số 22 luôn cảm thấy an toàn ở cõi của các linh hồn và không hề muốn đầu thai xuống trái đất. Hai kẻ như Âm và Dương, một muốn thay đổi, một không, gặp nhau như là định mệnh, để rồi, họ trở thành những bài học cho nhau.
Joe chính là bài học cho số 22 hiểu thêm về trái đất, nơi mà linh hồn này cho rằng vô cùng đơn điệu nhàm chán. Hàng trăm năm qua, số 22 được gặp và được học từ rất nhiều con người vĩ đại của Trái đất. Nhưng những gì Linh hồn này cảm nhận chỉ là một mớ lí luận, nghiên cứu khô khan cứng nhắc. Rồi số 22 gặp Joe, vô tình rớt xuống thế giới loài người, để rồi từ đây, 22 lại trở thành bài học cho Joe. Hóa ra, cuộc sống mới thú vị làm sao. Thú vị từ miếng bánh pizza cắn dở, từ những điệu nhảy lệch nhịp, từ cái chạm tay ở hàng rào ga tàu điện ngầm, từ những cái lá bay ngang trong không trung, hay đơn giản chỉ là từ những điệu solo đầy ngẫu hứng của cô bé học trò thổi trombone. Và cảm hứng đẹp đẽ cũng có thể đến từ bất kì đâu nếu bạn có một Tâm hồn để cảm nhận nó.
Hiện tại là một món quà
Điều sáng tạo đáng kể của “Soul” là cõi Linh hồn trong phim không chỉ là cõi của những người đã chết. Ở đó còn có vùng đất của những linh hồn lạc lối. Rõ ràng, con người đó vẫn đang sống nhưng bị ám ảnh bởi một công việc giống nhau nên cuối cùng, họ bị chìm vào trong đó, bị mất cảm giác. Họ như những cái máy, không còn thời gian để cảm nhận, sống ở một nơi nhưng linh hồn lại lạc lối đâu đó thật xa xăm, không khác nào đã chết. Cảm giác ấy rõ ràng chính là cảm giác của phần lớn con người hiện đại chúng ta hiện nay. Mỗi sáng thức dậy, liệu có bao giờ bạn tự hỏi ngày hôm nay sẽ ra sao? Hay là chúng ta sẽ như một cái máy, luôn lặp lại một ngày bằng sự vô cảm vì tất cả Ngày của chúng ta đều trôi qua giống nhau? Bạn có thể thay đổi, có thể không, nhưng hãy mang cảm xúc vào trong cuộc sống của mình, hãy thổi Hồn vào trong đó vì bạn là người có một Tâm Hồn. Ngày hôm nay có thể giống ngày mai, có thể đã giống ngày hôm qua, nhưng nếu bạn yêu nó, nó sẽ mang đến cho bạn những ý nghĩa khác nhau.
Nhiều người đã nhận định, cảm giác của nhân vật Joe Gardner được xây dựng rất gần với cảm giác của nhiều nghệ sĩ nhạc Jazz thật sự. Đêm đầu tiên, sau khi Joe được biểu diễn với một nghệ sĩ Saxophone nổi tiếng trong thành phố, anh đã vô cùng hưng phấn và sung sướng. Anh bước ra khỏi quán bar, trong lòng hứng khởi rộn rã và hỏi bà “Ngày mai chúng ta sẽ làm gì tiếp theo?”. Bà đã trả lời anh “Chúng ta quay lại đây và diễn thôi”. Joe rõ ràng đã cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Anh đã tưởng anh sẽ được làm điều gì lớn lao hơn nữa… nhưng anh không hiểu điều lớn lao nhiều khi lại bắt đầu từ những thứ vô cùng nhỏ bé, đó là Yêu từng giây phút anh đang có, yêu từng nốt nhạc anh thăng hoa và yêu từng niềm vui mà anh mang lại cho mọi người. Đó là một con cá yêu dòng nước mà nó đang sống, là Hiện tại, và hiện tại là một món quà.
Nếu Jazz là một dòng nhạc tuyệt vời mà với nó, các nghệ sĩ biểu diễn được thoải mái ngẫu hứng thì “Jazzy hóa cuộc sống của bạn” có nghĩa là hãy biết yêu những gì bạn đang có, hãy theo đuổi đam mê một cách hạnh phúc và dù cuối cùng con đường có đưa bạn tới đâu đi nữa thì bạn cũng sẽ là một người hạnh phúc. Hãy để tâm hồn bạn Hát lên, hãy tô màu cho thế giới bởi thế giới cần những người Điên biết Yêu.
-
The Following 2 Users Say Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
ltd (04-25-2021), Thiên Hùng (04-26-2021)
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Nữ đạo diễn gốc Hoa đoạt giải Oscar, Bắc Kinh hoàn toàn im lặng
Trọng Thành - RFI - 26/04/2021
Hôm qua, 25/04/2021, bộ phim Nomadland của nữ đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao đã được trao giải thưởng điện ảnh Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Zhao là nữ đạo diễn châu Á đầu tiên nhận được phần thưởng cao quý này. Tuy nhiên, truyền thông chính thức Trung Quốc hôm nay hoàn toàn không nhắc đến bộ phim và đạo diễn.
Đạo diễn Chloé Zhao phải trả giá vì những lời lẽ chỉ trích trực diện nhắm vào chế độ cộng sản Trung Quốc. Thông tín viên Zhifan Liu tường trình từ Bắc Kinh :
« Sáng thứ Hai hôm nay, trong lúc truyền thông toàn thế giới thông báo về thành tích lịch sử của Chloé Zhao, tức Triệu Đình, giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất, cùng với hai giải khác cho bộ phim hay nhất, và nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Frances McDormand, tham gia bộ phim Nomadland, thì báo chí Trung Quốc hoàn toàn im lặng về chủ đề này. Không một dòng nào nói đến nữ đạo diễn, ra đời tại Bắc Kinh cách nay 39 năm.
Thế mà, hồi tháng 3/2021, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã từng phấn khởi với việc đạo diễn Chloé Triệu Đình được trao giải Golden Globes. Nhà đạo diện này thậm chí còn được nhật báo dân tộc chủ nghĩa, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc ca ngợi như « niềm tự hào của Trung Quốc ». Vào lúc đó, các thông điệp chúc mừng tràn ngập trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, sáng hôm nay, tên tuổi của người đoạt giải Oscar đã hoàn toàn vắng mặt trên các mạng Weibo, thường được ví như mạng Twitter của Trung Quốc.
Vào thời điểm đạo diễn Chloé Triệu Đình được trao giải Golden Globes, dân mạng Trung Quốc đã tìm được và công bố trở lại một cuộc phỏng vấn mà nữ đạo diễn gốc Hoa trả lời Filmmaker, năm 2013, khi cô lên tiếng chỉ trích những lời lẽ dối trá phổ biến tại đất nước nơi cô sinh ra. Trong một cuộc trả lời khác, hồi tháng Ba, dành cho trang mạng Úc News.com.au, nữ đạo diễn tuyên bố, kể từ giờ cô coi Hoa Kỳ là quê hương mình. Đối với nhiều dân mạng Trung Quốc, các lời lẽ nói trên khiến Chloé Triệu Đình bị coi là kẻ phản quốc.
Nomadland cũng bị trừng phạt. Bộ phim có kế hoạch ra rạp dự kiến tuần trước, tuy nhiên, kể từ sau giành giải thưởng Golden Globes, tên của phim đã biến mất trên mạng internet, và việc quảng cáo cho phim cũng bị đình chỉ ».
-
The Following 3 Users Say Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
aovang (04-26-2021), Kiến Hôi (04-26-2021), Thiên Hùng (04-26-2021)
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
(AFP) – Zeller tác giả Pháp ăn khách nhất tại Hollywood. Trong lễ trao giải Oscar đêm 25/04/2021 tác giả Pháp Florian Zeller nhận giải Oscar dành cho kịch bản độc đáo nhất với phim The Father-Người cha. Bộ phim này nhận được phần thưởng thứ nhì dành cho nam diễn viên Anthony Hopkins nhờ thủ vai chính một người cha mất trí nhớ. / RFI
-
The Following 3 Users Say Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
aovang (04-26-2021), Kiến Hôi (04-26-2021), Thiên Hùng (04-26-2021)
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Roxette & Marie Fredriksson - Sự bất tử của tư duy pop bảo thủ
Gia Trình - RFI - 24/04/2021
Nàng Marie Fredriksson của ban nhạc Roxette đã vĩnh viễn chia tay khán giả cuối năm 2019. Ký ức người hâm mộ không thể quên giọng hát và phong cách cá tính của Marie. Bộ đôi Marie Fredriksson cùng với Per Gessle đã xây dựng nên tượng đài âm nhạc Roxette, niềm tự hào của đất nước Thụy Điển. Họ chứng minh rằng tư duy pop bảo thủ không bao giờ lỗi thời.
Đôi nét về Roxette
Hai thành viên trụ cột của Roxette là Per Gessle và Marie Fredriksson đều là người Thụy Điển. Cả hai đều hát chính và đồng tác giả những bản hit toàn cầu của nhóm như Listen to your heart, The Look, Joyride. Họ nổi tiếng khắp Thụy Điển và châu Âu suốt 20 năm từ 1986 đến 2006. Xét về độ nổi tiếng và phủ sóng, có lẽ Roxette chỉ thua kém ban nhạc huyền thoại ABBA.
Thời kỳ vàng son nhất của nhóm từ 1989 đến năm 1992, hai album Look Sharp và Joyride lên hạng bạch kim trên xứ sở cờ hoa. Sự nổi tiếng của nhóm lan xa và rộng hơn trên toàn cầu. Họ trình làng tổng cộng 10 album phòng thu, 7 album trong đó đạt hạng bạch kim trên toàn cầu. Các video clip âm nhạc của Roxette thu hút hơn hơn một tỷ lượt xem trên kênh Youtube.
Marie Fredriksson sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo túng ở Skane County, miền nam Thụy Điển. Do đam mê ca hát, bà thường đánh thức cha mẹ dậy khi đứng hát opera trước gương mỗi buổi sáng. Per Gessle kém Marie 1 tuổi, anh có thể chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica và keyboard. Marie và Per luôn bị lầm tưởng là một cặp tình nhân, thực tế, họ là những người bạn thân thiết trong âm nhạc. Fredriksson kết hôn với nhà sản xuất âm nhạc Mikael Bolyos khi đi lưu diễn tại Úc vào năm 1990. Chuyện tình sét đánh xảy ra đúng 48 giờ trước khi họ quyết định trao nhẫn cưới. Cuộc hôn nhân kết trái ngọt với hai người con Josefin và Oscar, cũng bền chặt tới khi bà qua đời.
Trước khi gia nhập nhóm, Gessle từng sáng lập nhóm nhạc khác Gyllene Tider với nhiều album lên hạng 1 tại Thụy Điển. Hai thành viên Gessle và Marie gặp nhau do sinh sống cùng thành phố Halmstad, ven biển Thụy Điển. Fredriksson từng hát phụ họa cho nhóm Gyllene Tider khi ban nhạc đi lưu diễn. Ý tưởng 1 bản nhạc Never Ending Love, Gessle đã thuyết phục Marie ghi âm chung ca khúc cho hãng đĩa EMI. Ngay lập tức, bài hát thành công rực rỡ tại đất nước Thụy Điển. Từ điểm khởi đầu này, họ ra mắt nhóm Roxette với LP Pearls of Passion được chào đón nhiệt liệt tại quê nhà nhưng chưa vươn tới toàn cầu.
Thành công bất ngờ trên đất Mỹ
Các nhà phê bình Thụy Điển luôn ngờ vực thành công của nhóm trên đất Mỹ. Fredriksson thổ lộ rằng “Họ hoàn toàn sai lầm, chúng tôi đã làm được điều đó”. Cơ duyên đưa Roxette đến với khán giả nước Mỹ rất tình cờ. Du học sinh người Mỹ, Dean Cushman đã mang về quê nhà một món quà đặc biệt sau chuyến trao đổi học tập tại Thụy Điển. Đó là CD album Look Sharp của nhóm Roxette. Album được phát lần đầu trên radio địa phương của bang Minneapolis. Kênh radio cực kỳ ấn tượng với âm nhạc Roxette, đặc biệt ca khúc The look. Nó trở thành ca khúc ăn khách trên kênh radio này trước khi tiến thẳng lên hạng 1 bảng xếp hạng Billboard.
Hiệu ứng lan truyền xảy ra với cả hãng đĩa EMI. Họ đảo ngược quyết định trước đó, phát hành album nhạc Roxette trên đất Mỹ. Giới phê bình âm nhạc Mỹ không quá thân thiện vì thị trường cạnh tranh khốc liệt. Gessle đã nói “Lý do chúng tôi thành công vì chúng tôi không phải người Anh hay Mỹ, và âm nhạc chúng tôi không giống bất cứ nhạc của nghệ sỹ nào trên bảng xếp hạng lúc đó”. Quả thực là nhạc pop cổ điển như Roxette không thể chết đi. Nhà phê bình Jon Pareles đã viết trên tờ New York Times năm 1992 “Marie Fredrikson là tài sản sáng giá của nhóm, ca sỹ có chất giọng như say xỉn, mái tóc bạch kim và gu thời trang bó sát”.
Sự khác biệt văn hóa có thể truyền tải một hình ảnh lạ lẫm với khán giả Mỹ. Trong vòng hai năm, 3 đĩa đơn của họ leo lên hạng nhất bảng xếp hạng gồm có Listen to your heart, Joyride, It must have been love. Đặc biệt bản hit It must have been love được chọn nhạc phim bộ phim ăn khách thập niên 1990, Pretty Woman do minh tinh Julia Roberts thủ vai. Bài hát còn có tên khác là Christmas for the Broken Hearted (Giáng sinh cho kẻ thất tình). Bài hát được sáng tác năm 1987 để phát trên radio của Đức dịp Giáng Sinh, nhưng lại bị từ chối vào phút chót. Tuy nhiên, ca khúc lại gặt hái thành công lớn tại Thụy Điển và lan sang cả bên bờ Đại Tây Dương.
Tư duy pop bảo thủ
Roxette luôn được so sánh với ABBA hay Ace of Base vì giữa họ đều là các ban nhạc Thụy Điển hát tiếng Anh và gặt hái thành công quốc tế vang dội. Đồng thời, Roxette trung thành với tư duy pop bảo thủ, không lấn sân sang rock, metal. Đối với họ, giai điệu đẹp là yếu tố kiên quyết. Per Gessle từng thổ lộ : “Tôi là người trung thành với chuẩn mực nhạc pop thập niên 1960, 70, giai điệu là Vua. Đó là vừa là điểm mạnh vừa là nhược điểm của tôi. Nếu giai điệu không ra gì, rất khó cho tôi phát huy sáng tạo”.
Hầu hết những ca khúc Roxette đều tuân thủ theo công thức ba hồi. Phần mở bài là nhạc dạo chơi keyboard, piano tạo điểm nhấn dễ chịu. Điệp khúc tạo ấn tượng nhờ giai điệu cực kỳ mạch lạc, rõ nét. Thêm vào đó, chất giọng khỏe, mạnh mẽ của Fredriksson tỏa sáng trên giai điệu đó. Phần kết bài được phối khí trong phần nhạc da diết, kéo dài. Những bản hit thành công như Fading like a flower, Spending my time, Wish I could fly đều chế biến theo motip này.
Tuy nhóm có những ca khúc sôi động, phá cách như Dress for Success, The look, Dangerousnhưng giai điệu vẫn là con át chủ lực. Một tờ báo nhận xét : “Họ sáng tác những ca khúc nhạp pop muốn làm nổ tung lá phổi, ca từ đầy chất thơ mê muội như những giọt mưa”. Điển hình là bản hit Fading like a flower (Tàn úa như bông hoa), giọng ca cháy bỏng của Fredriksson ca ngợi sự chiến thắng của trái tim tan vỡ. Bài hát được dựng trên nền nhạc vững chắc, thiết kế bài bản theo cấu trúc ba hồi. Fredriksson cũng chia sẻ “Nếu tôi hát tiếng Thụy Điển, có lẽ sẽ còn tổn thương hơn thế rất nhiều”.
Sự kết hợp của bộ đôi tài năng Fredriksson và Gessle đo ni đóng giày cho thành công của Roxette. Một người chuyên thiết kế những bản nhạc đẹp, người còn lại khuếch trương vẻ đẹp bằng giọng hát gai góc. Fredriksson thổ lộ bà chịu ảnh hưởng lớn của ngôi sao nhạc jazz kinh điển như Ella Fitzgerald, Billie Holiday và những rocker kỳ cựu như Mick Jagger, Tina Turner.
Tiếng chim hót như bị gai đâm
Năm 2002, Fredriksson được chẩn đoán u ác tính ở não sau khi bị ngã trên sàn nhà tắm. Căn bệnh về não khiến cho bà khó thuộc bài hát mới, mặc dù vẫn nhớ lời bài hát cũ. Năm 2012, bà vẫn đi lưu diễn tái hợp với Gessle và đồng thời cho ra mắt ba album solo trong thời gian điều trị.
Âm nhạc dường như là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất với Fredriksson trong suốt thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư. Tiếng hát của bà như loài chim bị gai đâm nhưng vẫn cất tiếng hót bừng sáng không gian. Giờ đây, giọng ca Look sharp đã yên nghỉ ở tuổi 61, Fredricksson để lại nhiều nuối tiếc cho hàng triệu trái tim người hâm mộ, gia đình và người bạn tri kỷ âm nhạc. Gessle đã viết : “Cám ơn người bạn đã tô màu rực rỡ nhất cho những ca khúc đen-trắng của tôi. Cô ấy là nghệ sỹ xuất sắc nhất, một giọng ca xuất chúng, một ca sỹ biểu diễn cừ khôi”.
(Theo NY Times, Billboard, The Guardian, Rhino Insider)
-
The Following 2 Users Say Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
Kiến Hôi (04-27-2021), lengoclan (04-27-2021)
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Xuân Tiên và Dân tộc tính trong âm nhạc
Hoàng Hằng - RFI - 28/04/2021
Cuối tháng Giêng năm 2021, cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng và giới yêu âm nhạc Việt Nam trên thế giới đã mừng Xuân Tiên – Cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam bước qua 100 tuổi. Nền âm nhạc Việt Nam đã vinh danh những đóng góp nổi bật của ông. “Khúc hát ân tình”, “Về dưới mái nhà”, “Hận đồ bàn”, “Duyên tình”, hay “Mong chờ”, v.v... là những bản nhạc chạm tới trái tim người yêu nhạc và sống mãi với dòng thời gian.
Những giai điệu yêu đời
Sinh năm 1921, tại Hà Nội, Xuân Tiên là nhạc sĩ cao tuổi nhất của nền tân nhạc Việt còn tại thế và hiện sống ở Úc châu. Dù đã sống qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm của vận nước, ông vẫn thế, vẫn một Xuân Tiên lịch thiệp, sang trọng, hào hoa, lạc quan và minh mẫn.
Vốn có năng khiếu, 6 tuổi được học kiến thức âm nhạc vỡ lòng từ người cha, cùng khả năng tự mày mò học hỏi, ông tiếp cận hàng loạt các nhạc cụ Tây phương cũng như các nhạc khí dân tộc cổ truyền Việt Nam. Thực tế, hiếm có nhạc sĩ nào như ông đã sử dụng thành thạo đến 25 loại nhạc cụ khác nhau. Từ năm 18 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong những ban nhạc của người ngoại quốc và đi trình diễn từ Bắc vào Nam. Dần về sau, ông đi vào sáng tác, rồi điều khiển nhiều dàn nhạc và cộng tác với các đài phát thanh trước năm 1975.
Nét đặc trưng của nhạc Xuân Tiên nằm ở những giai điệu lạc quan yêu đời, yêu người, đầy tình tự quê hương hòa quyện trong âm hưởng dân ca Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, ông cũng có những bản nhạc buồn nhưng chỉ là những chớm buồn thoảng qua, man mác xa vắng chứ không bi thương, sầu lụy.
Có thể nói, chất tinh túy của dân ca miền Bắc đã được ông gói ghém tài tình và duyên dáng qua bài “Duyên tình”. Tuy nhiên, thời gian qua, gia đình nhạc sĩ Y Vân đã có sự tranh luận tác quyền của bản nhạc. Qua truyền thông Úc, Việt Nam, cũng như trong chương trình của Trung tâm Thúy Nga, ông đã khẳng định quyền tác giả đối với bài hát này. Theo đó, Y Vân được xem như là một người em, một đồng nghiệp trẻ thân thiết, được Xuân Tiên ưu ái đồng ý để tên chung vào sáng tác của mình và cũng để tiện Y Vân mang giùm bản nhạc đến bán cho nhà xuất bản thời đó.
Nhân đây, một lần nữa, ông chia sẻ: “Hồi đó, tôi bận công việc nhiều. Tôi có người bạn là nhạc sĩ Y Vân chép nhạc bằng tay rất đẹp và trong đó, có chép bài “Duyên tình” cho tôi. Sau đó, Nhà xuất bản cần mua mà tôi thì lại bận việc nên nhờ Y Vân đem “Duyên Tình” đến cho Nhà xuất bản. Nhưng Y Vân có nói trước với tôi rồi, nếu Y Vân đem bán dùm thì phải có tên Y Vân kèm vào bài đó. Tôi bảo được rồi, bạn bè thì đứng tên với nhau là chuyện thường, không có gì, ký dùm rồi bán cho tôi”.
Đông – Tây hòa điệu
Ngoài tài năng sáng tác, chơi nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ, ông còn cải tiến và sáng tạo một số nhạc cụ mới. Điều thôi thúc ông làm công việc sáng tạo thú vị này là vì: “Nhạc cụ của Việt Nam thiếu thốn và phần nhiều là nhạc cụ của Trung Hoa, chỉ có đàn đáy và đàn bầu là của Việt Nam mà thôi. Các loại nhạc cụ này lại không đủ cung bậc và đúng thanh mẫu để có thể chơi chung với các nhạc cụ Tây phương”.
Trước hết, phải kể đến sáo trúc loại 10 lỗ và loại 13 lỗ thay vì 6 lỗ được trưng bày tại Bảo tàng Con người [Musée de l'Homme], Paris, Pháp.Theo ông “Trước đây, Sáo trúc chỉ có 6 lỗ bấm thôi và chỉ chơi được nhạc ngũ cung, không đủ cung bậc như các loại nhạc cụ Tây Phương. Nên, tôi với ông Xuân Lôi - anh trai tôi đã cải tiến ống sáo đó cho đủ cung bậc. Với lại cho nó đúng thanh mẫu để mà chơi được cùng với nhạc Tây phương”.
Bên cạnh đó, lấy cảm hứng từ thanh âm trong trẻo, ngọt ngào của đàn tranh, ông đã sáng chế ra chiếc đàn dây đặc biệt mang tên “Đàn tranh Xuân Tiên” với 60 dây và chơi bằng hai tay với đủ các cung bậc được nhiều nghệ sĩ cùng thời yêu thích và hiện đang lưu giữ tại Việt Nam.
Ông giải thích thêm: “Đàn tranh thường có 16 dây và chỉ chơi được nhạc ngũ cung Việt Nam. Khi chơi tân nhạc hay nhạc Tây phương thì thiếu cung bậc, cho nên tôi làm cây đàn gãy theo lối đàn tranh nhưng mà chơi bằng 2 tay. Bởi vì, có hai phần dây, phần dây bên tay trái để đệm nhạc và phần dây bên tay phải đàn những giai điệu”.
Ngoài ra, dựa trên hình dáng và cung bậc của đàn bầu, ông sáng chế ra “Đàn bầu Xuân Tiên” đặc biệt làm từ chất liệu giản dị, mộc mạc của thuở ban sơ là trái bầu khô.
Ông lý giải: “Lúc còn nhỏ, tôi thấy mấy người hát chèo, hát xẩm lấy trái bầu khô để làm những thùng đàn và cũng nhằm khuếch đại âm thanh. Về sau, người ta làm đàn bầu bằng gỗ, tôi thấy không đúng ngày xưa. Tôi thấy ở nhà có sẵn những trái bầu khô, tôi lấy làm đàn bầu để người ta gọi là đàn bầu. Chứ nhiều người cứ gọi là đàn độc huyền. Gọi như vậy, tôi nghe không đúng, bởi độc huyền là một dây mà nhiều nước có loại đàn một dây. Trong khi, cây đàn bầu là hoàn toàn của Việt Nam”.
Nỗi trăn trở của người nhạc sĩ
Là một nhạc sĩ sáng tác và chơi nhạc, cải tiến và chế tác nhạc cụ đi qua ngần ấy chiều dài thế kỷ, chứng kiến những đổi thay của lịch sử và con người, ông không hề có những ưu tư vỡ vụn của riêng mình. Thiết nghĩ, những gì ông chia sẻ là những trăn trở mang tính thời đại, đánh động dòng suy tư cho hậu thế, đặc biệt là những người làm công việc sáng tạo âm nhạc và nghệ thuật.
Ông nói: "Tôi mong, thế hệ sau này, các nhạc sĩ nên chú trọng về âm điệu, về giai điệu của những bản nhạc để cho nó thích hợp hơn bây giờ. Vả lại, tôi nghĩ, nền âm nhạc Việt Nam phải mang dân tộc tính. Khi nhạc tấu lên thì người ta biết bản nhạc này là của Việt Nam, bản nhạc kia của nước khác. Tất nhiên, làm nghệ sĩ thì phải biết, phải hiểu rõ và tôn trọng nghệ thuật chứ đừng nghĩ nhiều đến thị hiếu của quần chúng. Người ta thích nhưng nói cho đúng thì trình độ quần chúng không bao giờ bằng trình độ của người làm chuyên môn. Mỗi một sáng tác của cùng một nhạc sĩ đi nữa, cũng không nên lặp lại âm điệu mà mình đã sáng tác rồi".
Cho đến hôm nay, mạch nguồn sáng tạo vẫn không ngừng chảy trong cơ thể, khi mà ông đang thai nghén một số thể loại sáng tác mới. Hy vọng, công chúng mến mộ nhạc sẽ sớm được thưởng thức những tác phẩm mới của ông.
Một lần nữa, RFI Tiếng Việt xin được vinh danh ông, một người nhạc sĩ tao nhã am tường nhạc lý phương Tây lẫn phương Đông. Ông để lại cho hậu thế những bản tình ca sâu đậm về tình yêu quê hương, đất nước, một thứ tình rộng lớn hơn chứ không đơn thuần chỉ gói ghém trong tình yêu lứa đôi. RFI Tiếng Việt kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!
-
The Following 2 Users Say Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
aovang (04-28-2021), Kiến Hôi (04-28-2021)
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Last edited by Kiến Hôi; 04-28-2021 at 05:59 PM.
-
The Following User Says Thank You to Kiến Hôi For This Useful Post:
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Bryan Adams - Ngựa chiến hoang dã
Gia Trình - RFI
Nổi tiếng với chất giọng khàn mạnh mẽ, Bryan Adams của bản ballad bất hủ Everything I do, I Do it for you giờ bước sang tuổi 62. Ông vừa là ca sỹ, nhạc sỹ sáng tác, thợ nhiếp ảnh, nhà hoạt động xã hội. Sức sáng tạo của nam ca sỹ người Canada vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau gần 40 năm đỉnh cao trong làng âm nhạc thế giới.
Sự nghiệp âm nhạc trải dài bốn thập niên
Năm 1991, bản hit trong bộ phim ăn khách Robin Hood, Everything I do đã đưa tên tuổi Bryan Adam nổi tiếng trên toàn cầu. Ca khúc trụ hạng nhất trong 16 và 18 tuần liên tiếp tại Anh và châu Âu và tiêu thụ đến hơn 15 triệu bản. Chính vì thành công quá lớn này, khán giả lầm tưởng Adams chỉ có duy nhất bản hit để đời trong sự nghiệp. Trên thực tế, vô số các bản hit của Adams được đón nhận từ sự nghiệp âm nhạc chớm nở từ giữa thập niên 1970 đến nay.
Năm 1983, album Cuts like a knife (Cắt như vết dao) chính thức đưa tên tuổi Bryan Adams chinh phục giới phê bình và khán giả. Album có hai đĩa đơn ăn khách lọt vào bảng xếp hạng Billboard top 10 và 15. Sau đó, một loạt các bản ballad mạnh mẽ ra đời, khẳng định tên tuổi của ngôi sao nhạc rock như Heaven, Summer of 69, Run to You, It’s only love (song ca với Tina Turner).
Hơn 30 năm sau, ngọn lửa âm nhạc của Adams vẫn tiếp tục bùng cháy trên sân khấu và trong phòng thu. Adams đã chia lửa sân khấu trong bản hit Summer of 69 với công chúa nhạc pop Taylor Swift trong tour lưu diễn Reputation tour năm 2018. Năm 2019, ông trình làng album Shine a Light (Toả sáng) cộng tác với ngôi sao trẻ Ed Sheeran và ngôi sao La-tinh Jennifer Lopez. Album này leo lên hạng 1 tại bảng xếp hạng Canada và hạng 2 tại Anh Quốc. Nguồn năng lượng sáng tác và biểu diễn của nam danh ca chưa có dấu hiệu suy xuyển kể cả khi ông đã kỷ niệm sinh nhật tuổi 60.
Chất giọng khàn ấn tượng
Điểm đặc biệt nhất của Bryan Adams chính là giọng khàn khoẻ khắn và nam tính. Khán giả dễ dàng nhận ra chất giọng của ông giữa vô vàn chất giọng nam khác. Nhờ sự giúp đỡ của nhà sản xuất kỳ cựu Wallace, nam ca sỹ đã luyện tập được chất giọng đặc trưng mang dấu ấn cá nhân. Hơn thế với giọng khàn, Adams được coi là một trong những rocker vĩ đại nhất mọi thời đại, đặc biệt khi trình diễn live.
Giọng Bryan Adams luôn được đem ra so sánh với các chất giọng khàn nổi tiếng như Richard Marx, Rod Stewart, Joe Cockers, Bruce Springsteen. Chuyên gia luyện giọng Matt Williams đã mô tả : “Nổi tiếng với chất giọng khàn sát thủ, Bryan Adams, người chuyên mặc áo thun, quần jeans, đã viết nên giai điệu không thể nào quên”. Có lẽ vì thế, khi bộ ba rocker Bryan Adams, Rod Stewart, Sting hợp tác trong bản ballad All for love (Tất cả vì tình yêu) trong bộ phim Three Musketeers (Ba chàng lính ngự lâm) tạo nên hiệu ứng đặc biệt. Từng đem ra so sánh với Rod Stewart, giọng khàn của Adams vẫn có bản sắc riêng, nhờ thế giữ thế “kiềng ba chân” trong bản hit thành công này.
Những mối quan hệ tình cảm
Những bản tình ca đẹp của Adams dường như phản ánh trung thực hàng loạt mối quan hệ tình cảm ngoài đời. Bryan Adams từng bị nghi ngờ có mối quan hệ với công nương Diana khi sáng tác hẳn một ca khúc tựa đề Diana như để tặng riêng bà. Cho dù bạn gái cũ xác nhận điều này, Bryan Adams chỉ khẳng định với báo giới đó là mối quan hệ bạn bè “rất thân thiết”. Hơn thế nữa, các bóng hồng gắn bó với Bryan Adams đều rất nổi tiếng. Hai người mẫu sáng giá thập niên 1990 là Elle MacPherson (người Úc) và Linda Evangelista (người Canada) đều xác nhận.
Ngoài ra, ông còn có mối quan hệ với người mẫu, diễn viên Đan Mạch, Cecilie Thomsen. Thomsen từng xuất hiện trong vai Bond girl, phim Tomorrow Never Dies (1997). Cô là người duy nhất trong số người tình của Bryan Adams xuất hiện trong video clip ca nhạc Have you ever really loved a woman? Ca khúc được chọn là nhạc bộ phim tình cảm lãnh mạn Don Juan DeMarco (1995) do nam tài tử Johnny Depp thể hiện. Một lần nữa, Adams bén duyên với màn bạc với tài năng viết nhạc phim cùng hai nhạc sỹ khác là Micheal Kamen và John Mutt Lange.
Hiện tại, Bryan Adams đang chung sống với trợ lý riêng Alicia Grimaldi kém ông 20 tuổi. Hai người gắn bó với nhau từ năm 2011 có chung hai con gái sinh năm 2011 và 2013.
Nghề sáng tác và biểu diễn lão luyện
Trong album gần nhất Shine A Light, Bryan Adams chứng tỏ tài năng sáng tác lão luyện và chắc tay. Việc hợp tác của Adams với các nghệ sỹ trẻ cũng khá trôi chảy và mang tính xây dựng. Ca khúc chủ đề album dành tặng cho cha mẹ Adams vì cha ông mất sớm. Dựa trên ý tưởng bài hát tặng cha, Bryan Adams chia sẻ ý tưởng với Ed Sheeran qua email. Họ cùng gặp gỡ tại Ailen trong tour lưu diễn, trao đổi ý tưởng. Adams viết phần điệp khúc và gửi lại để Ed Sheeran viết tiếp. Cả hai cùng hoàn thiện sau khi trao đổi với nhà sản xuất của Bryan Adams.
Còn chuyện hợp tác với Jennifer Lopez chỉ sau một cú điện thoại trao đổi với người quản lý J.Lo. Tương tự, sau khi song ca với Taylor Swift với Summer of 69, Adams cho rằng The Last Night On Earth sẽ là bản nhạc phù hợp để hợp tác với Swift. Bản nhạc Driving Under The Influence Of Love (Lái xe trước áp lực tình yêu) được Adams viết để tặng cho nam danh ca Joe Cocker trước khi Cocker qua đời.
So với việc hợp tác, Bryan Adams cũng rất sắc bén khi sáng tác một mình. Nhạc cảm tốt và tài năng thiên bẩm mới có thể xây dựng sự nghiệp bền vững đến thế. Kỷ lục sáng tác nhanh nhất của Adams là bản hit Everything I do khi ông chỉ mất 45 phút để hoàn thiện bản nhạc. Adams bày tỏ sự thích thú với việc viết nhạc phim. Ông nhấn mạnh vào việc chuyển những câu chuyện trên màn bạc thành giai điệu với nhiều cung bậc cảm xúc. Điều đó thực sự làm nghệ sỹ này hưng phấn và đam mê.
Trước khi nổi tiếng vào thập niên 1980, Adams từng viết nhạc cho nhiều nghệ sỹ tên tuổi như nhóm hardrock Kiss và nữ nghệ sỹ Bonnie Ratt. Nguồn năng lượng sáng tạo và biểu diễn của ông đã khiến ông bứt phá mạnh mẽ để khiêm nhiệm hai vai trò ca sỹ - nhạc sỹ sáng tác. Tuổi tác không giảm sút sự nhanh nhạy của Adams trong việc mở rộng mối quan hệ tốt, đặc biệt với nhà sản xuất Bob Rock. Rock từng là đạo diễn cho sự thành công của các nhóm rock tên tuổi Bon Jovi, Metallica và danh ca Michael Buble.
Ca khúc Don’t look back (Đừng ngoảnh lại) kể về một người đàn ông gặp khó khăn khi tìm kiếm kết cục hạnh phúc. Nhưng điều đó không mô tả sự nghiệp Bryan Adams, một ngựa chiến hoang dã không bao giờ chịu dừng cuộc chơi. Đó là một thái độ kiên trì và đam mê không bỏ cuộc của nghệ sỹ lớn : “Tôi không tin vào kết thúc, tôi muốn tiếp tục đi tiếp”.
(Theo Classic Pop, TheGuardian)
-
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Sắc xanh nồng ấm – hành trình Ta tìm thấy Ta
Lệ Thu - RFI - 30/04/2021
Tên chính thức của bộ phim là “Chuyện đời của Adèle – chương I và II” nhưng dường như cái tên khiến người ta nhớ tới nhất chính là “Sắc xanh nồng ấm” (Blue is the warmest colour). Được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng “Blue Angel” của nữ nhà văn Pháp - Julie Maroh viết năm 2010, năm 2013, bộ phim ra đời sau khi nước Pháp hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và đã gây chấn động không chỉ nước Pháp mà là cả nền điện ảnh thế giới.
“Sắc xanh nồng ấm” ngay lập tức đoạt giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes, đề cử giải Quả cầu vàng cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất và giải BAFTA cho Phim hay nhất không phải bằng tiếng Anh. Thậm chí, nhiều nhà phê bình còn đánh giá đây là một trong những bộ phim hay nhất năm 2013. Dù có xuất phát điểm từ một tác phẩm văn học đã sẵn tên tuổi nhưng thành công của bộ phim phần lớn nhờ vào phần thể hiện trên cả tài tình của đạo diễn Abdellatif Kechiche bằng những ngọt ngào, mãnh liệt, nồng nàn của mối tình đồng giới, bằng sắc xanh ngập tràn màn ảnh, bằng cả những nỗi buồn đau day dứt giằng xé không tên.
Bỏ qua rất nhiều những tranh cãi xung quanh bộ phim, “Sắc xanh nồng ấm” đã khắc họa rất chân thực con đường tìm kiếm bản thân, “định danh giới tính” của Adèle, một cô nữ sinh trung học chỉ mới 17 tuổi đầy khao khát và băn khoăn, để rồi cuối cùng, bất chấp một cái kết có đẹp hay không, Adèle cũng có được câu trả lời.
Cuốn sách cuộc đời
Say mê văn học và ước muốn trở thành cô giáo, câu chuyện của Adèle cũng được dẫn dắt một cách không quá dấu diếm qua những trang sách, những tác phẩm văn học cô được dạy ở trường. Mở đầu phim là bài giảng về một câu chuyện tình yêu sét đánh, cũng chính là cái cách mà sau đó không lâu, mái tóc xanh kì diệu đi qua đời Adèle và để lại không biết bao nhiêu dấu ấn khó phai.
Được xây dựng là một thiếu nữ tuổi teen cơ bản, thậm chí có phần hơi cổ điển, Adèle yêu những gì đơn giản nhất nhưng ẩn sâu bên dưới cái vỏ đó là những khát khao kì lạ mỗi đêm của tuổi dậy thì, những đam mê khó hiểu khó thổ lộ . Có vẻ cũng giống như nhiều bạn trẻ cùng trang lứa khác, Adèle chất chứa đầy những băn khoăn về bản thân, đặc biệt là về giới tính của mình cho đến khi cuốn sách cuộc đời mở ra, màu tóc xanh của Emma lướt tới như một luồng gió đầy ấn tượng, mới mẻ, khơi gợi cả một thế giới đang đầy giông bão trong con người Adèle.
Adèle bắt đầu mối quan hệ với Thomas, cậu bạn học cùng trường, giống như thực hiện một cuộc kiểm chứng. Rồi gần như ngay sau đó, cô chủ động chia tay cậu chỉ qua lần gần gũi đầu tiên. Cô đã khóc thật nhiều, cảm thấy suy sụp nhưng không phải vì buồn mà vì có thể cô đã nhận ra bản thân, nhận ra những khát khao của cô không phải dành cho bất kì một người đàn ông nào.
Lúc này, “bi kịch là không thể tránh khỏi … là vĩnh cửu” chính là bài học văn học thứ hai trên lớp, cũng là lúc mở ra một trang mới của Adèle khi cô bất ngờ nhận được nụ hôn của cô bạn học và ngay lập tức nghĩ rằng đó là dấu hiệu của tình yêu. Oái oăm thay, ngược lại với hi vọng và mong đợi của Adèle, nụ hôn kia chỉ là một nụ hôn vui vẻ, hoàn toàn vô nghĩa. Adèle bước vào bi kịch cảm thấy lạc lõng giữa những người bạn vẫn gọi là thân thiết, giữa trường học và cả gia đình.
Nhờ vào một người bạn đồng tính nam khác, cô tìm tới các câu lạc bộ những người đồng giới để, dường như, là tìm kiếm những người giống mình, để cảm thấy sự hòa đồng, cảm thấy mình không khác biệt hay dị biệt. Trong cái ánh sáng xanh lấp lánh của hộp đêm, Adèle vẫn mong ngóng gặp được một sắc xanh khác, thứ Xanh ấm áp mà cô đã vô tình lướt qua trên phố hôm nào, thứ Xanh đã ám ảnh cô mỗi đêm. Và rồi, Emma cũng xuất hiện như một vị cứu tinh khi Adèle lạc trong quán bar đồng giới nữ và sắp sửa được một cô gái khác tán tỉnh.
Những điểm khác nhau giữa cô nữ sinh trung học còn đang ngơ ngác với cuộc đời và cô sinh viên đại học Mỹ thuật sâu sắc dần bộc lộ, khi một người thích uống cocktail, một người mê sữa lắc, một người có thể ăn hải sản cả đời còn người khác lại nghiện bơ và món mì Ý, ấy vậy mà họ vẫn đến với nhau bằng sự thôi thúc khao khát nhục dục từ Adèle và sự tò mò rộn rã của Emma.
Những mối quan hệ bạn bè ở trường rạn nứt khi Adèle bị bạn bè phát hiện là người đồng tính nhưng “bản thân lực hấp dẫn là một sai sót không thể tránh được” là bài học tiếp theo từ văn học của Adèle. Và rồi, trường đoạn sex kéo dài trong phim giống như hành động cởi nút thắt hết thảy mọi do dự băn khoăn bên trong Adèle. Những giày vò đau đớn nhưng sung sướng tận cùng khiến cô cảm thấy đã tìm thấy chính mình. Trường đoạn này có thể nói là điểm nhấn mạnh mẽ trong phim, không chỉ là giới hạn về sex mà còn mang trong nó ý nghĩa của sự bứt phá, của khát vọng được sống là chính bản thân mình của nhân vật chính.
Hai nửa đối lập
“Sắc xanh nồng ấm” được chia làm hai nửa khá rõ ràng và tách biệt. Nửa đầu tiên ngập tràn những hứng khởi, xúc cảm mạnh mẽ, cuồng nhiệt, trong khi nửa thứ hai lại kéo khán giả trở về với thực tại cuộc sống với những xoay vần rất đỗi đời thường. Ta có thể thấy nó giống như sự thay đổi màu tóc của Emma, lúc sắc xanh không còn thì sự ấm áp cũng mất đi.
Đó là cái cảm giác lạc lõng của Adèle giữa bữa tiệc tiếp khách giới thiệu tranh của Emma. Đó là cái cảm giác giống như ngày cô đứng giữa trường trung học và bất an về bản thân. Cái cảm giác một mình một việc, lắng nghe những người xung quanh nhưng dường như cô không hề ở đó, dù Emma đã thật tế nhị cảm ơn Adèle đã là nguồn cảm hứng bất tận của mình, là nàng thơ cho các bức tranh và là người tự tay nấu đồ ăn. Trong cái xã hội thu nhỏ của giới nghệ sĩ đầy rẫy đam mê, hài hước, nhốn nháo, gương mặt ngây thơ lạc điệu đáng thương xa xôi của Adèle hiện ra, như một lần nữa, cô đã không thể tìm thấy mình.
Chi tiết nhỏ nhưng đắt giá hơn cả là khi họ cùng nhau dùng bữa sáng. Vẫn là một Adèle đơn giản, yêu để sống và sống để yêu, chăm chút cho Emma, trong khi Emma còn đang tập trung vào công việc và phát điên vì đã không được như ý. Cô thậm chí không quan tâm Adèle đang nói gì, làm gì. Người ta có thể thấy rõ ràng khoảng cách giữa hai người, một nghệ sỹ có tài đầy tham vọng và một cô giáo mầm non với triết lí sống đơn giản mới chớm ngưỡng đôi mươi.
Thế rồi, Adèle, một lần nữa, lại tìm đến sự trải nghiệm xác thịt với một đồng nghiệp nam ở trường học vì quá cô đơn. Tất cả cảm xúc, nguồn sống của cô gái trẻ đều phụ thuộc vào Emma nên khi Emma lơ đãng với cô, quay cuồng với sự nghiệp thì Adèle trở nên lạc lõng, khát khao. Ám ảnh mà Emma mang lại cho Adèle là quá lớn, không chỉ tinh thần mà còn là những ái ân cuồng nhiệt đắm say không gì thay thế được. Mọi việc vỡ lở, mối quan hệ của họ đổ vỡ, Emma từ chối Adèle vì sự phản bội quá rõ ràng.
Rời khỏi Emma, Adèle thấy mình trống rỗng. Mùa hè đến, lũ trẻ cũng rời khỏi trường, xung quanh là nỗi cô đơn. Hóa ra, trước giờ Adèle chưa từng có điều gì thuộc về bản thân mình, kể cả niềm vui hay nỗi buồn.
Hè qua, thu tới, Adèle vật vã trong nỗi cô đơn nhung nhớ. Họ gặp lại nhau, lực hấp dẫn là một điều khó tránh khỏi nhưng không phải là không thể. Với Emma, Adèle là nguồn cảm hứng, là nàng thơ nhưng lại là một tình yêu có giới hạn, là sự cuồng nhiệt xác thịt không hơn. Adèle bật khóc. Trong tình yêu, có phải ai yêu nhiều hơn thì sẽ đau khổ hơn? Hay qua sự đổ vỡ, họ sẽ tìm cách đứng lên mạnh mẽ hơn và tìm thấy bản thân mình?
Văn học trở lại ở lớp mẫu giáo khi Adèle dạy những đứa trẻ đọc bài về con tắc kè. Chúng đổi màu để thích nghi và chẳng có lý do nào khác hơn thế.
Lần đầu tiên, Adèle diện bộ váy màu xanh đến triển lãm tranh của Emma. Cô vẫn có mặt trong tranh nhưng dường như linh hồn cô không còn ở đó. Ngắm nhìn những người nửa lạ nửa quen và Emma tay trong tay với người yêu mới là một họa sĩ, sự lạc lõng tiếp tục xâm chiếm Adèle. Cô rời khỏi đó với màu xanh của riêng mình, với nỗi đau một phần cuộc đời mà cô sẽ mang theo.
“Sắc xanh nồng ấm” là một bộ phim với đầy những chi tiết đắt giá nhưng lại mang ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, dễ gần giống như nhịp thở của mỗi chúng ta. Những góc quay cận, hẹp, không có nhạc nền, những bữa ăn gia đình hay thậm chí cả cái kết cũng bình thản đến khó chịu. Khán giả có chung một câu hỏi, một sự tiếc nuối, rằng Adèle rồi sẽ ra sao, cuộc sống tinh thần của cô sẽ thế nào? Liệu cô có thể còn Yêu ai được nữa?
Blue trong tiếng Anh còn có nghĩa là Nỗi Buồn. Có đúng không khi ta nói Nỗi Buồn là thứ thật sự cần trong cuộc sống, bởi chỉ khi Buồn thì ta mới học cách trân trọng những lúc Vui bên nhau. Và chỉ khi biết trân trọng nó, ta mới nhìn thấy chính Ta trong đó.
-
The Following User Says Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Diane Warren - Phù thủy của những bản tình ca để đời
Gia Trình - RFI - 01/05/2021
Điểm chung của các bản ballad nổi tiếng thập niên 1990-2000 như Unbreak my heart, How do I live, Because you loved me là gì? Tất cả đều được nhào nặn qua bàn tay vàng của phù thủy âm nhạc - Diane Warren.
Sau 35 năm hợp tác với các ngôi sao ca nhạc sáng giá như Celine Dion, Cher, Whitney Houston, nữ nhạc sỹ Diane Warren sắp trình làng tuyển tập đầu tiên Diane Warren: The Cave Sessions Vol. 1.
Sự nghiệp lừng lẫy trải dài 35 năm
Tên tuổi của Diane Warren tỏa sáng từ đầu thập niên 1980 nhờ bản hit Solitaire. Bản nhạc viết cho nữ ca sỹ Laura Branigan leo lên hạng 7 bảng xếp hạng Billboard. Tính đến hiện tại, nữ nhạc sỹ 65 tuổi có quyền tự hào về những đứa con tinh thần xuất sắc: 9 ca khúc xếp hạng 1, 32 ca khúc nằm trong top 10 bảng xếp hạng Billboard 100.
Hơn thế nữa, Warren rất có duyên sáng tác nhạc cho điện ảnh, với hơn 100 tác phẩm. Nhờ tài nghệ kể chuyện, những bản nhạc phim của Diana Warren nhanh chóng trở thành các hit xuất sắc, có sức sống mãnh liệt. Đơn cử như Music of my heart (Âm nhạc từ trái tim) do N’Sync và Gloria Estefan trình bày, How do I live (Làm sao em sống nổi thiếu anh) trong phim Con Air, I don’t want to miss a thing do Aerosmith thể hiện trong phim Amargeddon (Ngày tận thế), There you’ll be do Faith Hill trình bày trong phim Pearl Habour (Trân Châu Cảng).
Ca khúc Nothing can stop us now (Không gì ngăn cản chúng ta) phim Mannequin (1988) là điểm khởi đầu thuận lợi cho Warren. Bài hát đem lại tiếng vang lớn, giúp bà giành 1 đề cử Grammy đầu tiên. Chín năm sau đó, ca khúc Because you loved me do diva Celine Dion thể hiện mới giúp Warren chạm tay vào giải Grammy duy nhất Ca khúc viết cho phim xuất sắc nhất.
Thế mạnh của bà là những ballad viết về tình yêu có giai điệu nồng cháy, với ca từ hoa mỹ. Bà tiết lộ về album mới nhất: “Tôi sáng tác những bài hát mới liên tục, tôi thực sự nghĩ rằng mình đang viết những ca khúc xuất sắc nhất”. Dàn sao quy tụ trong album mới của Diana bao gồm John Legend, Celine Dion, Mary J. Blige, Jason Derulo, Ty Dolla $ign, Jhené Aiko. Đồng thời, single đầu tiên Times Like This đã được lên sóng vào tháng 11/2020 do danh ca Darius Rucker thể hiện. Đó là một ca khúc pha trộn giữa country và rock, hoàn toàn chinh phục khán giả: “Ca khúc đem đến hy vọng và giúp bạn có tinh thần chiến đấu tốt”.
Những bộc bạch về đứa con tinh thần
Nếu nói Diane Warren là một huyền thoại sống hay "Phù thủy âm nhạc", có lẽ không quá lời. Catalogue âm nhạc của bà gồm hơn 1.000 ca khúc đem cho bà khoản thu nhập 20 triệu đô la bản quyền xuất bản mỗi năm.
Trả lời phỏng vấn tạp chí, Warren tiết lộ về kỹ thuật sáng tác, thường bà bắt nguồn từ ý tưởng, viết nhạc sau đó mới viết lời. Mặc dù có thể xuất phát từ ý thơ hay giai điệu, bà cho rằng viết lời tốn khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự cẩn trọng phát triển ý tưởng công phu. Thông thường, Warren chỉ mất 1 tuần để sáng tác xong 1 ca khúc.
Những sáng tác của phù thủy âm nhạc phá vỡ mọi ranh giới về giới tính, tuổi tác và thể loại. Cùng một bản pop ballad If you asked me to của Celine Dion thể hiện, nữ ca sỹ R&B Patti Labelle thể hiện cũng thành công không kém. Điều đó toát lên sức cuốn hút và độ lan tỏa trong giai điệu, ca từ trong từng bài hát của Diane Warren.
Một điểm thú vị khác là các ca khúc, nếu bị các ca sỹ chê hoặc từ chối, đều thành công rực rỡ ngoài sức tưởng tượng. Trong số đó, có bản hit xuất sắc của Cher hay Toni Braxton.
1. If I Could Turn Back Time - Cher (1989)
Warren cho rằng bài hát quá tuyệt vời với Cher nhưng cô ấy ghét nó. Bà phải đến tận phòng thu, van lạy Cher để thử hát cho đến khi nào cô ấy đồng ý: “Tôi đồng ý sẽ trả tiền cho ca khúc này, nếu nó không hiệu quả, tất cả tiền túi của tôi. Tôi biết rằng nó dành cho cô mà”. Kết cục là Cher đã đồng ý thử hát ca khúc. Dĩ nhiên nó trở thành ca khúc biểu tượng của Diane Warren và vực dậy tên tuổi Cher với dòng nhạc dance.
2. Unbreak my heart - Toni Braxton (1996)
Bà đã nghĩ ra tựa đề bài hát đó, chơi thử điệp khúc với những hợp âm của bài. Một tựa đề khá kỳ lạ, vì bà chỉ dùng một từ “Un-break” thay vì hai từ “Don’t break”. Ông chủ hãng đĩa Columbia, Clive Davis muốn bà thay đổi đổi hai từ vần nhau trong hai câu đầu bài hát “pain” và “rain”, nhưng Warren không đồng ý. Tuy nhiên, cả hai đều nghĩ tới giọng nữ trầm R&B Toni Braxton, ca khúc này đo ni đóng giầy cho Toni: “Cô ấy không thích bài này. Lịch sử lại lặp lại, có thể cô ấy ghét bài này hơn nữa, nghĩa là phải hát nó trong 20 năm tới”.
3. Because you loved me - Celine Dion (1996)
Bài hát được viết cho bộ phim tình cảm lãng mạn Up Close and Personal (1996). Warren từng nói: “Nhưng tôi luôn cảm ơn cha mình luôn tin tưởng âm nhạc của tôi, ủng hộ tôi. Kịch bản phim có thể trở thành đề tài quấy rối tình dục #metoo. Liệu bây giờ họ có thể sản xuất một phim như vậy không?”
4. How Do I Live - LeAnn Rimes/Trisha Yearwood (1997)
Lúc đầu, bà viết cho bộ phim Con Air, nhưng sau đó chơi thử cho nhà sản xuất Jerry Bruckheimer khiến ông ấy thích thú. Warren chợt nghĩ tới LeAnn Rimes, người vừa đoạt giải Grammy Nghệ sỹ mới xuất sắc nhất và mời LeAnn trẻ thể hiện. Họ cùng thu âm, và ghi hình cho video clip ca nhạc và tiêu hết ngân sách.
Tuy nhiên, Jerry đổi ý sau khi nghe ca khúc. Ông muốn Trisha Yearwood hát ca khúc này. Warren từ chối chuyển từ LeAnn sang Trisha, kể cả cho phiên bản nhạc phim Con Air. Giữa họ xảy ra bất đồng, cả LeAnn và Jerry đều nổi khùng với Warren vì sự thay đổi này. Nhưng sau đó mọi chuyện trở lại bình thường. Warren hài hước nói rằng “Đó là tác dụng các bản hit. Mọi người đều yêu quý bạn”.
5. I Don’t Want to Miss A Thing - Aerosmith (1998)
Sau bất đồng với Jerry Bruckheimer, hai người hợp tác trở lại trong bộ phim bom tấn Armageddon (1998) do Jerry đã đổi ý. Warren chưa bao giờ nghĩ sẽ mời nhóm hard rock Aerosmith trình diễn, mà hình dung rằng phải là một giọng nữ thể hiện. Nhưng không ai có chất giọng mạnh mẽ, gây tổn thương như Steven Tyler diễn tả lời bài hát. Warren nói: “Tôi nhớ lần đầu tiên nghe nó, suýt bật ra khỏi ghế ngồi vì mức độ thẩm thấu. Bài hát đó đáng lẽ phải đoạt giải Ghi âm của năm vì nó quá xuất sắc”.
Niềm đam mê âm nhạc không cạn
Một nhạc sỹ chuyên sáng tác bản nhạc tình cảm lãng mạn chưa từng một lần kết hôn. Bà từng có mối quan hệ với nhà sản xuất, sáng tác nhạc Guy Roche nhưng sớm kết thúc vào năm 1992. Dường như sự thiếu vắng đời sống lãng mạn khiến Warren trở thành nghệ sỹ sáng tác đặc biệt nhờ trí tưởng tượng trong sự cô đơn.
Rất hiếm khi bà hợp tác với nghệ sỹ sáng tác nào khác. Warren thích sáng tác độc lập, vì bà không muốn thỏa hiệp nếu xảy ra vấn đề. Ngoài ra, Warren từng đau khổ và trắng tay sau trận động đất phá hủy nhà cửa năm 1994. Nhưng bi kịch của thực tại không thể bóp nghẹt những sáng tác ngọt ngào, đầy hưng phấn của bà. Trái lại, "Phù thủy âm nhạc" coi đó là liệu pháp vực dậy tinh thần, với niềm đam mê âm nhạc. Bà có thể làm việc 12-16 tiếng một ngày.
Một nhạc sỹ tài năng như Diana Warren dường như kém may mắn với giải thưởng âm nhạc lớn. Bà từng được đề cử 11 giải Oscar nhưng đều ra về tay trắng. Lần này, nữ nhạc sỹ đang hào hứng với giải thưởng Bài hát xuất sắc nhất trong phim nhờ hai ứng cử viên sáng giá. Ca khúc Free do Charlie Puth thể hiện cho bộ phim The One and Only Ivan (Ivan người duy nhất) và ca khúc lo Si (Seen) do Laura Pausini thể hiện trong bộ phim hãng Netflix The Life Ahead có siêu sao Sophia Loren thủ vai.
Với bề dày hơn ba thập kỷ sáng tác, hiếm có nhạc sỹ nào nuôi dưỡng được nguồn đam mê bất tận trong âm nhạc như Diane Warren. Bà được coi là nghệ sỹ độc lập, tiên phong trong ngành công nghiệp âm nhạc. Warren còn là chủ nhân duy nhất của hãng đĩa Realsongs, công ty ăn nên làm ra. Bà xứng đáng với danh hiệu “Phù thủy” của các bản tình ca để đời.
(Theo Rollingstone, Variety, NPR, Billboard)
-
The Following 2 Users Say Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
aovang (05-01-2021), Kiến Hôi (05-01-2021)
-
Re: Nhac & Phim & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật trên Thế Giới.
Pháp: Liên hoan "Opéra ngoài trời" tròn 20 tuổi
Tuấn Thảo - RFI - 03/05/2021
Đi xem các vở kịch opéra nổi tiếng tại những địa điểm lịch sử trứ danh, thuộc vào hàng di sản quốc gia : đó là tham vọng của Liên hoan thường niên "Opéra en Plein Air" tại Pháp. Được tổ chức lần đầu tiên vào mùa hè năm 2001, liên hoan "Opéra ngoài trời" năm nay vừa tròn 20 tuổi, ban tổ chức không bỏ lỡ cơ hội đánh dấu sự kiện với "Madame Buttefly", một trong những kiệt tác của Puccini.
Kể từ khi được thành lập cho tới nay, liên hoan "Opéra ngoài trời" đã thu hút trên 800.000 lượt khán giả. Mỗi năm ban điều hành liên hoan chọn ra một tác phẩm kinh điển, tuyển lựa dàn diễn viên và sau đó cả đoàn nghệ sĩ được đưa đi trình diễn tại khuôn viên các đền đài dinh thự, mặt tiền các di sản kiến trúc. Trong vòng hai thập niên liền, giới yêu chuộng opéra nói riêng cũng như khán giả Pháp nói chung đã được dịp xem các tác phẩm nổi tiếng như vở kịch opéra "La Traviata" do Verdi phóng tác theo quyển tiểu thuyết Trà Hoa Nữ (La dame aux Camélias) của nhà văn Alexandre Dumas con, tác phẩm "Carmen" của Bizet, Le Barbier de Séville của Rossini hay là "La Flûte Enchantée" (Cây sáo thần diệu) của Mozart ....
Sinh nhật lần thứ 20 sau một năm tai biến
Riêng cho mùa hè năm nay, ban tổ chức liên hoan "Opéra en Plein Air" đã chọn "Madame Buttefly", một vở kịch opéra khá dài nhưng chỉ có hai màn. Đây không phải là lần đầu tiên "Opéra ngoài trời" trình diễn các vở kịch ăn khách của Puccini. Vào mùa hè năm 2016 và sau đó nữa là năm 2019, hai tác phẩm "La Bohème" và "Tosca" của cùng tác giả người Ý đã thành công rực rỡ nhân vòng lưu diễn của đoàn kịch trên khắp nước Pháp, giúp cho liên hoan lưu động này lập kỷ lục mới với hơn 50.000 lượt khán giả chỉ sau 10 đêm biểu diễn.
Được tổ chức năm nay với sự bảo trợ của tác giả Franck Ferrand, làm việc cho đài phát thanh Pháp chuyên về nhạc cổ điển Radio Classique và đồng thời là người giới thiệu chương trình "l'Ombre d'un doute" trên kênh truyền hình France 3, liên hoan "Opéra ngoài trời" đã tìm thấy một gương mặt đại diện lý tưởng, do tác giả Franck Ferrand kết hợp cùng lúc cả hai lãnh vực : âm nhạc cổ điển và giai thoại lịch sử.
Một sự hợp tác được cho là cần thiết do thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập liên hoan diễn ra trong một bối cảnh không mấy thuận lợi. Thật vậy, "Madame Buttefly" đã từng được lên chương trình biểu diễn với một dàn diễn viên quốc tế vào mùa hè năm ngoái, thế nhưng dịch Covid-19 đã buộc các nhà tổ chức ban đầu quyết định dời lại nhưng sau đó đành phải hủy bỏ luôn, do thành phần nghệ sĩ nước ngoài không còn khả năng đến Pháp, khi biên giới giữa các nước bị khóa lại.
Vòng lưu diễn tại 5 địa điểm quen thuộc gần Paris
Tác phẩm "Madame Butterfly" dựa trên một câu chuyện có thật, đã được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1904 tại nhà hát lớn La Scala của thành phố Milano. Tác phẩm này từng được chính tác giả Puccini chỉnh sửa lại nhiều lần. Được biểu diễn tại Pháp trong khuôn khổ liên hoan "Opéra ngoài trời", phiên bản cuối cùng của "Madame Butterfly" cũng là phiên bản hoàn chỉnh nhất. Phần dàn dựng, chỉ đạo được giao cho ông Olivier Desbordes, người đã từng hợp tác trước đây với Tina Tuner và đã dựng các hoạt cảnh sân khấu hoành tráng nhân các đợt biểu diễn thời trang của nhà thiết kế Karl Lagerfeld. Về phía thành phần diễn viên, đoàn kịch tập hợp nhiều nghệ sĩ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Pháp hay Thụy Sĩ qua các giọng ca Serenad Burcu Uyar (soprano), Denis Pivnitskyi (tenor), Irina de Baghy (mezzo-soprano) hay là Kristian Paul (baryton) .....
Nếu như trong những năm trước, liên hoan "Opéra ngoài trời" đã từng ghé thăm nhiều điạ điểm nổi tiếng như lâu đài Gerbéviller có từ thế kỷ XVII ở vùng Moselle, cổ thành Carcassonne với quần thể kiến trúc còn đứng vững kể từ thời Trung Cổ (thế kỷ XI), vòng lưu diễn mùa hè năm 2021 bao gồm tổng cộng 12 đêm diễn và chủ yếu được tập trung ở Paris và các vùng phụ cận (vùng Île de France). Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khán giả tham gia, các đêm diễn chủ yếu được tổ chức nhân dịp cuối tuần, thường là vào mỗi đêm thứ Sáu và thứ Bảy.
Vào trung tuần tháng 6, khán giả có thể xem tác phẩm "Madame Butterfly" tại công viên Parc des Sceaux (11 và 12/06) và công viên Champs sur Marne (18 và 19/06), sân khấu lộ thiên được dựng trong khuôn viên nằm đối diện với lâu đài. Đến đầu tháng 7, đoàn nghệ sĩ lưu diễn sẽ ghé thăm trong hai ngày Saint Germain en Laye, trước mặt viện Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia có từ thế kỷ XIX (02 và 03/7) và ngay trong khuôn viên lâu đài Vincennes xây dựng vào thế kỷ XVII (09 và 10/07).
Các đêm biểu diễn hoành tráng tại Điện Invalides
Trong đợt lưu diễn mùa hè năm 221, 4 đêm cuối cùng dự trù diễn ra từ 01/09 đến 04/09 tại sân chính của điện Invalides, trong cùng khuôn viên với Viện bảo tàng quân đội, nơi an nghỉ cuối cùng của hoàng đế Napoléon Bonaparte với khung cảnh nguy nga hoành tráng của mái vòm đồ sộ dát vàng, những trong những thắng cảnh của Paris được chụp ảnh nhiều nhất, nhìn từ phía cây cầu Alexandre Đệ Tam.
Ra đời cách đây đúng 20 năm, liên hoan "Opéra ngoài trời" đã thành công trong việc đem dòng nhạc hàn lâm cổ điển ra bên ngoài bức tường của các nhà hát lớn, để phổ biến rộng rãi hơn nữa với nhiều thành phần khán giả khác nhau trong công chúng. Bản thân họ chưa chắc gì sẽ tự mua vé để đi xem kịch opéra tại nhà hát lớn, nhưng trải nghiệm sân khấu opéra trong khuôn viên của một lâu đài hay một viện bảo tàng là điều đem lại cho họ nhiều thích thú bất ngờ.
Về phía ban tổ chức, việc hủy bỏ phiên bản năm 2020 đã khiến cho tương lai của liên hoan lưu động này càng trở nên bấp bênh hơn về mặt tài chính. Điều đó giải thích vì sao kể từ đầu tháng 05/2021, liên hoan "Opéra ngoài trời" đã phát động chiến dịch "gọi vốn cộng đồng". Khán giả dĩ nhiên có thể đặt mua vé trước, đồnt thời họ có thể tặng thêm một chút tiền cho liên hoan.
Bằng hình thức quyên góp này, số tiền thu được tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng hơn cho ban tổ chức sự kiện, huy động 130 người gồm cả nghệ sĩ trên sân khấu và nhân viên trong hậu trường. Đối với giới yêu nhạc opéra, việc quyên góp cũng là một cách để hỗ trợ giới hoạt động văn hóa đã bị Covid-19 tác hại nặng nề. Tình đoàn kết nhân sinh nhật lần thứ 20 ấy cũng là một món quà mang đầy ý nghĩa tình cảm.
-
The Following User Says Thank You to hoangthymaithao For This Useful Post:
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules