Welcome to Một Góc Phố - Chúc các Bạn mọi chuyện vui vẻ & như ý ...
Page 15 of 19 FirstFirst ... 5678910111213141516171819 LastLast
Results 141 to 150 of 189

Thread: Nga xâm lược Ukraina

  1. #141
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Ukraine rút quân khỏi Sievierodonetsk

    24/06/2022 - Voa / Reuters
    Ukraine hôm 24/6 ra dấu hiệu sẽ rút quân ra khỏi Sievierodonetsk, thành phố chìm đắm trong bom đạn và giao tranh dữ dội trên đường phố trong nhiều tuần qua. Đây sẽ là bước lùi đáng kể của Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga.

    Ông Serhiy Gaidai, thống đốc tỉnh cho biết quân đội Ukraine trong thành phố đã được lệnh chuyển đến các vị trí mới, nhưng ông không cho biết liệu họ đã chuyển đi chưa cũng như chính xác là họ sẽ đi đâu.

    “Việc ở lại các vị trí bị bắn phá tan nát trong nhiều tháng chỉ để ở lại không có ý nghĩa gì,” ông Gaidai nói trên truyền hình Ukraine.

    Các binh sĩ sẽ ‘phải rút lui’, ông nói.

    Ông Gaidai đưa ra phát biểu trên vào lúc tròn bốn tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xua quân xâm lược Ukraine, giết chết hàng ngàn binh lính và dân thường, khiến hàng triệu người lưu lạc và các thành phố của Ukraine tan nát dưới bom đạn của Nga.

    Chiến cuộc ác liệt nhất diễn ra ở Sievierodonetsk, nơi giao tranh đường phố diễn ra dữ dội trong một tháng khi Nga vất vả giành thêm đất.

    Trận chiến này là chìa khóa để Nga chiếm khu vực cuối cùng mà Ukraine còn nắm giữ ở tỉnh Luhansk, vốn cùng Donetsk tạo thành Donbass, trung tâm công nghiệp Ukraine.

    Sau khi Sievierodonetsk thất thủ thì Ukraine chỉ còn kiểm soát Lysychansk – thành phố bên bờ tây sông Siverskyi Donets.

    “Chúng tôi phải lui quân chiến thuật vì về cơ bản không còn gì ở đó để cố thủ. Không còn thành phố nào ở đó và thứ hai, chúng tôi không thể để bị bao vây,” ông Oleksander Musiyenko, phân tích gia quân sự ở Kyiv, nói.

    Chiến thuật của Nga kể từ khi họ thất bại trong việc chiếm thủ đô Kyiv vào đầu cuộc chiến là bắn phá dữ dội các thành phố và thị trấn sau đó là đưa bộ binh vào.

    Các nhà phân tích cho rằng quân Nga hứng chịu thương vong nặng nề và gặp các vấn đề về lãnh đạo, trang thiết bị và tinh thần. Tuy nhiên, họ đang đè bẹp sự kháng cự của Ukraine và tiến từng bước ở phía đông và phía nam.

    Bộ tổng tham mưu Ukraine hôm 24/6 cho biết quân Nga đã bắn phá bằng xe tăng, súng cối, pháo binh và máy bay, cũng như tăng cường không kích xung quanh Lysychansk và Sievierodonetsk và các thị trấn lân cận. Reuters không thể xác minh ngay các thông tin này.

    Quân đội Ukraine đã đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào ngoại ô phía nam Lysychansk, Thống đốc Gaidai viết trên Telegram. Nhưng Nga đã giành quyền kiểm soát làng Mykolaivka, gần đường cao tốc đến Lysychansk, ông nói.

    Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine hạ thấp tầm quan trọng của việc có thể mất thêm lãnh thổ ở Donbass.

    “Putin muốn chiếm Donbass trước ngày 9/5. Hiện giờ đã là ngày 24/6 và chúng tôi vẫn đang chiến đấu. Rút lui khỏi một vài trận địa không hề có nghĩa là thua cuộc chiến,” ông Dmytro Kuleba nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera của Ý.

    Việc kiểm soát Donbas sẽ cho phép Nga kết nối với bán đảo Crimea phía nam vốn đã bị Moscow sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

    -------

    Ukraine loan báo nhận được hệ thống rốc-két tầm xa của Mỹ

    24/06/2022 - Voa / Reuters
    Ukraine ngày 23/6 tuyên bố nhận được từ Hoa Kỳ Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), một hệ thống vũ khí tầm xa hùng mạnh mà Kyiv hy vọng có thể giúp lật ngược tình thế trong cuộc xâm lược của Nga.

    Nga đang tiến quân ở phía đông Ukraine trong nỗ lực chiếm lấy trung tâm công nghiệp gọi là Donbas, nơi Ukraine e rằng một số binh sĩ của họ có thể bị bao vây trong gọng kìm của Nga.

    “Cảm ơn đồng nghiệp và người bạn Hoa Kỳ của tôi, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, về những công cụ mạnh mẽ này! Mùa hè sẽ nóng bỏng đối với những kẻ chiếm đóng Nga. Và cũng là mùa hè cuối cùng của một số kẻ trong số đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết trên Twitter về việc giao nhận HIMARS.

    Ông không cho biết bao nhiêu hệ thống HIMARS đã đến Ukraine.

    Ukraine nói họ cần các hệ thống HIMARS để đáp ứng tốt hơn với tầm bắn của các hệ thống rốc-két Nga mà họ cho rằng đang được sử dụng rộng rãi để tấn công các vị trí của Ukraine ở Donbas.

    Washington cho biết họ đã nhận được sự đảm bảo từ Kyiv rằng những vũ khí tầm xa ấy sẽ không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, vì lo ngại xung đột leo thang.

    Moscow cảnh báo sẽ tấn công các mục tiêu ở Ukraine mà họ “chưa đánh trúng” nếu phương Tây cung cấp phi đạn tầm xa hơn cho Ukraine để sử dụng trong các hệ thống rốc-két cơ động chính xác cao.

    -------

    Liên Âu chấp nhận quy chế ứng viên của Ukraina và Moldova

    24/06/2022 - Phan Minh / RFI
    Hôm qua 23/06/2022, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã chấp nhận tư cách ứng viên của Ukraina và Moldova. Khi thông báo quyết định này, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đánh giá đây là"một thời khắc lịch sử". Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và người dân nước này đã hoan nghênh quyết định này.

    Từ Kiev, đặc phái viên Cléa Broadhurst nói về phản ứng của người dân tại chỗ :

    Chúng tôi cần vũ khí, tôi biết chúng tôi an toàn ở Kiev, nhưng một số người đã quên rằng chiến tranh vẫn đang còn đấy, ở các vùng Kherson, Lugansk và Donetsk, chiến tranh vẫn đang diễn ra ác liệt. Hàng ngày, vẫn có nhiều người chết, nhiều người người bị hãm hiếp và nhiều người mất người thân, vì vậy chúng ta hãy kết thúc cuộc chiến này càng sớm càng tốt và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU).

    Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có nhiều đồng minh mới từ châu Âu và EU, chúng ta sẽ hỗ trợ nhau như hiện tại. Chúng ta sẽ là một đại gia đình và gia đình là điều thiết yếu, chúng ta có thể hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn nhất.

    Chúng tôi đã sẵn sàng, còn các vị thì sao ? Giờ đây, chúng tôi bảo vệ tất cả các giá trị châu Âu như tự do, độc lập, biên giới. Chúng tôi đoàn kết và đều hiểu rằng nếu chúng tôi ngã xuống, mặc dù tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ không xảy ra, cái giá phải trả sẽ rất lớn và các vị sẽ là những người tiếp theo.

    -------

    Từ quy chế ứng viên cho Ukraina đến thành viên chính thức Liên Âu : Một con đường dài

    24/06/2022 - Thùy Dương / RFI
    Chỉ vài ngày sau khi quân Nga tấn công Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky, ngày 28/02/2022, đã ký đơn Ukraina xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 21/06, cuộc họp tại Luxembourg của các bộ trưởng đặc trách vấn đề châu Âu của 27 nước thành viên Liên Hiệp đã ghi nhận sự « nhất trí hoàn toàn » về việc trao quy chế ứng viên cho Ukraina. Và cuộc họp thượng đỉnh Liên Âu ở Bruxelles ngày 23/06 đã chính thức quyết định cấp quy chế ứng viên cho Kiev.

    Mọi chuyện dường như đang diễn ra thuận lợi, cũng không vấp phải sự phản đối của Nga. Trong bài phát biểu ở phiên họp toàn thể tại Diễn đàn kinh tế thường niên St-Petersbourg, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/06/2022 khẳng định việc gia nhập các liên minh kinh tế là « lựa chọn của Ukraina », « việc của Ukraina » và ông cũng nói rõ Matxcơva không phản đối việc này, bởi khác với NATO, Liên Âu không phải một liên minh quân sự.

    Vậy liệu Ukraina có thể sớm trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Châu Âu như mong muốn của Kiev ? Cũng như nhiều chuyên gia khác, Mario Telo, chủ tịch danh dự IEE-ULB, thành viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Bỉ, Đại học ULB, nhận định mọi chuyện sẽ không nhanh chóng, đơn giản như vậy. Trong bài viết « Ukraina có thể sớm trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu ? », trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 16/06, nhà nghiên cứu Mario Telo nhấn mạnh cần phân biệt rõ viễn cảnh gia nhập châu Âu và thủ tục gia nhập Liên Hiệp, vốn dĩ phức tạp hơn nhiều.

    Không có thủ tục đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu

    Điều 49 của Hiệp ước về Liên Hiệp Châu Âu cho phép bất kỳ quốc gia châu Âu nào chia sẻ các giá trị của Liên Âu có thể được gia nhập Liên Hiệp. Điều đó có nghĩa là Ukraina xin gia nhập Liên Hiệp là một yêu cầu chính đáng. Hơn nữa, Ukraina cũng đã giành được thiện cảm của các nước châu Âu kể từ sau Cách mạng Maidan năm 2014 và nhất là kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược của Nga hôm 24/02. Khả năng Ukraina sẽ trở thành thành viên Liên Âu ngày càng trở nên chắc chắn, nhưng sẽ không phải « chỉ trong nay mai », bởi điều 49 của Hiệp ước cũng thực sự quy định một quy trình cản trở việc gia nhập « nhanh chóng ».

    Trước hết phải nói rõ là không hề tồn tại thủ tục đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu dù ứng viên là nước nào đi chăng nữa. Thủ tục đối với Ukraina cũng giống như đối với Moldova. Cùng thời kỳ với Ukraina, Moldova cũng đã đệ trình yêu cầu được gia nhập Liên Âu. Thủ tục này cũng phải giống như đối với 6 nước Tây Balkan (Albanie, Kosovo, Serbia, Bosnia, Montenegro và Bắc Macedonia), vốn đã chờ đợi từ nhiều năm qua, hay như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy.

    Trên thực tế, chỉ có Ủy Ban Châu Âu có thể đẩy nhanh thủ tục. Thế nhưng, vẫn còn 3 yếu tố khác đòi hỏi nhiều thời gian hơn cần phải thỏa mãn, để Ukraina chính thức trở thành thành viên Liên Âu.

    Trước hết là việc đàm phán nhằm có được sự đồng nhất của các nước thành viên Hội Đồng Châu Âu (chỉ cần có một lá phiếu chống là thủ tục cũng bị cản trở). Sau đó đến một cuộc bỏ phiếu của Nghị Viện Châu Âu với đa số phiếu thuận của các thành viên. Và cuối cùng, cần có sự nhất trí phê chuẩn của Quốc Hội 27 nước thành viên Liên Âu, hoặc thông qua các cuộc trưng cầu dân ý tùy theo luật pháp các nước. Các thủ tục này có thể mất nhiều năm.

    Theo nhà nghiên cứu Mario Telo, chủ tịch danh dự IEE-ULB, thành viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Bỉ, việc xem xét khả năng trao ngay lập tức cho Ukraina tư cách thành viên Liên Âu chủ yếu mang tính « chính trị ».

    Thêm quá nhiều thành viên, nội bộ càng thêm phức tạp

    Trong bối cảnh hiện tại, Bruxelles không thể chỉ cho mỗi Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Trên thực tế, Ukraina chỉ là 1 trong 9 nước xin gia nhập Liên Hiệp (6 nước vùng Balkan và 3 nước thuộc Liên Xô cũ, ngoài ra còn phải kể đến trường hợp đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn khả năng gia nhập Liên Âu đang ngày càng rời xa). Theo nhiều nhà quan sát, sự gia nhập thêm của 9 quốc gia và chắc chắn là kéo thêm việc nhiều công dân trở thành công dân Liên Âu sẽ khiến các định chế của Liên Hiệp bị tê liệt, đặc biệt là về chính sách đối ngoại.

    Chính sách đối ngoại được quyết định thông qua biểu quyết nhất trí của Hội đồng Chính sách Đối ngoại do Josep Borrell làm chủ tịch. Thêm 9 quốc gia (bao gồm cả Serbia, đặc biệt thân Nga) thành viên mới, mà mỗi nước này, tùy hoàn cảnh, có thể phản đối các quyết định chung của Liên Âu, điều này dường như đi ngược lại nhu cầu tối cao về một chính sách đối ngoại hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn. Điều này cũng tương tự như đối với chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu.

    Ai sẽ được lợi nếu Liên Âu ngày càng suy yếu trong một thế giới đang ngày càng trở nên nguy hiểm ? Vào ngày 09/05/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch luân phiên Liên Âu, đã đề xuất một cộng đồng chính trị châu Âu trù tính các nước hội nhập sâu rộng ở những thời điểm khác nhau. Dù dự án có tiến triển theo hướng nào đi chăng nữa, dường như ai cũng đều nhận ra rằng sự gia nhập của một số thành viên mới có khả năng làm phức tạp thêm việc ra quyết định trong nội bộ Liên Âu.

    Câu hỏi về việc một ứng viên nhanh chóng được gia nhập Liên Âu đã từng được đặt ra chưa ? Xin nhắc lại là hầu hết các nước Trung và Đông Âu đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp sau khi khối cộng sản sụp đổ, nhưng phải đợi đến năm 2004 mới được gia nhập. Rumani và Bulgari thậm chí phải đợi đến năm 2007.

    Trước đây, thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng muốn mở rộng Liên Hiệp Châu Âu sang các nước Đông Âu ngay từ năm 1989. Bà Thatcher muốn « làm loãng » Liên Âu, làm suy yếu Liên Hiệp, biến khối này thành một thực thể giống như Liên Hiệp Quốc, không có bất kỳ thẩm quyền hay bản sắc nào trong chính sách đối ngoại. Ý đồ của thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi đó đã bị chặn lại bởi các nhà lãnh đạo Jacques Delors (chính trị gia Pháp, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu), Willy Brandt (thủ tướng Đức) và François Mitterrand (tổng thống Pháp), những người muốn củng cố các định chế của Liên Âu trước khi bắt đầu các thủ tục mở rộng Liên Hiệp dựa trên « các tiêu chí Copenhagen », được Hội Đồng Châu Âu thông qua vào năm 1993 và cho đến nay vẫn còn hiệu lực (những giá trị chung của cộng đồng, kinh tế thị trường, tôn trọng pháp quyền và dân chủ).

    Tình hình khó đoán định tại Ukraina

    Trở lại với trường hợp của Ukraina, còn có thêm hai vấn đề cụ thể. Trước hết, đây là một quốc gia với 45 triệu dân và có GDP bình quân đầu người chỉ bằng một phần tư Bulgari (nước nghèo nhất Liên Âu). Hơn hết, châu Âu không biết vị thế và tình hình của Ukraina trong những tuần tới, những tháng sắp tới và những năm tiếp theo. Đất nước Ukraina có thể bị chia thành hai nửa như Chypre, cũng có thể bị phi quân sự hóa và Phần Lan hóa (theo quy chế trung lập tuyệt đối). Không ai biết những điều đó sẽ diễn ra thế nào và đặc biệt là không ai biết nhân quyền sẽ được tôn trọng ở mức độ nào trong tương lai ở một số vùng của nước Ukraina.

    Đó là chưa nói tới hệ quả quân sự không hề nhỏ đối với Liên Âu nếu Ukraina gia nhập Liên Hiệp trong bối cảnh chiến tranh hiện nay, bởi khi đó Ukraina sẽ tham gia vào Chính sách phòng thủ chung châu Âu, mà theo điều 42 nếu một nước thành viên Liên Âu bị quân đội nước ngoài tấn công thì các nước thành viên khác phải có sự hỗ trợ. Điều này cũng tương tự như điều khoản số 5 Hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO.

    Theo giải thích của Vincent Couronne trên trang mạng truyền thông Surligneurs, được TF1 trích dẫn ngày 02/03, « nếu Ukraina trở thành thành viên, điều đó có nghĩa là tất cả các nước thành viên Liên Hiệp sẽ công khai tham chiến chống lại Nga, và đặc biệt là Pháp, nước sở hữu vũ khí hạt nhân, tức là chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc xung đột công khai nổ ra giữa hai cường quốc hạt nhân ».

    -------

    G7, NATO lần lượt tổ chức họp thượng đỉnh để duy trì đoàn kết chống Nga

    24/06/2022 - Thu Hằng / RFI
    Các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có tổng thống Mỹ Joe Biden, tham gia hai cuộc họp thượng đỉnh G7 và NATO từ Chủ Nhật 26/06/2022. Ngoài bàn về tình hình chiến sự Ukraina, các nước phương Tây còn phải tiếp tục thể hiện đoàn kết và giữ vững hàng ngũ để đối phó với Nga trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina có thể kéo dài.

    Lãnh đạo nhóm G7 (Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản) họp tại lâu đài Elmau, dưới chân dãy núi Alpes, vùng Bayern (Đức) từ Chủ Nhật 26/06 dưới sự chủ trì của thủ tướng Đức Olaf Scholz với nội dung chính là tiếp tục hỗ trợ Ukraina. Trước đó, thủ tướng Đức, nước chủ tịch luân phiên G7, nhắc lại rằng việc ủng hộ Ukraina sẽ cần đến “sự kiên trì” vì các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Matxcơva vẫn xa vời.

    Theo nhà nghiên cứu Stefan Meister, thuộc Viện Nghiên cứu Đức DGAP, “cuộc xâm lược của Nga đã khiến 7 nước ý thức được rằng họ cần nhau”, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát, cũng như các mối đe dọa khủng hoảng năng lượng và lương thực đang thử thách sức kháng cự của cộng đồng quốc tế.

    Tiếp tục ủng hộ Ukraina cũng là chủ đề chính của cuộc họp cấp cao NATO diễn ra trong hai ngày 28-29/06 tại Madrid (Tây Ban Nha). Trước đó, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tiếp tục cảnh báo cuộc chiến tại Ukraina có thể sẽ kéo dài “nhiều năm”. NATO cũng sẽ công bố các kế hoạch tăng cường phòng thủ ở sườn đông của khối, sát với Nga.

    Cuối cùng, các nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập đến lời kêu gọi được thủ tướng Đức đưa ra trong tuần này về một kiểu “Kế hoạch Marshall” nhằm tái thiết Ukraina. Đây sẽ là dự án kéo dài “nhiều thế hệ” và có thể cần đến nhiều tỉ đô la.

    Về phần tổng thống Ukraina, ông Volodymyr Zelenski sẽ phát biểu qua hình thức trực tuyến tại hai cuộc họp thượng đỉnh. Ông sẽ tiếp tục yêu cầu được cung cấp thêm vũ khí và kêu gọi gia tăng áp lực đối với Nga. Bài phát biểu trước 30 nước thành viên NATO sẽ là chặng cuối cùng của quá trình vận động ngoại giao dày đặc của nguyên thủ Ukraina, bắt đầu từ thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày 23/06 để bàn về việc trao tư cách ứng viên cho Kiev.

    -------

    Cảng Rumani khó xử lý việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraina

    24/06/2022 - Chi Phương / RFI
    Các cảng biển của Ukraina ở Hắc Hải bị phong toả từ gần 4 tháng qua. Do vị trí gần với Ukraina và dễ tiếp cận với kênh đào Suez, cảng Constanta của Rumani trở thành nơi xuất khẩu ngũ cốc chính của Ukraina, gần 1 triệu tấn kể từ khi Nga xâm lược.

    Hầu hết lương thực được vận chuyển qua sông Danube để đến Rumani. Tuy nhiên với khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc vẫn tắc nghẽn ở Ukraina, và số ngũ cốc trong vụ thu hoạch sắp tới, cơ sở hạ tầng của cảng Constanta khó đáp ứng được. Giám đốc điều hành công ty Comvex, chuyên xuất khẩu ngũ cốc, ông Dan Dolghin quan ngại:

    “Nếu muốn giúp đỡ nông dân Ukraina, chúng tôi cần thiết bị để tăng khả năng xếp dỡ hàng. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào cam kết đầu tư vào cảng vì những khoản đầu tư này chỉ có thể hữu dụng một phần, tức là chỉ có một phần vẫn có thể được tiếp tục sử dụng sau khi chiến tranh Ukraina kết thúc.”

    Lãnh đạo Pháp, Đức, Ý, Rumani, có mặt tại Kiev vào đầu tháng 6 đưa ra các giải pháp xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina để tránh nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, như tăng tốc độ dỡ hàng tại các cảng Rumani, mở cửa khẩu mới cho các xe tải chở ngũ cốc Ukraina và mở lại tuyến đường sắt đã ngừng hoạt động, nối Rumani với Ukraina và Moldova.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cần phải có các giải pháp nhanh chóng và ít vốn đầu tư nhất có thể. Nhà kinh tế học George Vulcanescu cho biết :

    “Nếu nói đến đầu tư, tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta không nên đề cập đến các khoản đầu tư lớn ngay bây giờ. Với tình hình hiện nay, chúng ta nên nói đến những điều chỉnh đầu tư nhỏ và không nhất thiết phải kêu gọi quỹ đầu tư châu Âu vì rất dễ bị mắc kẹt bởi các thủ tục rườm rà trong bộ máy hành chính. Các điều chỉnh có thể thực hiện bây giờ nên áp dụng đối với cơ cở hạ tầng có sẵn, hơn là tạo ra các cơ sở hạ tầng mới. Điều này tương đương với các khoản đầu tư hàng tỷ euro trong khi chúng ta chỉ thu về một vài triệu euro mỗi năm.”

    Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, các chính phủ châu Âu có thể hỗ trợ bằng cách đầu tư vào các thiết bị có chi phí cao để dỡ hàng của Ukraina như cần cẩu, tàu chở thiết bị và các thiết bị xử lý nguyên liệu thô mà cảng Constanta hiện vẫn chưa có.

    Ngoài cảng Constanta, các giải pháp thay thế khác để xuất ngũ cốc của Ukraina bao gồm chuyển hàng bằng đường bộ và đường sắt qua biên giới phía tây của Ukraina đến Ba Lan và các cảng Biển Baltic của nước này.


    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  2. #142
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Chiến tranh Ukraina : Kiev tố Nga lôi kéo Belarus vào cuộc chiến

    25/06/2022 - Thanh Hà / RFI
    Sau khi loan báo hàng chục hỏa tiễn đã bắn xuống các khu vực ở miền tây và nhất là miền bắc Ukraina trong ngày hôm nay 25/06/2022, Kiev khẳng định các đợt tấn công nói trên xuất phát từ Belarus. Ukraina trực tiếp lên án Matxcơva lôi kéo Minsk vào vòng xoáy chiến tranh.

    Vào lúc 5 giờ sáng nay, tên lửa « dồn dập trút xuống tỉnh Tcherniguiv. Một phần lớn trong số 20 quả rocket nhắm vào làng Desna được bắn đi từ lãnh thổ Belarus ». Desna cách thủ đô Kiev hơn 70 cây số về phía bắc và cũng cách biên giới với Belarus khoảng 70 km.

    « Nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại » theo thông tin từ quân đội Ukraina. Tình báo Ukraina đi sâu hơn vào chi tiết : « Sáu chiến đấu cơ Tu-22M3 đã phóng đi 12 tên lửa hành trình từ thành phố Petrykaw, miền nam Belarus ». Một nguồn tin khác được AFP trích dẫn cho biết thêm « nhiều máy bay ném bom của Nga đã cất cánh từ phi trường Chaïkovka trong khu vực Kalouga, miền tây nước Nga, cách biên giới phía bắc Ukraina 270 cây số ». Máy bay ném bom của Nga đã sử dụng không phận của Belarus.

    Trên mạng Telegram, bộ Quốc Phòng Ukraina khẳng định đợt tấn công hôm nay « trực tiếp liên quan đến những nỗ lực của Kremlin lôi kéo Belarus vào chiến tranh ».

    Đợt oanh kích nhắm vào khu vực miền bắc Ukraina sáng nay diễn ra vào lúc tổng thống Vladimir Putin hội kiến đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko tại Saint Petersbourg. Tuần sau ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov có chuyến đi đến Minsk. AFP lưu ý Belarus hỗ trợ Nga về mặt hậu cần trong chiến dịch Ukraina.

    Không chỉ có khu vực miền bắc Ukraina bị pháo kích hôm nay. Thống đốc tỉnh Lviv, Maxim Kozytskyi cho biết ít nhất sáu hỏa tiễn nhắm vào tỉnh này được phóng đi từ Hắc Hải vào sáng nay và bốn trong số đó đã bắn trúng căn cứ quân sự Yavori. Lực lượng Ukraina đã bắn chận được hai tên lửa còn lại.

    Ngoài ra, dù đã bắt đầu nhận được pháo phản lực HIMARS của Mỹ, Kiev vẫn đòi tăng viện trợ quân sự để giữ vùng Donbass sau khi quân Nga đã chiếm được Severodonetsk-Lugansk.

    Ukraina muốn có « hỏa lực ngang tầm với Nga » hòng hy vọng « ổn định tình hình » vùng Donbass. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina Valeriy Zaluzhnyi trên Facebook hôm 24/05/2022 cho biết đã nhắc lại yêu cầu này với đồng cấp Hoa Kỳ, tướng Mark Milley. Chính quyền Ukraina lo ngại, sau khi đã chiếm được Severodonetsk-Lugansk, mục tiêu kế tiếp của quân đội Nga và phe thân Nga là chiếm luôn cả thành phố Lyssytchansk.

    Theo một quan chức của Lầu Năm Góc, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, Ukraina đang « thoái lui tại một số điểm để tăng viện, nâng cao khả năng phòng thủ cho những nơi mà quân đội vẫn làm chủ tình hình ».

    Sau cùng theo tiết lộ của bộ Quốc Phòng Anh, Nga dường như đã cách chức một số tướng lĩnh nắm vai trò « then chốt » trong chiến dịch Ukraina. Mạng xã hội Twitter của bộ Quốc Phòng Anh hôm 25/06/2022 cho biết thêm quyết định của Matxcơva được đưa ra « từ đầu tháng 6/2022 ».

    -------

    Chiến tranh Ukraina : Nga “câu giờ” đặt thế giới trước sự đã rồi ?

    25/06/2022 - Thanh Hà / RFI
    Cuộc chiến tranh Ukraina bước vào tháng thứ 5. Trước những ngày nghỉ hè, công luận phương Tây, truyền thông của Âu, Mỹ có còn tiếp tục quan tâm đến chiến tranh Ukraina nữa hay không cho dù chiến sự càng lúc càng khốc liệt trên nhiều mặt trận. Kiev lo rằng, sự thờ ơ của phương Tây có lợi cho Kremlin, Nga đặt cộng đồng quốc tế trước sự đã rồi.

    Trước ngày kỷ niệm 5 tháng tổng thống Vladimir Putin “mở chiến dịch đặc biệt” tiêu diệt chính quyền “phát xít” tại Kiev, Ukraina được cấp quy chế ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đó là một chút “mật ngọt” xoa dịu nỗi đau của hàng chục triệu người tị nạn, là niềm an ủi nhỏ nhoi cho những người đã mất hết tất cả từ khi đất nước họ bị Nga xâm chiếm.

    Nhưng cùng lúc, chính Ukraina kêu gọi ngững người lính cuối cùng ở Severokonetsk buông súng. Bản thân Ukraina cũng như các cơ quan tình báo quốc tế, giới chuyên gia, NATO... không một ai tin rằng chiến sự sắp tàn.

    Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa phải đối mặt với hỏa lực của quân đội Nga vừa lo mất thế thượng phong trên mặt trận truyền thông. Theo phân tích của Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, khác hẳn với những ngày đầu xung đột, “nghịch lý của chiến tranh Ukraina hiện nay là truyền thông quốc tế bắt đầu ít chú ý đến hồ sơ này trong khi đó thì tình hình chiến sự sôi bỏng hơn bao giờ hết”.

    Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết mỗi ngày có từ 100 đến 200 người lính Ukraina hy sinh. Những thành phố như Mariupol, Severodonetsk... bị phá hủy toàn bộ. Những vụ thảm sát như ở Butcha bắt đầu mờ nhạt trên các phương tiện truyền thông cho dù giới điều tra đã được gửi đến hiện trường để thu thập bằng chứng về “tội ác chiến tranh” quân đội Nga gây nên.

    Giờ đây không còn mấy ai nhắc đến hoàn cảnh của hàng chục triệu người Ukraina đã phải bỏ sứ ra đi, chủ yếu là sang các nước châu Âu sát cạnh tránh chiến tranh. Cũng ít ai quan tâm đến những người tị nạn chiến tranh đó đã can đảm trở về nguyên quán, chấp nhận “xây dựng lại tất cả từ đầu”, hay là để “được chết trên quê hương mình”.

    Chuyên gia Pháp, Gomart viện IRFI nói đến “một sự thay đổi về quan điểm” đó của công luận tại các nước phương Tây có thể là “nằm trong tính toán chiến thuật” của Vladimir Putin. Kremlin luôn có những “tính toán dài hơi”. Với Ukraina chiến lược của Nga đã lộ rõ từ khi Matxcơva chiếm bán đảo Crimée năm 2014. Tám năm sau, liệu còn những quốc gia nào đòi Nga phải trao trả lại Crimée cho Ukraina ?

    Trong bối cảnh đó giới phân tích cho rằng lo ngại của tổng thống Zelensky là cuộc chiến Ukraina rồi sẽ chìm vào quên lãng. Phương Tây có thể làm được gì hơn nữa sau những thông báo “viện trợ quân sự” những lời kêu gọi “tái thiết Ukraina” hay những hứa hẹn kết nạp Kiev vào Liên Âu.

    Trong khi đó giấc mơ của 44 triệu dân Ukraina cần có được một cuộc sống yên bình, tại một đất nước có chủ quyền. Còn nhìn sang phía Nga, báo chí phương Tây bắt đầu ít nói đến chuyện Matxcơva đã sa lầy trên trận địa Ukraina và đã nhìn nhận rằng Kremlin không bị cô lập trên thế giới về mặt ngoại giao.

    -------

    Phải ít nhất 10 năm Ukraine mới rà phá hết bom mìn

    25/06/2022 - Voa / Reuters
    Ukraine sẽ mất ít nhất một thập niên để rà phá tất cả bom mìn và vật liệu nổ trên đất liền và lãnh hải của mình một khi cuộc chiến với Nga kết thúc, một quan chức dịch vụ khẩn cấp nói ngày 24/6.

    Ukraine đã làm sạch được 620 km vuông đất đầy rẫy hàng nghìn thiết bị nổ, bao gồm 2.000 quả bom được thả từ trên không.

    Còn gần 300.000 km vuông vẫn bị coi là “bị ô nhiễm” vì bom mìn, quan chức này cho biết, nghĩa là tương đương phân nửa lãnh thổ Ukraine, và rộng bằng nước Ý.

    Ông Oleksandr Khorunzhiy, phát ngôn viên của Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine, nói: “Có thể lên tới 10 năm, đó là con số lạc quan. Vì chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra trên lãnh thổ đang còn giao tranh.”

    “Hãy tưởng tượng số lượng bom mà kẻ thù đã ném xuống chúng tôi”, quan chức này nói trong một cuộc họp báo.

    Ưu tiên hàng đầu là rà phá bom mìn tại cơ sở hạ tầng, khu dân cư và đường sá, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để dọn sạch rừng, sông và bờ biển, ông nói.

    Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine và loại bỏ những người bị Nga coi là theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm. Ukraine và các đồng minh coi đây là cái cớ vô căn cứ để phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.

    Các bãi mìn trên biển đang trôi nổi giữa trữ lượng ngũ cốc chưa xuất cảng của Ukraine với thế giới.

    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  3. #143
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Chiến tranh Ukraina : Nổ lớn ở Kiev

    26/06/2022 - Thu Hằng ?RFI
    Sáng Chủ Nhật 26/06/2022, quân Nga đã oanh kích một khu dân cư gần trung tâm thủ đô Kiev của Ukraina ; Vụ tấn công chỉ diễn ra vài giờ trước khi nhóm G7 họp thượng đỉnh để bàn về tình hình chiến tranh ở Ukraina. Trước đó, Nga đã chiếm được hoàn toàn thành phố Severodonetsk ở vùng Lugank, miền đông Ukraina.

    Theo AFP, có bốn vụ nổ vào khoảng 6 giờ 30 sáng (giờ địa phương) gây hỏa hoạn tại một chung cư 9 tầng. Một tên lửa đã bị hệ thống phòng không Ukraina bắn chặn ở vùng Kiev và mảnh vỡ rơi xuống một ngôi làng. Còn theo nghị sĩ Oleksiï Gontcharenko, quân Nga bắn tổng cộng 14 tên lửa về phía Kiev và vùng phụ cận trong buổi sáng hôm nay 26/06.

    Trên mạng Telegram, đô trưởng Kiev Vitaly Klitschko cho biết có ít nhất hai người bị thương đã được nhập viện, rất nhiều người vẫn bị kẹt dưới đống đổ nát nên hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn. Trong buổi họp báo tại hiện trường, đô trưởng Kiev tố cáo Nga « hăm dọa người dân Ukraina trước thềm thượng đỉnh NATO », diễn ra từ ngày 28 đến 30/06 ở Madrid, Tây Ban Nha.

    -------

    Sievierodonetsk rơi vào tay Nga sau những trận chiến đẫm máu nhất

    25/06/2022 - VOA
    Các lực lượng Nga giành toàn quyền kiểm soát thành phố Sievierodonetsk ở miền đông Ukraine vào ngày thứ Bảy, cả hai bên cho biết, xác nhận trở ngại chiến trường lớn nhất của Kyiv suốt hơn một tháng sau những tuần giao tranh đẫm máu nhất của cuộc chiến.

    Ukraine gọi việc rút lui khỏi thành phố này là "rút lui chiến thuật" để chiến đấu từ địa thế cao hơn ở thành phố Lysychansk bên bờ đối diện của sông Siverskyi Donets. Lực lượng ly khai thân Nga cho biết lực lượng của Moscow hiện đang tấn công Lysychansk.

    Chiếm được Sievierodonetsk - thành phố với hơn 100.000 dân nhưng giờ là vùng đất hoang tàn - là chiến thắng lớn nhất của Nga kể từ khi chiếm được thành phố cảng Mariupol vào tháng trước. Nó làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền đông sau nhiều tuần mà lợi thế hỏa lực to lớn của Moscow chỉ mang lại những bước tiến chậm chạp, theo Reuters.

    Giờ đây Nga sẽ tìm cách thúc quân và chiếm thêm đất ở bờ đối diện, trong khi Ukraine hi vọng cái giá mà Moscow phải trả để chiếm được đống đổ nát của thành phố nhỏ này sẽ khiến lực lượng của Nga dễ bị phản công.

    Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tuyên bố trong một phát biểu qua video rằng Ukraine sẽ giành lại các thành phố mà họ đã mất, bao gồm cả Sievierodonetsk. Nhưng thừa nhận tác động tinh thần của cuộc chiến, ông nói: "Chúng ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu, sẽ cần thêm bao nhiêu cú giáng, tổn thất và nỗ lực nữa trước khi chúng ta thấy chiến thắng hiện ra ở phía trước."

    "Thành phố hiện đang bị Nga chiếm đóng hoàn toàn," Thị trưởng Sievierodonetsk, Oleksandr Stryuk, nói trên kênh truyền hình quốc gia. "Họ đang cố gắng thiết lập trật tự của riêng họ, theo như tôi biết họ đã chỉ định một chỉ huy nào đó."

    Kyrylo Budanov, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine, nói với Reuters rằng Ukraine đang thực hiện "một cuộc tái tập hợp chiến thuật" bằng cách rút lực lượng ra khỏi Sievierodonetsk.

    "Nga đang sử dụng chiến thuật mà họ đã sử dụng ở Mariupol: xóa sổ thành phố khỏi mặt đất," ông nói. "Trước tình hình đó, duy trì phòng thủ trong đống đổ nát và giữa đồng trống không còn khả dĩ nữa. Vì vậy các lực lượng Ukraine sẽ rời sang địa thế cao hơn để tiếp tục các hoạt động phòng thủ."

    Bộ Quốc phòng Nga cho biết "kết quả của chiến dịch tấn công thành công" là lực lượng Nga đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với Sievierodonetsk và thị trấn Borivske gần đó.

    Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời một đại diện của các chiến binh ly khai thân Nga cho biết các lực lượng Nga và thân Nga đã tiến vào Lysychansk bên kia sông và đang chiến đấu trong các khu vực đô thị ở đó.

    Trong khi cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở Châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai bước sang tháng thứ năm, một loạt phi đạn của Nga cũng dội xuống các cơ sở quân sự ở miền tây và miền bắc Ukraine và một thành phố ở miền nam, các quan chức Ukraine cho biết.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều hàng chục ngàn binh sĩ tới biên giới vào ngày 24 tháng 2, khơi mào cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nó cũng gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu.

    Kể từ khi từ bỏ cuộc tiến công sớm nhắm vào thủ đô Kyiv trong điều được gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt," Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã chuyển trọng tâm chính sang Donbas, một vùng lãnh thổ phía đông gồm các tỉnh Luhansk và Donetsk.

    Việc chiếm được Sievierodonetsk có thể được Nga xem là bằng chứng cho thấy sự sáng suốt của họ khi chuyển từ nỗ lực "chiến tranh chớp nhoáng" thất bại lúc đầu sang một cuộc tiến công dai dẳng, phụ nhiều hơn vào pháo kích tầm xa, theo Reuters.

    -------

    Chiến tranh Ukraina: Nga khẳng định sẽ cung cấp tên lửa hạt nhân cho Belarus

    26/06/2022 - Trọng Nghĩa / RFI
    Đón tiếp đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko ngày hôm qua 25/06/2022 tại thành phố Saint-Pétersbourg, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết là “trong những tháng tới” Matxcơva sẽ cung cấp cho Minsk loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo giới quan sát, đây là một lời đe dọa mới của Matxcơva là sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử nếu căng thẳng với phương Tây leo thang do cuộc chiến tại Ukraina.

    Trong một phát biểu được truyền hình Nga phát sóng, tổng thống Putin nói rõ là vũ khí được chuyển giao sẽ là “các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, có thể sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, loại hạt nhân và thông thường”.

    Ngoài ra, hai tổng thống Nga và Belarus còn cho biết ý muốn hiện đại hóa lực lượng không quân Minsk để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố sau khi ông Loukachenko yêu cầu Nga cho “điều chỉnh” máy bay của Belerus để có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân, ông Putin nhân xét : “Nhiều (chiến đấu cơ) Su-25 đang được quân đội Belarus sử dụng và có thể được cải tiến một cách phù hợp. Công việc hiện đại hóa này phải được thực hiện trong các nhà máy sản xuất máy bay ở Nga và việc đào tạo nhân viên phải được bắt đầu phù hợp tiến trình đó”.

    Theo thông tín viên RFI Paul Gogo tại Matxcơva, với tuyên bố hạt nhân hóa quân đội Belarus, người đứng đầu Điện Kremlin vừa cho thấy quyền khống chế của Nga trên Belarus, đồng minh hiếm hoi của Matxcơva tại châu Âu, vừa gửi đi một tín hiệu cứng rắn trước hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G7 vào hôm nay, và thượng đỉnh của khối NATO vào thứ Ba 28/06 :

    “Cuộc gặp Putin-Loukachenko lần này là dấu hiệu của việc sử dụng cụ thể quan hệ giữa Nga và Belarus vào các mục đích địa chính trị.

    Chắc chắn là tổng thống Loukachenko đã được lại mời đến Nga mà không thực sự có được bất kỳ lựa chọn nào khác, để giúp Vladimir Putin gửi đi một thông điệp tới phương Tây.

    Vả lại, chính tổng thống Belarus, sau những tuyên bố của ông Putin, là người đã tô vẽ thêm cho những thông báo mạnh mẽ của đồng nhiệm Nga.

    Alexander Loukachenko chỉ trích Ba Lan và Litva là “tìm kiếm sự đối đầu”. Litva là vì đã làm dấy lên cuộc xung đột, vốn đang trong quá trình giải quyết, trên việc vận chuyển hàng hóa bị cấm vận Liên Âu giữa Nga và vùng đất Kaliningrad thuộc Nga, còn Ba Lan là vì sự hiện diện của hàng chục, thậm chí hàng trăm công dân Ba Lan trong hàng ngũ quân đội Ukraina, điều mà Nga không hề thích.

    Chiến dịch thông tin tuyên truyền vừa được tiến hành - bao gồm các thông báo mạnh mẽ, các vụ oanh kích và các cuộc tập trận chung với Belarus - rõ ràng là nhằm một mục tiêu cụ thể, trước một tuần lễ ngoại giao sôi động của Phương Tây, đặc biệt là hai thượng đỉnh G7 và NATO.

    Nga, quốc gia gần như là đã từ bỏ mọi quan hệ ngoại giao với Phương Tây, như lại muốn nhăc nhở rằng họ vẫn nắm quyền kiểm soát trong khu vực, từ Biển Baltic đến Biển Đen, thông qua biên giới Ba Lan nằm trong tầm bắn.

    Sau cùng, những thông báo này làm dấy lên bóng ma về khả năng Belarus tham gia một cách tích cực và sẵn sàng trả giá vào cuộc chiến Ukraina, một sự tham gia mà cho đến nay tổng thống Belarus luôn từ chối”.

    -------

    G7 muốn gây thêm sức ép với Nga và tăng hỗ trợ cho Ukraina

    26/06/2022 - Thu Hằng / RFI
    Tối 25/06/2022, nguyên thủ các nước nhóm G7 đã đến lâu đài Elmau, dưới chân núi Alpes ở bang Bayern của Đức để tham dự cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 26/06, với trọng tâm là chiến tranh Ukraina, khủng hoảng lương thực toàn cầu và khí hậu.

    Theo AFP, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thượng đỉnh G7 sẽ đưa ra « một loạt đề xuất cụ thể để gia tăng sức ép đối với Nga và chứng tỏ sự ủng hộ tập thể của chúng tôi (G7) đối với Ukraina ».

    Đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường thuật tình hình tại chỗ :

    « Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski cũng được mời tham dự thượng đỉnh. Ông sẽ phát biểu trực tuyến vào thứ Hai (27/06) và chắc chắn như thông lệ, ông Zelensky sẽ lại yêu cầu cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraina và gia tăng trừng phạt Nga.

    Trước đó, chính quyền Mỹ cho biết là muốn nhân thượng đỉnh G7 lần này để gia tăng sức ép đối với Matxcơva nhưng không nêu chi tiết các biện pháp có thể được thông qua. Tại Paris, điện Elysée cũng cho biết là thượng đỉnh G7 không phải là nơi để quyết định các biện pháp trừng phạt mà là để phối hợp chúng và bảo đảm là các biện pháp trừng phạt sẽ không bị lách.

    Ngoài vũ khí hay các biện pháp trừng phạt mới, vấn đề tài trợ cho Ukraina cũng có thể được thông báo. Trong tuần qua, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề cập đến một « kế hoạch Marshall » cho Ukraina ».

    G7 dự kiến cấm nhập khẩu vàng của Nga

    Một trong các biện pháp được G7 dự kiến thông qua để gia tăng sức ép đối với chính quyền của tổng thống Putin là cấm nhập khẩu vàng của Nga. Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là « một nguồn xuất khẩu quan trọng » và như vậy « sẽ khiến Nga mất nhiều tỉ đô la ». Chính phủ Anh thẩm định khối lượng vàng xuất khẩu trong năm 2021 đã mang về cho Nga gần 15 tỉ đô la.

    Trước khi được G7 thống nhất thông qua, bốn nước Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản đã thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga. Luân Đôn cho rằng việc cấm giao dịch vàng trên thị trường Anh sẽ « tác động mạnh đến khả năng tài chính của Putin » và tránh để giới nhà giầu Nga lách trừng phạt của phương Tây bằng cách tích trữ vàng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nhắm vào vàng được khai thác sau khi Nga bị cấm vận vì gây chiến ở Ukraina.

    Phát biểu tối 25/06, thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không « bỏ rơi Ukraina », cảnh báo nguy cơ « mệt mỏi » trong việc hỗ trợ chính quyền Kiev, đồng thời thông báo Anh sẽ hỗ trợ thêm về kinh tế cho Ukraina.

    Ngoài Ukraina, G7 còn mời 5 nước khác tham dự, gồm Indonesia, Ấn Độ, Senegal, Nam Phi và Achentina.

    -------

    « Chiếc áo mới » thân Nga của các nước không liên kết

    25/06/2022 - Thụy My / RFI
    Tác giả Nicolas Baverez trên Le Point tuần này nói về « Những bộ áo mới không liên kết ». Nhiếu quốc gia mới trỗi dậy từ lâu vẫn cho là « không liên kết », nay xích gần lại với Nga - một mối nguy lớn cho các nền dân chủ.

    Cuộc xâm lăng Ukraina không chỉ đánh dấu sự quay lại của chiến tranh ở châu Âu và sự đối đầu trực diện giữa các chế độ dân chủ với độc tài. Trước cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và nước Nga của Vladimir Putin được Trung Quốc của Tập Cận Bình hòa giọng, các nước đang phát triển từ chối chọn bên.

    Tiêu biểu là Ấn Độ đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc và không áp dụng trừng phạt đối với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ tương tự dù là thành viên NATO, chỉ hành động vì lợi ích của mình. Ả Rập Xê Út tuy bị Hoa Kỳ làm áp lực vẫn không chịu tăng sản lượng để giảm giá dầu.

    Dưới chiêu bài không liên kết, là một sự thiên vị có lợi cho Nga. Bị phương Tây cô lập, nhưng Matxcơva vẫn được sự hỗ trợ của Indonesia, Brazil, Mêhicô, nhiều nước vùng Vịnh, Nam Phi và đa số nước châu Phi. Các quốc gia không liên kết trước đây chỉ khẳng định về chính trị, nay đòi hỏi độc lập chiến lược và muốn gây ảnh hưởng lên các vấn đề quốc tế từ an ninh, y tế cho đến thương mại, sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Mục đích tối hậu là trở thành trung tâm thế giới trong thế kỷ 21, và phương bắc trở nên ngoại vi.

    Sức mạnh đang lên của các nước không liên kết là hệ quả trực tiếp của sự cất cánh kinh tế. Được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, những quốc gia mới nổi nay chiếm 52 % GDP toàn cầu. Thương mại Nam-Nam hết sức năng động, đặc biệt tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, phương Tây không còn kiểm soát được trật tự thế giới, với một loạt cuộc chiến thất bại từ Afghanistan đến Sahel, khủng hoảng tài chánh, không bảo vệ được người dân trong đại dịch Covid…

    Hoa Kỳ co cụm, châu Âu bất lực tạo nên một khoảng trống chiến lược cho những chế độ độc tài chen chân vào và ngày càng tỏ ra thù địch với phương Tây. Sự ủng hộ của các nước không liên kết đối với Matxcơva trong cuộc xâm lăng Ukraina là dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho các nền dân chủ : phương Tây không thể đánh mất các nước phương nam.

    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  4. #144
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    G7 khẳng định quyết tâm « không gì lay chuyển » hỗ trợ Ukraina

    27/06/2022 - Thanh Hà / RFI
    Trong ngày họp thứ nhì, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới bên cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraina « khi nào còn cần thiết». Trong khi đó, tổng thống Zelensky đòi tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina và yêu cầu phương Tây duy trì áp lực với Nga để có thể « kết thúc chiến tranh vào mùa đông năm nay ».

    Sau khi đã quyết định cấm vận nhập khẩu vàng của Nga, lãnh đạo G7 (Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada và Hoa Kỳ) hôm nay 27/06/2022 khẳng định lại quyết tâm « không gì lay chuyển » của khối này sát cánh với Ukraina. G7 tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kiev về mọi mặt, từ « tài chính, nhân đạo, quân sự, cho đến ngoại giao ». G7 còn thể hiện sự « đoàn kết hơn bao giờ hết » trong mục tiêu trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina từ hôm 24/02/2022.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cương vị chủ nhà, tuyên bố G7 sát cánh với Ukraina « khi nào Kiev còn cần », cho dù G7 phải trả giá cho việc ủng hộ Kiev. Thủ tướng Ý Mario Draghi quan niệm nếu Ukraina thua thì khó có thể chứng minh « về tính hiệu quả của mô hình dân chủ ». Ngoài ra, nhóm G7 đã cam kết làm tất cả để giảm thiểu nguy cơ thế giới thiếu lương thực, để giải tỏa các cửa ngõ đưa nông phẩm của Ukraina ra ngoài. G7 đồng thời nói đến « trách nhiệm vô cùng to lớn của Nga » gây ra khủng hoảng lương thực trên thế giới.

    Theo hãng tin AFP, trước đó, phát biểu qua video, tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi nhóm G7 « gây sức ép tối đa » với Nga, kể cả ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, « mạnh tay hơn » thu hẹp khả năng tài chính của Nga. Chính quyền Kiev hy vọng tất cả những áp lực đó sẽ tạo điều kiện để « chiến tranh kết thúc trước khi mùa đông đến », bởi lính Ukraina khó chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

    Tổng thống Zelensky một lần nữa yêu cầu tăng viện trợ quân sự, đặc biệt là cấp thêm cho Kiev tên lửa địa đối không tầm trung và tầm xa. Ông nói thêm rằng « chưa phải lúc để nói đến việc đàm phán với Nga ».

    Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một nguồn tin thông thạo tại Washington hôm qua cho biết có thể « nội tuần này », chính quyền Biden sẽ « đặt mua thêm vũ khí » để cấp cho Ukraina. Tuyên bố trên được đưa ra vào lúc quân Nga tập trung hỏa lực vào thành phố Lyssytchank sau khi đã chiếm được Severodonetsk. Về cáo buộc Nga hôm qua đã oanh kích vào một khu dân cư tại thủ đô Kiev, Matxcơva hôm nay cải chính, cho rằng mục tiêu nhắm tới là « một nhà máy chế tạo tên lửa của Ukraina » ở thủ đô.

    Nga mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài

    Về kinh tế, trên nguyên tắc hôm 26/06/2022 là hạn chót để Nga thanh toán nợ đáo hạn lên tới 100 triệu đô la. Nhưng các chủ nợ của Matxcơva cho biết không nhận được gì cả. Hãng tin Bloomberg hôm nay nói đến việc Nga bị vỡ nợ lần đầu tiên từ 1998. Tuy nhiên, trả lời báo chí sáng nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho rằng « không có lý do gì để nghĩ rằng Nga bị vỡ nợ » và dự trữ ngoại tệ của Nga đang ở mức « cao hơn bao giờ hết ».

    -------

    G-7 tăng lệnh trừng phạt đối với Nga, sắp đạt được thỏa thuận giới hạn giá dầu

    27/06/2022 - Voa / Reuters
    Nhóm G-7 hôm 28/6 sẽ cam kết về một gói hành động phối hợp mới nhằm gây áp lực lên Nga về cuộc chiến của họ ở Ukraine và sẽ hoàn thiện kế hoạch giới hạn giá dầu của Nga, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm 26/6.

    Thông báo được đưa ra trong bối cảnh có thông tin rằng Nga có vẻ sắp rơi vào tình trạng vỡ nợ chủ quyền đầu tiên trong nhiều thập kỷ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G-7 tại miền nam nước Đức.

    “Mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G-7 là nhắm trực tiếp vào doanh thu của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, đặc biệt là thông qua năng lượng, nhưng cũng để giảm thiểu sự lan tỏa và tác động đến các nền kinh tế G-7 và phần còn lại của thế giới”, quan chức Mỹ cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh G-7 thường niên.

    Các quốc gia G-7, chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế thế giới, quyết tâm gây sức ép lên Nga mà không gây ra lạm phát tăng cao, đặc biệt gây tổn hại cho khu vực phía nam toàn cầu.

    Nhà Trắng cho biết trong một bản thông tin rằng các nhà lãnh đạo G-7 sẽ đưa ra “cam kết an ninh lâu dài, chưa từng có trong việc cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao khi cần”, bao gồm cả việc cung cấp kịp thời các loại vũ khí tiên tiến.

    Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga và các biện pháp mới nhằm tiếp tục tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin. Các nước G-7 sẽ làm việc với những nước khác - bao gồm cả Ấn Độ - để hạn chế doanh thu mà ông Putin có thể tiếp tục tạo ra, vẫn theo quan chức Mỹ.

    Quan chức này nói thêm: “Tin tức sáng nay xung quanh việc phát hiện Nga vỡ nợ, lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, cho thấy mức độ mạnh mẽ của các hành động mà Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh và đối tác đã thực hiện, cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Nga”.

    -------

    Giàn khoan, chiến hạm, Đảo Rắn: Ukraina phản công Nga trên Biển Đen

    27/06/2022 - Trọng Nghĩa / RFI
    Trong tuần qua, vùng Biển Đen nằm sát Ukraina đột nhiên dậy sóng với liên tiếp nhiều vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu Nga được chính phía Ukraina loan báo, từ các cơ sở quân sự trên Đảo Rắn ngày 21/06/2022, cho đến một số giàn khoan ngoài khơi bán đảo Crimée trước đó một hôm. Theo giới quan sát, các diễn biến vừa kể nêu bật mong muốn của Kiev trong việc nới lỏng gọng kìm của Matxcơva trên các cảng Ukraina.

    Trong một bài phân tích về giá trị chiến lược, quân sự và kinh tế của Biển Đen hôm 23/06/2022, nhật báo Pháp Le Monde ghi nhận một thực tế là kể từ khi bắt đầu cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng vào hạ tuần tháng Hai, quyền tiếp cận vùng biển phía nam Ukraina đã trở thành một vấn đề chiến lược đối với cả Kiev lẫn Matxcơva.

    Chính bằng đường biển mà Nga đã cố gắng nhưng hoài công tìm cách xâm lược vùng tây nam Ukraina trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, và không ngần ngại cho Hạm Đội Hắc Hải của họ phong tỏa Biển Đen. Trong lúc đó thì cũng bằng đường biển, Ukraina hy vọng xuất khẩu được hàng triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các kho chứa, điều cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

    Các chiến dịch quân sự của Ukraina

    Trong những ngày gần đây, Ukraina đã gia tăng tấn công vào các mục tiêu Nga trên Biển Đen, cho thấy quyết tâm của Kiev trong ý định phá vỡ vòng phong tỏa mà Matxcơva đang áp đặt trong khu vực.

    Đáng chú ý nhất trong tình hình chiến sự ở Biển Đen được giới quan sát ghi nhận là những cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Ukraina vào ba giàn khoan khí đốt của Nga nằm ngoài khơi Crimée hôm 20/06, làm một giàn khoan bốc cháy và khiến cho nhiều người mất tích hay bị thương.

    Chính quyền Nga đã lập tức tố cáo Ukraina tấn công vào các cơ sở dân sự, điều đã bị phía Ukraina bác bỏ, nhấn mạnh đến việc Matxcơva đã biến các giàn khoan đó thành cơ sở quân sự khi lắp đặt trên đó các hệ thống tác chiến điện tử để cản trở hoạt động của các máy bay không người lái Ukraina trên vùng Vịnh Odessa.

    Vào ngày 20/06, Ukraina cũng đã bắn vào Đảo Rắn bị quân đội Nga chiếm đóng kể từ ngày 24/02. Theo Matxcơva, 15 máy bay không người lái của Ukraina, cũng như các hệ thống pháo binh và pháo phản lực, đã tham gia cuộc tấn công này và Nga đã đẩy lùi nhờ giàn phòng không của họ trên đảo, điều không thể kiểm chứng.

    Radar do Matxcơva lắp đặt cũng đã phát hiện trong cùng khu vực một máy bay không người lái quan sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy Washington có thể đã can dự vào cuộc tấn công.

    Trước đó, hôm 17/06, lực lượng Kiev đã vô hiệu hóa một tàu Nga bị tình nghi cung cấp nhân sự và vật liệu cho Đảo Rắn, nơi mà hai bên tham chiến đang tranh giành. Bị Nga chiếm đóng ngay khi bắt đầu cuộc chiến, hòn đảo chỉ rộng khoảng 20 ha này nằm cách bờ biển Ukraina khoảng 30 km và kiểm soát đường ra vào các vịnh của sông Danube và Odessa, một chốt mang tính chiến lược đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

    Theo những hình ảnh do một máy bay không người lái quay được và phát trên mạng xã hội, tàu kéo của Nga Vasyl-Bekh (1.600 tấn), mà lực lượng Ukraina nghi là mang theo hệ thống phòng không TOR, đã bị trúng hai tên lửa phóng đi từ bờ biển. Đây là cuộc tấn công thứ hai do Kiev thực hiện từ một khẩu đội ven biển, sau cuộc tấn công vào tuần dương hạm Moskva (12.500 tấn), soái hạm của hạm đội Nga ở Biển Đen, bị tên lửa Ukraina đánh chìm hôm 13/04..

    Nêu bật sự cần thiết của vũ khí phương Tây

    Chiến sự gia tăng trên Biển Đen, sau vài tuần tương đối bình lặng, phản ánh mong muốn của Ukraina là nới lỏng gọng kìm của Nga xung quanh các cảng của họ, chủ yếu là cảng Odessa, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đã bắt đầu với Nga về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraina có dấu hiệu không tiến triển.

    Trong những ngày gần đây, Ukraina được cho là đã triển khai một số khẩu đội pháo ven biển ở Vịnh Odessa, được trang bị tên lửa Harpoon của Mỹ do Đan Mạch cung cấp, hiệu quả hơn loại Neptune sản xuất trong nước. Tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 300 km và rất khó đối phó, nhờ được gắn ra đa kèm theo.

    Joseph Henrotin, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Phân Tích và Dự báo Rủi ro Quốc tế, cho rằng: “Với những hệ thống này, Ukraina có thể thực hiện ngăn chặn hải quân/ trên biển – interdiction navale, tức là ngăn chặn tàu Nga tiếp cận bờ biển của mình, ngay cả khi nước này không còn lực lượng hải quân”.

    Trong một thông cáo ngày 21/06, bộ Quốc phòng Anh cũng ghi nhận : "Khả năng phòng thủ bờ biển của Ukraina đã vô hiệu hóa phần lớn khả năng Nga nắm quyền kiểm soát hàng hải và điều lực lượng của họ vào vùng biển tây bắc Biển Đen".

    Theo đài truyền hình Pháp France24, chuyên gia Mỹ Jeff Hawn phụ trách các vấn đề quân sự của Nga và là cộng tác viên của Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, đã cho rằng các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraina vào những mục tiêu Nga ngoài khơi Biển Đen còn nhằm chứng minh cho các nước phương Tây thấy rằng vũ khí giao cho họ đã được sử dụng tốt.

    Sim Tack, một chuyên gia phân tích khác làm việc cho hãng theo dõi các cuộc xung đột Force Analysis, cũng lập luận: "Các kết quả mà phía Ukraina muốn khoe trong cuộc tấn công mới nhất của họ (vào Đảo Rắn) không phải là thiệt hại gây ra cho các mục tiêu bị bắn trúng, mà là tính chất quá dễ dàng của chiến dịch".

    Và điều đó có lẽ sẽ không thể xảy ra nếu không có thiết bị của phương Tây, vì Ukraina trong chiến dịch đó lần đầu tiên đã sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ vừa được chuyển giao cho nước này.

    Khó nới lỏng được gọng kìm của Nga

    Liệu Ukraina có thể nới lỏng gọng kìm của Nga xung quanh các cảng của họ, chủ yếu là cảng Odessa? Đối với giới quan sát, trước mắt khó có thể tưởng tượng ra việc các tàu thương mại ra vào cảng Odessa mà không được Nga cho phép.

    Trên báo Le Monde, một nguồn tin quân sự phương Tây xác nhận “không chủ tàu nào dám mạo hiểm như vậy”, nếu không được Matxcơva bật đèn xanh. Vào thời điểm hiện nay, quốc tế không thể lên kế hoạch thành lập một đoàn tàu chở ngũ cốc Ukraina, nếu không có thỏa thuận ngoại giao trước.

    Theo nguồn tin nói trên : “Nếu Nga quyết định không cho tàu đi qua thì nguy cơ xảy ra xung đột rất cao. Một thực tế nghiêm trọng trong bối cảnh không có tàu chiến phương Tây ở Biển Đen, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles khi chiến tranh Ukraina vừa nổ ra.

    -------

    Nga tấn công thủ đô Ukraine

    27/06/2022 - Voa / Reuters
    Nga hôm Chủ nhật đã tiến hành một cuộc tấn công vào thủ đô của Ukraine.

    Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết, ít nhất một tòa nhà chung cư đã bị tấn công trong vụ pháo kích.

    Cuộc tấn công hôm Chủ nhật diễn ra cùng ngày nhóm lãnh đạo G7 từ các nền dân chủ giàu có nhất thế giới nhóm họp tại Đức.

    Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ là trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Bảy cho biết ông sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh vào thứ Hai.

    Trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ và các nền kinh tế G7 khác sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga.

    Đây là lệnh trừng phạt mới nhất được áp đặt đối với Nga để đáp trả cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine.

    Cuộc tấn công vào thủ đô của Ukraine diễn ra một ngày sau khi quân đội Ukraine rút khỏi thành phố Sievierodonetsk, miền Đông nước này.

    Đây là một chiến thắng lớn của Nga sau nhiều tuần giao tranh ác liệt, khiến giá thực phẩm và nhiên liệu quốc tế tăng cao.

    Trong khi đó, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa trên khắp Ukraine vào thứ Bảy. Các cuộc tấn công được cho là được phát động từ không phận Belarus, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến gặp Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko tại St.Petersburg, Nga.

    Ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu hàng ngày hôm thứ Bảy rằng “Ukraine cần hỗ trợ vũ trang nhiều hơn và các hệ thống phòng không - hệ thống hiện đại mà các đối tác của chúng tôi có - không nên ở các khu vực huấn luyện hoặc kho lưu trữ, mà ở Ukraine, nơi chúng đang cần đến. Cần hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.

    Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã chiếm hoàn toàn Lysychansk, một thành phố lân cận của Sievierodonetsk, ở khu vực phía đông Luhansk. Moscow tuyên bố họ đã bao vây khoảng 2.000 quân Ukraine trong khu vực.

    Những bước tiến của Nga dường như đưa Điện Kremlin tiến gần hơn đến việc kiểm soát hoàn toàn tỉnh Luhansk, một trong những mục tiêu chiến tranh mà Moscow đã nêu.

    -------

    Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine giảm 44% trong tháng 6

    27/06/2022 - Voa / Reuters
    Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong 22 ngày đầu tháng 6 giảm khoảng 44% so với một năm trước đó, hiện xuống còn 1,11 triệu tấn, Reuters dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp nước này cho biết hôm 27/6.

    Số liệu cho thấy trong số hơn 1 triệu tấn này có 978.000 tấn ngô, 104.000 tấn lúa mì và 24.000 tấn lúa mạch.

    Trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Ukraine xuất khẩu tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Moscow gọi hành động của mình là một hoạt động quân sự đặc biệt.

    Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 giảm xuống khoảng 1,7 triệu tấn do Ukraine, quốc gia từng xuất khẩu hầu hết hàng hóa qua các cảng biển, đã buộc phải vận chuyển ngũ cốc bằng tàu hỏa qua biên giới phía tây hoặc qua các cảng nhỏ trên sông Danube.

    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  5. #145
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Vụ oanh kích trung tâm thương mại Ukraina : Phương Tây lên án hành vi bạo tàn của Nga

    28/06/2022 - Thùy Dương / RFI
    Vụ oanh kích của quân Nga vào một trung tâm thương mại tại Krementchouk, miền trung Ukraina ngày 27/06/2022, khiến 18 người chết, khoảng 60 người bị thương và ít nhất 36 người mất tích, đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Tổng thống Ukraina Zelensky xem đó là “hành động khủng bố trơ trẽn, vô liêm sỉ” của Nga.

    Theo lực lượng không quân Ukraina, trung tâm thương mại tại Krementchouk đã bị trúng tên lửa chống hạm Kh-22, bắn từ máy bay ném bom tầm xa Tu-22. Chiếc Tu-22 cất cánh từ vùng Kursk của Nga, giáp biên giới phía đông của Ukraina. AFP dẫn lời tổng thống Zelensky gọi đây là “một trong những hành vi khủng bố trơ trẽn, vô liêm sỉ nhất trong lịch sử châu Âu”, đánh vào “một thành phố bình yên, một trung tâm mua sắm bình thường, với phụ nữ, trẻ em và những người dân thường bên trong”.

    Tối hôm qua, các lãnh đạo G7 lên án các vụ tấn công của Nga nhắm vào thường dân vô tội cấu thành “tội ác chiến tranh” và khẳng định tổng thống Nga Vladimir Putin “sẽ phải trả giá”. Tổng thống Pháp Macron tố cáo Nga đã gây ra một “nỗi kinh hoàng tuyệt đối” và kêu gọi người dân Nga “nhìn thẳng vào sự thật”. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định vụ oanh kích “sẽ chỉ củng cố quyết tâm” của phương Tây trong việc hậu thuẫn Ukraina.

    Về phía Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố “hành động tàn bạo” của Nga khiến thế giới thấy “kinh hoàng”, khẳng định Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraina và sẽ khiến Nga phải trả giá.

    Từ New York, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric đánh giá vụ tấn công này “ thật là tồi tệ”, nhắc lại các bên tham chiến phải tuân thủ luật pháp quốc tế về “bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự”. Vào 19 giờ, giờ GMT hôm nay 28/06, Hội Đồng Bảo An tổ chức một cuộc họp khẩn về vụ việc.

    Nga phóng rocket vào thường dân Lyssytchansk : 8 người chết

    Chỉ vài giờ sau thông báo về vụ oanh kích nhắm vào Krementchouk, chính quyền Ukraina thông báo thêm một vụ phóng rocket của quân Nga vào các thường dân tại Lyssytchansk, gần Severodonesk, vùng Lougansk, cướp đi mạng sống của 8 người.

    -------

    Nga ồ ạt tấn công Ukraina để gây sức ép với G7 và NATO

    28/06/2022 - Thụy My / RFI
    Libération nhận định « Ukraina : Matxcơva đánh mạnh để gây tiếng vang ». Trước một tuần lễ với nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, quân Nga tấn công đủ mọi hướng - kể cả ở thủ đô Kiev vốn tương đối an toàn từ đầu tháng Sáu đến nay.

    Sievierodonetsk thất thủ, sự kiện đã được dự báo

    Trước hết về tình hình Ukraina, Le Monde có bài phóng sự về « Sự thất thủ được chờ đợi của Sievierodonetsk ». Những chiến sĩ Ukraina được lệnh rút khỏi vùng đất nay trở nên thành phố lớn thứ tư lọt vào tay quân Nga. Họ lần lượt ra đi từng đơn vị nhỏ, cả ngày lẫn đêm, người ở lại bảo vệ an toàn cho người đi ; qua sông từng toán năm người không áo giáp để phòng trường hợp rơi xuống nước.

    Đặc phái viên tờ báo mô tả những người bảo vệ Sievierodonetsk rời vị trí bằng cách vượt sông Siversky Donets về hướng Lyssytchansk, trên những chiếc xuồng cao su và xà lan nối với bờ bên kia. Từ khi cả ba chiếc cầu nối hai thành phố song sinh của Luhansk thuộc vùng Donbass không còn sử dụng được do bị quân Nga chiếm hay do bị oanh tạc thường xuyên, đây cũng là con đường mà các chiến binh được tiếp đạn dược trong những tuần lễ gần đây.

    Thống đốc tỉnh Luhansk, Serhi Haidai à người đầu tiên loan báo việc triệt thoái hôm 24/06. Ông cho biết chiến dịch kéo dài khoảng 24 giờ, và chỉ công bố một khi hoàn thành. Theo ông Haidai, « Chẳng có nghĩa lý gì khi trụ lại ở các vị trí bị bỏ bom thường xuyên từ nhiều tháng qua, trong một thành phố chỉ còn là gạch vụn ». Denis Verhun, một chiến binh của tiểu đoàn 205 tức « tiểu đoàn Pechersk », pháo và xe tăng Nga tấn công ồ ạt, nếu không rút đi sẽ mất rất nhiều sinh mạng.

    Rút lui trong trật tự, tránh một Mariupol thứ hai

    Sievierodonetsk thất thủ đúng bốn tháng sau khi quân Nga tràn sang Ukraina ngày 24/02, mở ra khả năng bao vây Lyssytchansk, ổ kháng cự cuối cùng của Luhansk. Le Monde không hề nhận thấy không khí thất trận : việc mất Sievierodonetsk đã được báo trước từ nhiều tuần qua, và cuộc rút lui diễn ra trong trật tự. Người lính Verhun khẳng định « Nga không thể ngủ yên trên vòng nguyệt quế, vì chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi nào giải phóng được Ukraina ».

    Quân đội Ukraina muốn tránh trường hợp Mariupol, nơi hàng trăm chiến sĩ bị bắt làm tù binh khiến kẻ thù tha hồ tuyên truyền. Nhưng theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cái giá phải trả cho việc chiếm được Sievierodonetsk là năng lực quân sự của Nga bị hủy hoại khá nhiều.

    Phóng viên Le Figaro thì theo chân một đơn vị trinh sát Ukraina ở gần Mykolaiv. Họ cho biết tiêu diệt một chiếc xe tăng không khó, với hỏa tiễn chống tăng chỉ mất một giây đồng hồ mà thôi. Ngược lại, tiếp cận với quân địch, đoán hướng di chuyển và quay về an toàn thì khó khăn hơn rất nhiều. Nhóm trinh sát năm người có được một chiếc drone trị giá 3.000 đô la, do một chiến hữu nay đã thành thương phế binh mua tặng. Trước đây mỗi lần bắn đi một quả đạn là phải di chuyển đi nơi khác ngay kẻo Nga trả đũa, nay đã có đại bác do phương Tây viện trợ, họ có thể an tâm đấu pháo với địch.

    G7 và NATO họp, Nga đánh lớn ở Ukraina để tạo tiếng vang

    Libération nhận định « Ukraina : Matxcơva đánh mạnh để gây tiếng vang ». Trước một tuần lễ với nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, quân Nga tấn công đủ mọi hướng - kể cả ở thủ đô Kiev vốn tương đối an toàn từ đầu tháng Sáu đến nay. Khói đen lại bốc lên ở khu vực dân cư Shevchenkiskiy gần trung tâm thành phố. Sáng Chủ nhật 26/06, các hỏa tiễn Nga lại rơi xuống Kiev làm 1 người chết và 6 người bị thương trong đó có một bé gái 7 tuổi, phòng không Ukraina bắn hạ được một tên lửa.

    Đây là lần thứ ba kể từ đầu cuộc xâm lăng khu phố này bị tấn công, sau lần bị oanh tạc cuối tháng Tư khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cuối tháng Tư. Phía Nga nói rằng nhắm vào « cơ sở quân sự » : nhà máy Artem, bị Matxcơva cáo buộc sản xuất hỏa tiễn. Các vụ tấn công của Nga nổ ra khắp nơi từ sáng thứ Bảy, vào thời điểm G7 họp tại Elmau gần Munich từ Chủ nhật đến thứ Hai, và tiếp đến là hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid từ thứ Ba đến thứ Năm. Đô trưởng Kiev tố cáo Nga muốn « đe dọa người Ukraina » nhân cuộc họp mà các thành viên Liên minh sẽ thảo luận về việc hỗ trợ Ukraina.

    Điều hiếm hoi là các hỏa tiễn rơi xuống Kiev hôm Chủ nhật rất có thể là loại X101, được các oanh tạc cơ TU-95 và TU-160 phóng đi từ biển Caspi. Một hôm trước đó, quân Nga tiến công hầu như trên toàn quốc, ngay cả những nơi xa khu vực tiền tuyến ở miền nam và miền đông. Theo tình báo quân đội Ukraina, ít nhất 12 hỏa tiễn bắn đi từ Belarus. Nước này từng là hậu cứ cho quân Nga nhưng chưa bao giờ cho sử dụng không phận. Ngoài yếu tố lịch trình ngoại giao, hoạt động quân sự của Nga mạnh mẽ trở lại vào lúc Ukraina bắt đầu sử dụng những loại vũ khí tiên tiến hơn do đồng minh cung cấp, như Himars của Mỹ. Libération nhận thấy việc Nga tập trung hỏa lực pháo binh đã mang lại kết quả trên chiến trường.

    Súng ngắn, moọc-chê đương cự với Terminator và bom phốt-pho của Nga

    Trả lời phỏng vấn La Croix, giáo sư Arancha Gonzales của Trường quốc tế thuộc Science Po Paris nhận định, Vladimir Putin có tư tưởng đế quốc, thực dân. Ông ta đã kéo lùi thế giới hơn một thế kỷ. Đa số các nước trên thế giới đã bị sốc khi một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một cường quốc nguyên tử lại ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của nước láng giềng.

    Nhà văn kiêm triết gia Bernard-Henri Lévy trong một bài phỏng vấn dài trên Le Figaro khẳng định « Cuộc chiến của người Ukraina chống lại quân Nga xâm lược là cuộc chiến của chúng ta ». Đã từng đến Ukraina nhiều lần kể từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014 và sau khi Nga đổ quân sang hôm 24/02, đã đi thăm nhiều điểm xung đột nhất là Bucha và Borodyanka ở phía bắc Kiev, nhà trí thức nổi tiếng là tác giả bộ phim tài liệu « Tại sao là Ukraina » sẽ phát trên kênh Arte tối mai. Ông cổ vũ châu Âu nên quyết tâm giúp đỡ Ukraina, nhân danh các giá trị dân chủ mà quốc gia này đang bảo vệ trước chế độ toàn trị của Vladimir Putin.

    Theo Bernard-Henri Lévy, phương Tây cần duy trì áp lực, tiếp tục vũ trang cho các chiến sĩ Ukraina đang phải chống chọi dưới mưa bom phốt-pho. Ông đã từng ở bên một tiểu đoàn mà trong một tháng đã mất đến phân nửa quân số. Trước những chiến xa « Terminator » của Nga, họ chỉ có những khẩu súng ngắn và moọc-chê nội địa. Những người lính thuộc loại dũng cảm nhất thế giới chẳng thể làm gì hơn để đối phó với những trận bão thép của quân Nga.

    -------

    Những lính Ukraina cuối cùng chèo thuyền rút khỏi Severodonnetsk

    28/06/2022 - Chi Phương / RFI
    Ngày 24/06, Kiev xác nhận Severodonetsk hoàn toàn rơi vào tay Nga và thông báo rút quân sau nhiều trận giao tranh ác liệt. Một số lính Ukraina cuối cùng rời khỏi thành phố vào hôm Chủ Nhật, đi thuyền vượt sông Sibverskyi Donets để đến Sloviansk, cách Severodonetsk 60 km.

    "Dĩ nhiên, đó là một nỗi nhục khi phải rời đi vì chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để bảo vệ Severodonetsk, sau hàng tháng trời. Nhưng quyết định đã được đưa ra và chúng tôi cũng không quá lo lắng vì chúng tôi cũng muốn sống", một lính Ukraina cho biết.

    Binh lính chèo thuyền vào buổi tối rời khỏi Severodonetsk để đảm bảo an toàn. Vị trí của thuyền thay đổi liên tục vì Nga vẫn tiếp tục pháo kích.

    "Chúng tôi đã phải chịu rất nhiều tổn nhất và không còn cách nào có thể giữ được thành phố. Tình hình ở Severodonetsk giống như Mariupol. Và chúng tôi không muốn sự việc lặp lại tại nhà máy hoá chất Azot, giống như ở nhà máy luyện kim Azovstal (binh lính phải ra đầu hàng trước quân Nga). Ở đó vẫn còn nhiều thường dân, binh lính và chúng tôi hoàn toàn bị bao vây", Anton một lính Ukraina đã rời đến Sloviansk thuật lại.

    Tất cả các cây cầu bắc qua sông Siverskyi Donets đều bị phá huỷ. Thành phố bị cô lập, việc tiếp tế cũng như điều thêm quân đến rất khó khăn. Quan chức Ukraina cho biết quyết định rút quân là vì số thương vong quá lớn. Tại vùng Lugansk, thành phố Lyssychansk hiện là nơi cuối cùng quân đội Ukraina vẫn đang chiến đấu để giành kiểm soát.

    Theo CNN, việc chiếm được Severodonetsk tại Donbass mang lại cho Nga một chiến thắng trong chiến dịch tuyên truyền của mình kể từ khi mở ra chiến dịch quân sự đặc biệt. Giới chuyên gia cho rằng, trước đó, quân đội Ukraina có thể đẩy lùi lực lượng Nga ở khu vực gần thủ đô Kiev vì hầu hết các cuộc chiến đấu diễn ra trong thành phố và binh lính quen với địa hình, trong khi đó, tại vùng Donbass, địa hình chủ yếu là đồng bằng và không gian mở, thuận tiện cho sử dụng vũ khí tầm xa mà Nga chiếm nhiều ưu thế hơn.

    -------

    Pháp gởi đại pháo và xe bọc thép cho Ukraina

    28/06/2022 - Thụy My / RFI
    Bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu tối 27/06/2022 xác nhận việc gởi thêm sáu khẩu đại pháo Caesar hiện đại nhất của Pháp, và sắp tới sẽ viện trợ « một số lượng lớn » xe bọc thép cho Ukraina.

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng trên trang web nhật báo Parisien-Aujourd'hui en France tối qua, bộ trưởng Sébastien Lecornu nhấn mạnh : « Để di chuyển nhanh chóng tại các khu vực dưới hỏa lực địch, các đơn vị vũ trang cần có được xe bọc thép ». Pháp sẽ « gởi sang một số lượng lớn các xe quân sự loại này, là những xe bọc thép vũ trang ».

    Bộ trưởng Quân Lực cũng xác nhận việc giao cho Ukraina thêm sáu đại pháo Caesar, hiện là loại pháo có tầm bắn xa nhất của Pháp, thêm vào 12 khẩu đã được triển khai để đối phó với quân Nga, như tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo trong chuyến thăm Kiev hôm 16/06. Tuy nhiên, ông không cho biết cụ thể thời điểm chuyển giao.

    Về các hỏa tiễn chống hạm được Kiev đòi hỏi nhằm « có được sự đột phá để thoát khỏi tình trạng Nga phong tỏa biển vì không thể giao ngũ cốc và nguyên vật liệu cho nhiều nước », theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, yêu cầu này hiện « nằm trong số các hồ sơ đang được xem xét ».

    Kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina của Nga ngày 24/02/2022, Paris đã chuyển cho Kiev nhiều loại vũ khí. Ngoài các đại pháo Caesar, còn có những hỏa tiễn chống tăng Milan, hỏa tiễn phòng không Mistral. Giữa tháng Tư, bộ trưởng Quân Lực lúc đó là Florence Parly ước tính Pháp đã viện trợ cho Ukraina trên 100 triệu euro thiết bị quân sự.

    -------

    Phương Tây cam kết kiên định ủng hộ Ukraine

    28/06/2022 - Voa / Reuters
    Các quốc gia phương Tây ngày 27/6 cam kết hỗ trợ kiên định cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, bao gồm chế tài thêm đối với Moscow và cấp thêm cho Ukraine các hệ thống phòng không, trong lúc lực lượng Nga tiến gần thành phố lớn cuối cùng mà quân đội Ukraine đang nắm giữ ở tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine.

    Hai phi đạn của Nga đã tấn công một trung tâm mua sắm đông đúc ở thành phố Kremenchuk của Ukraine, phía đông nam Kyiv, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 40 người bị thương, các quan chức cấp cao Ukraine nói.

    “Thật vô ích khi hy vọng vào sự tử tế và nhân đạo từ Nga”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy viết trên Telegram.

    Các nhà lãnh đạo của G7, nhóm bảy nền dân chủ lớn, gặp nhau tại một khu nghỉ mát trên núi của Đức, tuyên bố sẽ duy trì các chế tài đối với Nga chừng nào vẫn còn cần thiết và tăng cường áp lực quốc tế đối với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin và đồng minh Belarus.

    Hoa Kỳ cho biết đang hoàn thiện một gói vũ khí cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không tầm xa - vũ khí mà ông Zelenskyy đã yêu cầu cụ thể khi ông phát biểu với các nhà lãnh đạo qua video ngày 27/6.

    Dù có sự tăng cường từ các đồng minh, Ukraine đang phải chịu đựng một ngày khó khăn khác trên chiến trường sau khi mất thành phố Sievierodonetsk hiện đã đổ nát sau nhiều tuần bị bắn phá và giao tranh trên đường phố.

    Pháo binh Nga đã pháo kích Lysychansk, thành phố sinh đôi ngay bên kia Sông Siverskyi Donets, nơi mà tỉnh trưởng Luhansk, Serhiy Gaidai, cho biết đang bị thiệt hại “thảm khốc”. Ông kêu gọi thường dân sơ tán khẩn cấp.

    Luhansk và tỉnh Donetsk lân cận tạo thành vùng Donbas, trung tâm công nghiệp của Ukraine và là mục tiêu hàng đầu của Điện Kremlin sau khi quân đội Nga thất bại trong việc chiếm thủ đô Kyiv trong những ngày đầu của cuộc chiến, hiện đã bước sang tháng thứ năm.

    Các lực lượng Nga cũng kiểm soát lãnh thổ ở phía nam, bao gồm cả thành phố cảng Mariupol, đã thất thủ sau một cuộc bao vây kéo dài khiến thành phố này đổ nát.

    “Chừng nào còn cần thiết”

    Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7, ông Zelenskyy đã yêu cầu thêm vũ khí, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết. Ông đã yêu cầu giúp đỡ để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và thêm các chế tài đối với Nga.

    Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói Washington đang trong quá trình hoàn thiện gói viện trợ bao gồm các hệ thống phòng không tầm xa và sẽ đáp ứng nhu cầu đạn pháo của Ukraine.

    Các quốc gia G7 hứa sẽ siết chặt tài chính của Nga bằng các chế tài, bao gồm cả thỏa thuận giới hạn giá dầu của Nga mà một quan chức Mỹ cho là “sát nút”, đồng thời hứa bổ sung thêm 29,5 tỷ đô la cho Ukraine.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao và sát cánh với Ukraine chừng nào còn cần thiết”, một tuyên bố của G7 nói.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói quân đội NATO trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao sẽ được tăng cường ồ ạt lên tới hơn 300.000 người, với việc liên minh phương Tây sẽ áp dụng một chiến lược mới mô tả Moscow là một mối đe dọa trực tiếp.

    Nga bác bỏ cáo buộc rằng họ vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, yêu cầu các nhà đầu tư đến các đại lý tài chính phương Tây để nhận tiền mặt đã gửi mà trái chủ không nhận được.

    Tòa Bạch Ốc nói Nga đã vỡ nợ vì các chế tài sâu rộng đã cắt nước này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu một cách hiệu quả.

    Chiến tranh đã tạo ra những khó khăn cho các quốc gia bên ngoài biên giới của Nga, với những gián đoạn xuất khẩu lương thực và năng lượng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

    Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Điện Kremlin gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu và đảm bảo an ninh của Nga. Nga phủ nhận nhắm mục tiêu vào thường dân trong một xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người bỏ chạy và nhiều thành phố đổ nát.



    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  6. #146
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Tổng thống Ukraina Zelensky : Nga là một « quốc gia khủng bố »

    29/06/2022 - Phan Minh / RFI
    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua 28/06/2022 đã đề nghị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gởi một ủy ban điều tra đến Kremenchuk để chứng minh rằng trung tâm thương mại tại thành phố này đã bị một tên lửa của Nga phá hủy. Theo yêu cầu của ông, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an, bao gồm cả Nga, đã dành một phút mặc niệm cho toàn bộ những người Ukraina đã thiệt mạng trong chiến tranh.

    Phát biểu lần này trước Hội Đồng Bảo An, tổng thống Ukraina một lần nữa yêu cầu khai trừ Nga khỏi ghế thường trực Hội Đồng và thành lập một tòa án để xét xử "các hành động khủng bố" của Matxcơva.

    Tổng thống Zelensky phát biểu :

    Hiến chương Liên Hiệp Quốc cung cấp tất cả các phương tiện cần thiết để hành động chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào và bất kỳ quốc gia khủng bố nào. Nên tôi kêu gọi các vị sử dụng những phương tiện này, nhất thiết phải tước bỏ khả năng thao túng Liên Hiệp Quốc của phái đoàn Nga. Không thể để Nga ở lại Hội Đồng Bảo An khi nào mà nước này còn có những hành động khủng bố. Phải lập một tòa án để điều tra tất cả những gì mà quân đội Nga đã làm với người dân Ukraina. Liên Hiệp Quốc phải coi đây là chủ nghĩa khủng bố nhà nước và mọi hành vi của Nga phải được xem xét về mặt pháp lý và bị trừng phạt trên toàn cầu.

    Cũng trong ngày hôm qua, các nhà lãnh đạo của khối G7 đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Nga rút quân khỏi Ukraina. Về phần mình, Bắc Kinh nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ không thể giải quyết được khủng hoảng ở Ukraina, đồng thời chỉ trích việc Hoa Kỳ cùng các đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraina.

    -------

    NATO cam kết hiện đại hóa quân đội Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga

    29/06/2022 - Voa / Reuters
    Ngày 29/6, NATO nhất trí coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp” nhất đối với an ninh của các đồng minh sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, và tuyên bố sẽ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đang bị tấn công của Kyiv. Khối này nói rằng họ ủng hộ hết mình “lực lượng phòng thủ anh hùng” của Ukraine.

    Sau khi hoàn thành hội nghị thượng đỉnh với nội dung chính về cuộc xâm lược và biến động địa chính trị mà cuộc chiến gây ra, NATO đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh và cam kết tăng cường các lực lượng sẵn sàng chiến đấu và phản ứng nhanh ở sườn phía đông, nơi gần Nga nhất.

    Tổng thống Joe Biden đã công bố các kế hoạch triển khai bổ sung lực lượng trên bộ, trên không và trên biển của Hoa Kỳ trên khắp châu Âu, từ phía tây Tây Ban Nha cho đến Romania và Ba Lan, giáp giới với Ukraine. Việc triển khai bao gồm một sở chỉ huy quân đội thường trực với tiểu đoàn yểm trợ ở Ba Lan - đơn vị đầu tiên toàn thời gian của Hoa Kỳ được triển khai ở rìa phía đông của NATO.

    Khi 30 lãnh đạo quốc gia NATO đang họp tại Madrid, các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công tên lửa vào khu vực phía nam Mykolaiv gần chiến tuyến.

    Thị trưởng thành phố Mykolaiv cho biết một tên lửa của Nga đã giết chết ít nhất 5 người trong một tòa nhà dân cư ở đó, trong khi Moscow cho biết lực lượng của họ đã bắn trúng nơi được gọi là căn cứ huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài trong khu vực.

    Thống đốc tỉnh miền đông Luhansk cho biết “giao tranh ở khắp nơi” trong trận chiến xung quanh thành phố Lysychansk trên đỉnh đồi, nơi các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây khi họ từng bước tiến lên trong chiến dịch xâm chiếm toàn bộ khu vực Donbas phía đông của Ukraine, nhân danh phe ly khai.

    Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, lặp lại với các nhà lãnh đạo NATO rằng Kyiv cần nhiều vũ khí và tiền hơn, và nhanh hơn, để làm xói mòn lợi thế to lớn của Nga về hỏa lực pháo binh và tên lửa, đồng thời cảnh báo rằng tham vọng của Điện Kremlin không dừng lại ở Ukraine.

    Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, ca ngợi “lập trường rõ ràng” của NATO đối với Nga và cho biết kết quả hội nghị thượng đỉnh cho thấy “có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết”.

    Kyiv từng bày tỏ lo ngại rằng phương Tây đã chậm chạp trong việc cung cấp cho họ nhiều hơn là việc hỗ trợ tinh thần chống lại một cuộc xâm lược đã tàn phá các thành phố, giết chết hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải chạy trốn.

    Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm hàng chục người mất tích tại trung tâm mua sắm Kremenchuk vào thứ Tư, hai ngày sau vụ tấn công tên lửa.

    Moscow phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào trung tâm thương mại, nói rằng họ đã tấn công một kho vũ khí gần đó.

    Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga có khả năng sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công lớn nhằm cản trở lực lượng tiếp tế của Ukraine cho tiền tuyến, và nhiều khả năng thương vong dân sự sẽ cao hơn.

    -------

    Cuộc xâm lăng Ukraina có thể khiến Nga mất hẳn đồng minh đàn em Kazakhstan

    28/06/2022 - Trọng Thành / RFI
    Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga do chính quyền Putin phát động từ ngày 24/02/2022, kéo dài bốn tháng nay, không chỉ khiến Nga và phương Tây gần như đi đến chỗ tuyệt giao. Cuộc xâm lăng của Nga còn có nguy cơ khiến Matxcơva mất đi một số ít ỏi đồng minh thuộc không gian Liên Xô cũ. Kazakhstan nằm trong số đó.

    Kazakhstan là nước cộng hòa cuối cùng thuộc Liên Xô cũ tuyên bố độc lập, ngày 19/12/1991. Nước cộng hoà Trung Á Kazakhstan có diện tích lớn thứ hai trong Liên Xô trước đây, sau Nga, với hơn 2,7 triệu km vuông. Cho đến nay, Kazakhstan, quốc gia có đường biên giới trên bộ dài nhất với Nga (6.846 km), về mặt thể chế vẫn gắn bó mật thiết với Nga thông qua ba định chế.

    Kazakhstan vốn gắn bó với ba định chế quốc tế chủ chốt của điện Kremlin

    Thứ nhất là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC), liên minh chính trị - quân sự bao gồm 6 nước cộng hoà Liên Xô cũ, trong đó Liên bang Nga là trụ cột. Thứ hai là Liên minh Kinh tế Á – Âu (một dạng khu vực thị trường chung thời hậu Xô Viết, bao gồm 5 thành viên chính thức, là 5 nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, và một số quan sát viên trong đó có Trung Quốc, Iran).Và định chế thứ ba là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), với Nga và Trung Quốc là thành viên trụ cột.

    Toàn bộ ba định chế chủ chốt mà Kazakhstan tham gia cũng được coi là các yếu tố căn bản trong chiến lược đối ngoại của điện Kremlin, và đặc biệt là các công cụ cho phép Nga xác lập ảnh hưởng trong khu vực. Khoảng 20% trong tổng số dân cư 20 triệu dân Kazakhstan nói tiếng Nga. Cựu tổng thống Noursoultan Nazarbaïev, một cựu lãnh đạo thời Liên Xô, cầm quyền liên tục từ năm 1991 đến 2019, điều hành đất nước với bàn tay sắt. Những nhân tố nói trên, cùng với việc đông đảo nhân sự trong bộ máy lãnh đạo chính quyền xuất thân thời Xô Viết, bảo đảm sự trung thành không gì lay chuyển của Kazakhstan đối với Matxcơva.

    Bác bỏ chủ quyền ‘‘Cộng hòa Donetsk’’ và ‘‘Cộng hòa Lugansk’’ trước mặt Putin

    Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga có nguy cơ khiến Matxcơva mất đi, hay ít nhất cũng bị đồng minh đàn em lâu đời xa lánh. Bất đồng sâu sắc Kazakhstan – Nga thể hiện rõ rệt trong dịp Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại thành phố St Petersbourg trung tuần tháng 6 vừa qua. Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokaïev, là một trong các lãnh đạo quốc gia hiếm hoi trên thế giới tham gia diễn đàn kinh tế thường niên nổi tiếng do Nga tổ chức, nhưng bị đông đảo các nước tẩy chay năm nay do cuộc xâm lăng Ukraina. Tuy tham gia, nhưng chính tại diễn đàn này, nguyên thủ Kazakhstan đã tuyên bố thẳng ngay trước tổng thống Nga Vladimir Putin: Kazakhstan không thừa nhận hai vùng lãnh thổ ly khai miền đông Ukraina, với tên gọi ‘‘Cộng hòa Donetsk’’ và ‘‘Cộng hòa Lugansk’’, mà Nga công nhận. Can thiệp vào Ukraina để bảo vệ hai vùng lãnh thổ ly khai nói trên là cái cớ mà điện Kremlin đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lăng.

    Trả đũa : Nói trại tên đồng nhiệm, chặn xuất khẩu dầu của láng giềng...

    Phía Nga cũng có trả đũa ngay tức thì trước thái độ kiên quyết của Kazakhstan. Theo Les Echos, tổng thống Nga đã đáp trả khi ‘‘cố tình phát âm sai tên’’ của đồng nhiệm Kazakhstan, một phản ứng được coi là ‘‘mang đầy ý nghĩa biểu tượng’’. Đúng hai hôm sau, Matxcơva đưa ra một trừng phạt cụ thể : ngừng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra bên ngoài thông qua cảng dầu Novorossisk trên Biển Đen. Cảng dầu nói trên - với khả năng vận chuyển 1,4 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 3% lưu lượng dầu mỏ toàn cầu - được coi là cánh cửa chủ yếu đưa dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra thế giới (“Le Kazakhstan s'éloigne à son tour de la Russie”, Les Echos, ngày 20/06/2022).

    Theo lời giải thích của chính quyền Nga, việc tạm thời ngưng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất qua cảng Novorossisk trên Biển Đen là do vấn đề an ninh không bảo đảm. Cụ thể là để vô hiệu hoá một số bom chưa nổ dưới đáy Biển Đen, lưu lại từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, hiện diện gần khu vực cảng này. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, lời biện bạch của Nga không thuyết phục được ai. Trên thực tế, phản ứng cứng rắn từ phía Nga không chỉ để trả đũa tuyên bố trực diện và dứt khoát của tổng thống Kazakhstan, bác bỏ “chủ quyền tự phong” của hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga thuộc Ukraina. Phản ứng này cũng đồng thời để đáp trả lại việc chính quyền Kazakhstan trước đó hai tuần đã quyết định chuyển đổi tên gọi dầu mỏ của Kazakhstan thành KEBCO (Kazakhstan Export Blend Crude Oil), để tránh bị đánh đồng với dầu mỏ của Nga, nhằm không bị dính phải các trừng phạt từ phương Tây.

    TT Kazakhstan bác bỏ vị thế bề trên của Nga…

    Ngoài hai hành động dứt khoát của chính quyền Kazakhstan - tách khỏi sự chồng chéo trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ với Nga, tái khẳng định nguyên tắc không thừa nhận chủ quyền hai vùng lãnh thổ tự phong (được Nga hậu thuẫn) ngay trước mặt tổng thống Nga (nguyên tắc vốn đã được chính quyền Kazakhstan khẳng định ngay từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina), nhật báo Les Échos còn ghi nhận một động thái thứ ba.

    Đây có thể là động thái báo hiệu sự rạn nứt khó vãn hồi của quan hệ Nga – Kazakhstan với tư cách mối quan hệ giữa nước lớn và quốc gia chư hầu. Ngày Chủ nhật 19/06 - tức một ngày trước khi Nga đưa ra quyết định ngăn chặn dầu xuất khẩu Kazakhstan, tổng thống Kazakhstan, đưa ra một tuyên bố được đánh giá là “rất cứng rắn”, có thể được nhìn nhận như ‘‘một hành động khiêu khích’’ từ phía Matxcơva, theo Les Echos. Tổng thống Kazakhstan Tokaiev nhấn mạnh là ‘‘nước Nga đừng nên cố gắng đóng vai trò của đấng cứu thế, bởi sẽ không ai cần đến việc này, cũng sẽ không ai khuất phục’’.

    Trên thực tế, phản ứng của tổng thống Kazakhstan cũng không hẳn là một hành động khiêu khích đơn thuần từ phía chính quyền Kazakhstan. Les Echos nhấn mạnh đến việc tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các vùng lãnh thổ Liên Xô cũ, bao gồm đặc biệt Kazakhstan, là thuộc về ‘‘lãnh thổ lịch sử của nước Nga’’. Đối với Kazakhstan, diễn đạt ‘‘gây lạnh sống lưng này’’ rõ ràng chứa đầy hàm ý đe dọa. Mùa hè năm ngoài, chủ nhân điện Krelin đã từng đưa ra một thông điệp về việc người Nga và người Ukraina cùng chia sẻ ‘‘một không gian lịch sử và tâm linh chung’’. Dưới diễn đạt vẻ ngoài mang đầy ý nghĩa văn hoá có vẻ vô hại này, ‘‘Không gian lịch sử và tâm linh chung Nga – Ukraina’’ giờ đây trở thành một tín điều căn bản đang được chính quyền Putin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lăng Ukraina. Kazakhstan hoàn toàn có thể trở thành một Ukraina thứ hai.

    … nhưng tìm cách giảm nhẹ căng thẳng, duy trì hòa khí

    Cũng liên quan đến phản ứng khác thường của tổng thống Kazakhstan tại Diễn đàn Kinh tế St Petersbourg, nhật báo Anh ngữ Moscow Times, phát hành tại Nga, ghi nhận thái độ phản đối mạnh mẽ của nguyên thủ Kazakhstan với một bộ phận giới chính trị và truyền thông Nga, mà theo ông, đang góp phần “gieo rắc bất hoà” trong quan hệ hai nước. Cho đến nay, dường như chính quyền Kazakhstan vẫn cố gắng duy trì thế cân bằng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Chính quyền của tổng thống Tokayev đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Thế nhưng, vấn đề không công nhận chủ quyền đối với hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga miền đông Ukraina là ‘‘lằn ranh đỏ’’ với Kazakhstan. Về phía Nga, dường như chính quyền Putin muốn gây áp lực để buộc Kazakhstan từ bỏ lập trường trung lập.

    Theo Moscow Times, ‘‘một trong những người chỉ trích gay gắt nhất lập trường trung lập của Kazakhstan đối với Ukraina chính là bà Margarita Simonyan, tổng biên tập của báo Russia Today, người đã điều tiết cuộc thảo luận giữa hai nguyên thủ Putin và Tokayev ngày 17/6 (tại St Peterbourg)’’ ("Ukraine War Strains Ties Between Kazakhstan and Russia", Moscow Times, ngày 24/06/2022).

    Theo nhà phân tích chính trị Dosym Satpayev, làm việc tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, các phát biểu của tổng thống Tokayev tại St Petersbourg chắc chắn sẽ được theo dõi sát tại Kazakhastan ‘‘nơi chính sách đối ngoại rất hiếu chiến của điện Kremlin có thể gây nhiều phản đối, nhưng cũng có được nhiều ủng hộ’’. Báo Moscow Times cũng ghi nhận nỗ lực làm dịu căng thẳng trong quan hệ song phương với Nga của tổng thống Kazakhstan. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ít ngày sau Diễn đàn St Petersbourg, tổng thống Kazakhstan đã ca ngợi đồng nhiệm Nga là một ‘‘đồng minh trung thành’’, và hai bên đã có một ‘‘cuộc gặp rất tốt đẹp.’’ Chính quyền Kazakhstan cố gắng duy trì hoà khí, nhưng thái độ của điện Kremlin sẽ ra sao ? Già néo liệu có đứt dây ?

    Cuộc xâm lăng Ukraina thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá ở Kazakhstan ?

    Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cũng đưa ra một góc nhìn bổ sung. Đó là quan hệ Kazakhstan và Nga đang bước vào giai đoạn đặc biệt nhạy cảm. Chính quyền của tổng thống Tokayev (đắc cử từ năm 2019) đang tìm cách dần từng bước thoát khỏi di sản độc tài của chế độ Nazarbaïev. Đầu tháng 6 vừa qua, Kazakhstan đã trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp hướng đến ‘‘dân chủ hoá’’ – theo hướng chuyển từ chế độ tổng thống tập trung toàn bộ quyền lực, sang một nền cộng hòa tổng thống chế nhưng với một Quốc Hội mạnh, cấm người thân cận với tổng thống nắm quyền trong các cơ quan quan trọng. Cuộc trưng cầu dân ý được 77% dân chúng ủng hộ nói trên, được nhiều người coi là một biến cố chính trị lớn nhất tại Kazakhstan kể từ 30 năm nay, khi cho đến rất gần đây tập đoàn Nazarbaïev luôn nắm trọn vẹn quyền lực (‘‘Kazakhstan : une majorité de "oui" au référendum pour tourner la page Nazarbaïev’’, France 24, 05/06/2022).

    Tiến trình dân chủ hoá, xích lại gần với các giá trị của phương Tây phải chăng không sớm thì muộn cũng dẫn đất nước Kazakhstan lìa xa khỏi chế độ chính trị của nước Nga nơi điện Kremlin thâu tóm mọi quyền lực ? Nếu nhìn theo hướng này, phải chăng cuộc xâm lăng Ukraina của Nga trên thực tế đang góp phần đẩy nhanh tiến trình khẳng định rõ ràng nền độc lập, khả năng tự lựa chọn chế độ chính trị phù hợp cho mình, vốn đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong nội bộ xã hội Kazakhstan ?

    -------

    Mỹ tố cáo 5 công ty ở Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga

    29/06/2022 - Voa / Reuters
    Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày 28/6 bổ sung thêm năm công ty ở Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì bị cáo buộc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng và quân sự cho Nga, tăng cường thực thi các chế tài chống lại Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

    Bộ Thương mại, cơ quan giám sát danh sách đen thương mại, cho hay các công ty bị nhắm mục tiêu đã cung cấp các mặt hàng cho “các thực thể đáng quan tâm” của Nga trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, nói thêm rằng họ “tiếp tục ký hợp đồng cung cấp cho các thực thể Nga này và các bên bị chế tài.”

    Bộ cũng đưa thêm 31 thực thể vào danh sách đen từ các nước bao gồm Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lithuania, Pakistan, Singapore, Vương quốc Anh, Uzbekistan và Việt Nam, theo Công báo Liên bang. Trong tổng số 36 công ty được thêm vào, 25 công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

    “Hành động ngày hôm nay gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các thực thể và cá nhân trên toàn cầu rằng nếu họ tìm cách hỗ trợ Nga, Hoa Kỳ cũng sẽ chế tài họ”, Thứ trưởng Thương mại phụ trách Công nghiệp và An ninh, Alan Estevez, nói trong một tuyên bố.

    Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

    Ba trong số các công ty ở Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga, Connec Electronic Ltd., World Jetta và Logistics Limited có trụ sở tại Hong Kong, nhưng không thể tiếp xúc để yêu cầu bình luận. Hai công ty còn lại, King Pai Technology và Winninc Electronic không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

    Bị đưa vào danh sách đen có nghĩa là các nhà cung cấp của họ ở Mỹ cần phải có giấy phép của Bộ Thương mại trước khi có thể giao hàng cho họ.

    Mỹ đã cùng các đồng minh trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xâm lược, mà Moscow gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, bằng cách chế tài một loạt các công ty và nhà tài phiệt Nga, đồng thời đưa những người khác vào danh sách đen thương mại.

    Dù trước đây các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc nhìn chung đang tuân thủ các chế tài Nga, nhưng Washington tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt các quy định.

    “Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động nếu họ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu,” Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Quản lý Xuất khẩu, Thea Rozman Kendler, nói trong cùng tuyên bố.

    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  7. #147
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Chiến tranh Ukraina : Nga oanh kích Odessa, hàng chục người thiệt mạng

    01/07/2022 - Thanh Hà / RFI
    Ít nhất 18 người chết sau một đợt oanh kích của Nga nhắm vào các khu dân cư tại vùng Odessa, miền nam Ukraina vào sáng nay 01/07/2022. Chính quyền Kiev loan báo tin trên một ngày sau khi chiếm lại Đảo Rắn, với vị trí chiến lược ở Hắc Hải đối diện với Odessa và sau khi được thông báo sẽ nhận thêm viện trợ quân sự của Anh, Hoa Kỳ.

    Theo chính quyền Ukraina được Reuters trích dẫn, quân đội Nga đã phóng hai tên lửa Kh-22 được chế tạo từ thời Liên Xô cũ. Cả hai được phóng đi từ Biển Đen và cùng nhắm vào các khu dân cư. Hỏa tiễn thứ nhất bắn trúng một tòa nhà 9 tầng ở thành phố Serhiivke, vào lúc 1 giờ sáng nay, giờ địa phương, làm ít nhất 16 người chết. Mục tiêu thứ nhì là một khu khách sạn.

    Thống đốc vùng Dodessa, Maksym Marchenko tạm thời đưa ra con số 18 người thiệt mạng, hơn 30 người bị thương đã được đưa vào bệnh viện. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do chưa dập tắt được các đám cháy tại các tòa nhà bị oanh kích.

    Đợt oanh kích sáng sớm nay diễn ra vài giờ sau khi Kiev thông báo đã chiếm lại được Đảo Rắn, ngoài khơi Odessa. Matxcơva xác nhận “đã rút quân để thể hiện thiện chí” sau khi đã “đạt được các mục tiêu” đề ra. Đảo Rắn đã được quân sự hóa, nằm ở phía tây nam cảng Odessa, hải cảng lớn nhất của Ukraina, nơi hàng triệu tấn ngũ cốc đang bị giữ lại. Theo giới quan sát, giành lại Đảo Rắn là một “thắng lợi quan trọng về mặt chiến lược” đối với Ukraina.

    Trước khi có tin về tình hình ở Đảo Rắn, khi bế mạc thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo viện trợ thêm hơn 1 tỷ bảng Anh cho chính quyền Kiev, chủ yếu là viện trợ quân sự.

    Tuy nhiên, mọi chú ý hướng về tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ. Trước khi lên đường về Mỹ, Joe Biden nhấn mạnh Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương luôn sát cánh với Kiev và không thể để mọi việc kết thúc bằng một “thất bại quân sự của Ukraina” :

    “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể đồng ý rằng đây là một thượng đỉnh mang tính lịch sử của NATO. Trước khi xảy ra chiến tranh, tôi đã nói với Putin là nếu Nga xâm chiếm Ukraina, khối NATO không chỉ sẽ mạnh hơn mà còn đoàn kết hơn. Các nền dân chủ trên thế giới sẽ đứng lên, chống lại hành vi xâm lược đó và bảo vệ trật tự thế giới được xây dựng trên luật pháp. Đấy chính là điều đang diễn ra ngày hôm nay.

    Thượng đỉnh lần này nhằm củng cố thêm liên minh, vượt qua những thách thức của thế giới hiện tại và những mối đe dọa mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai. Lần cuối cùng mà NATO soạn thảo khái niệm chiến lược cách nay 12 năm. Khi đó văn bản này coi Nga là một đối tác và thậm chí không nhắc đến Trung Quốc. Thế giới đã có nhiều chuyển biến từ đó đến nay và NATO cũng thay đổi để thích nghi.

    Tại thượng đỉnh lần này, chúng ta đã tập hợp các liên minh để đối phó cùng lúc với những mối đe dọa trực tiếp mà nước Nga đang đặt ra cho châu Âu và những thách thức có hệ thống mà Trung Quốc đang đặt ra đối với trật tự thế giới được xây dựng trên nền tảng pháp luật”.

    -------

    Nga rút khỏi Đảo Rắn, đồng nghĩa Ukraine giành thắng lợi chiến lược

    30/06/2022 - Voa / Reuters
    Các lực lượng Nga thông báo hôm thứ Năm 30/6 rằng họ đã rời bỏ tiền đồn chiến lược ở Biển Đen là Đảo Rắn, động thái này đồng nghĩa là một chiến thắng lớn cho Ukraine, có thể nới lỏng vòng vây của Nga đang phong tỏa việc Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.

    Bộ Quốc phòng Nga mô tả quyết định rút khỏi khu vực này là một "cử chỉ thiện chí" cho thấy Moscow không cản trở các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm mở một hành lang nhân đạo cho phép vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.

    Nhưng Ukraine cho biết họ đã đánh đuổi lực lượng Nga sau một trận pháo kích và tấn công lớn trong đêm.

    "BÙM!", Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, viết trên Twitter. "Không còn quân Nga trên Đảo Rắn nữa. Lực lượng vũ trang của chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ", vẫn lời vị chánh văn phòng.

    Bộ chỉ huy quân sự miền nam của Ukraine đăng một bức ảnh lên Facebook chụp một hòn đảo, nhìn từ trên không, với 5 cột khói đen khổng lồ bốc lên và họ mô tả đó là kết quả của một cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh.

    "Bọn địch vội vã di tản, mang đi những gì còn lại của đồn bằng hai xuồng cao tốc và có lẽ đã rời khỏi đảo. Hiện tại, đảo Rắn đã bị lửa bao trùm, đang xảy ra các vụ nổ", dòng chú thích của bức ảnh cho hay.

    Reuters không thể kiểm chứng ngay về bức ảnh, cũng như về những lời thông báo tình hình chiến trường của hai bên.

    Đảo Rắn kiểm soát đoạn nối vào các tuyến đường biển đến Odesa, cảng biển chính của Ukraine, nơi mà hành động phong tỏa của Nga đã ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc từ một trong những nhà cung cấp chính trên thế giới, tạo ra cú sốc về nguồn cung lương thực trên toàn cầu và nguy cơ dẫn đến nạn đói.

    Nga đã chiếm được đảo vào ngày đầu tiên của cuộc chiến. Hôm đó, một người lính Ukraine ở đó khi bị Nga ra lệnh đầu hàng đã đáp lại qua bộ đàm rằng "Này tàu chiến Nga: hãy cút cmm đi".

    Sự việc này được lưu danh trên một con tem bưu chính Ukraine. Vào ngày con tem được phát hành, Ukraine đã đánh chìm chính tàu chiến đó của Nga, là soái hạm của Hạm đội Biển Đen.

    (Reuters)

    -------

    Biden gửi thêm vũ khí cho Ukraine, NATO chuẩn bị chiến tranh lâu dài

    01/07/2022 - Voa / Reuters
    Tổng thống Joe Biden ngày 30/6 loan báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 800 triệu đô la vũ khí và viện trợ quân sự cho Ukraine, ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai.

    Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh NATO mà qua đó liên minh đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, ông Biden khẳng định Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đoàn kết trong việc chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    “Tôi không biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào, nhưng sẽ không kết thúc với việc Nga đánh bại Ukraine”, ông Biden nhấn mạnh trong một cuộc họp báo. “Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào Nga.”

    Ông Biden có vẻ đang thúc giục đồng minh sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine dù hồi tháng 3 đã tuyên bố về khả năng chiến thắng. Ông nói thêm: “Chừng nào Ukraine còn cần, chúng tôi sẽ còn hỗ trợ họ.”

    Loan báo về khoản viện trợ vũ khí mới sẽ thêm vào con số hơn 6,1 tỷ đô la mà Hoa Kỳ đã công bố kể từ khi lực lượng Nga tràn vào Ukraine hôm 24 tháng 2 và khiến châu Âu có một cuộc chiến toàn diện.

    Các kế hoạch viện trợ mới, trong khi NATO định vị lại mình trên nền tảng Chiến tranh Lạnh với một lực lượng khổng lồ được xây dựng, được đưa ra khi phía Ukraine nhờ pháo Howitzer trợ cấp mà lấy lại tiền đồn chiến lược ở Đảo Rắn.

    Ông Biden trước đó đã cam kết bổ sung thêm quân, máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ cho châu Âu trong khi NATO đồng ý tăng cường các biện pháp răn đe, đặt hơn 300.000 binh sĩ trong tình trạng báo động cao từ giữa năm tới.

    “Hoa Kỳ đang làm đúng những gì tôi từng tuyên bố chúng tôi sẽ làm nếu Nga xâm lược: nâng cao vị thế của chúng tôi ở châu Âu”, ông Biden nói. “Hoa Kỳ đang tập hợp thế giới để sát cánh cùng với Ukraine.”

    Nga trả đũa?

    Thủ tướng Anh Boris Johnson loan báo London sẽ cung cấp thêm 1,22 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ sớm cung cấp thêm 6 khẩu pháo CAESAR.

    Sự đóng góp của Anh bao gồm các hệ thống phòng không và thiết bị chiến tranh điện tử mới, đưa mức viện trợ lên gần 2,8 tỷ đô la kể từ khi Moscow xâm lược, một khoản tài chính mà chính phủ Anh cho biết chỉ đứng sau viện trợ của Mỹ.

    Ông Johnson nói, ông Putin dường như chưa sẵn sàng rút lui hoặc đàm phán các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình.

    Trong một chuyển biến lớn nhất về an ninh châu Âu trong nhiều thập niên, Phần Lan và Thụy Điển sẽ ký nghị định thư gia nhập chính thức vào ngày 5/7 để gia nhập NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, mặc dù việc phê chuẩn của quốc hội 30 nước thành viên có thể mất một năm.

    Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói trong một cuộc họp báo vào cuối hội nghị rằng hai nước Bắc Âu này trước tiên phải giữ lời hứa đã thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vì nhờ có thoả thuận đó Thổ Nhĩ Kỳ mới thôi phủ quyết nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan, Thuỵ Điển.

    Erdogan nói Thụy Điển đã hứa dẫn độ 73 cá nhân mà ông mô tả là khủng bố.

    “Đầu tiên, Thụy Điển và Phần Lan nên thực hiện các nhiệm vụ của họ và những nhiệm vụ đó đã có trong văn bản ... Nhưng nếu họ không làm vậy, tất nhiên việc phê chuẩn sẽ không được gửi tới quốc hội của chúng tôi”, ông Erdogan nói.

    Ngày 29/6, ông Putin nói rằng Nga sẽ đáp trả tương tự nếu NATO triển khai quân đội hoặc cơ sở hạ tầng ở Phần Lan hoặc Thụy Điển.

    Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, kêu gọi phương Tây phải sẵn sàng, đặc biệt là trong điều kiện các cuộc tấn công có thể xảy ra vào các mạng máy tính của Phần Lan, Thụy Điển và NATO. “Tất nhiên, chúng ta phải dự kiến một số bất ngờ từ ông Putin, nhưng tôi không tin là ông ấy tấn công trực tiếp Thụy Điển hoặc Phần Lan”, bà nói.

    ‘Tả xung hữu đột’

    Trong khi hội nghị thượng đỉnh ba ngày bị chi phối bởi phản ứng của NATO đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nước chủ nhà Tây Ban Nha kêu gọi các đồng minh cân nhắc vai trò lớn hơn của liên minh ở Bắc Phi và Sahel.

    NATO được thành lập vào năm 1949 để chống lại Liên Xô.

    Các cường quốc phương Tây lo ngại về sự gia tăng bạo lực ở Mali, nơi quân đội cầm quyền của nước này, được hỗ trợ bởi tổ chức đánh thuê tư nhân của Nga Wagner Group, đang chiến đấu với một cuộc nổi dậy Hồi giáo tràn sang các nước láng giềng ở khu vực châu Phi được gọi là Sahel.

    Pháp, quốc gia có chính sách quân sự từ lâu tập trung vào phía nam của NATO, vào tháng 2 cho biết họ sẽ rút 2.400 quân, sau khi quan hệ với chính quyền quân nhân trở nên khó khăn.

    Theo sự thúc giục của Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ từ Ý, tài liệu mới 10 năm của NATO, “khái niệm chiến lược”, coi khủng bố và di cư là các yếu tố cần theo dõi, và chỉ ra sườn phía nam là nguồn bất ổn tiềm tàng mới.

    Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết khu vực này “là trung tâm của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.”

    Ông nói: “Nếu mối đe dọa là hiện hữu và rất cụ thể, chúng ta có thể thấy sự tăng cường triển khai quân sự ở biên giới phía nam như chúng ta đang thấy ở phía đông.”

    -------

    Bulgaria kêu gọi Nga rút lại tối hậu thư dọa đóng cửa sứ quán

    01/07/2022 - Voa / Reuters
    Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Bulgaria ngày 30/6 kêu gọi Nga rút lại tối hậu thư ngoại giao vốn được gửi ra sau khi Sofia trục xuất 70 nhân viên ngoại giao Nga, trong đó có lời đe dọa đóng cửa đại sứ quán Nga tại quốc gia Balkan này.

    Bulgaria, một thành viên EU và NATO, ngày 28/6 loan báo trục xuất 70 nhân viên ngoại giao Nga vì lo ngại gián điệp và đã đặt giới hạn về quy mô đại diện của Moscow khi căng thẳng giữa hai quốc gia một thời thân thiết rạn nứt vì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

    Động thái này, được Bộ Ngoại giao và Thủ tướng Kiril Petkov công bố, là vụ trục xuất lớn nhất của Sofia nhắm vào giới ngoại giao Nga trong những năm gần đây và con số bị trục xuất chiếm hơn phân nửa số lượng nhân viên ngoại giao Nga tại Bulgaria.

    Trong một công hàm ngoại giao mà Reuters nhìn thấy, tòa đại sứ Nga ngày 30/6 yêu cầu Sofia đảo ngược quyết định trục xuất trước giữa trưa ngày 1/7. Nếu không, tòa đại sứ Nga sẽ xin Moscow xem xét chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện ngoại giao thực tế của Nga ở Bulgaria.

    Đại sứ Nga Eleonora Mitrofanova gọi vụ trục xuất của Bulgaria là “bước đi thù địch chưa từng có”. Không liên lạc được với bà để yêu cầu bình luận.

    Ông Petkov kêu gọi Nga giữ cho các kênh ngoại giao giữa Moscow và Sofia được mở. Ông nói với việc trục xuất, Nga vẫn còn lại 43 nhân viên ngoại giao tại nước ông so với chỉ 12 nhân viên ngoại giao của Bulgaria ở Moscow.

    Thủ tướng Petkov nói: “Chúng tôi tin rằng sự cần thiết của đối thoại, mà kênh ngoại giao là chìa khóa.”

    “Vì lý do này, chúng tôi yêu cầu Tòa đại sứ Liên bang Nga rút lại công hàm đã gửi hôm nay. Vì lợi ích của quá khứ và vì lợi ích của tương lai, chúng ta phải có thể tiến hành các bước với sự tôn trọng lẫn nhau”, ông nói.

    Ông Petkov, người bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội vào tuần trước, có lập trường mạnh mẽ phản đối Nga xâm lược Ukraine dù Bulgaria có quan hệ chặt chẽ với Moscow trong thời kỳ cộng sản.

    Ông đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng của mình vì không gọi những gì đang diễn ra tại Ukraine là một cuộc chiến tranh. Nga nói hành động của họ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

    Thủ tướng Bulgaria cũng ủng hộ các chế tài của EU đối với Moscow và đồng ý để Bulgaria sửa chữa các khí tài quân sự bị hư hỏng của Ukraine.

    -------

    Nga - Ukraina trao đổi 144 tù binh

    30/06/2022 - Chi Phương / RFI
    Quan chức Ukraina thông báo đợt trao đổi tù binh lớn nhất với Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra. 144 lính Ukraina được trao trả ngày 29/06/2022. Lãnh đạo vùng Donetsk thuộc phe ly khai thân Nga xác nhận số lượng tương tự tù binh Nga nhận lại theo thoả thuận của hai bên.

    “Tôi muốn nói với người thân của tôi rằng tôi sẽ sớm trở về với họ. Nói thật là tôi rất xúc động. Đi xe đến đây thật không dễ dàng vì cần phải cố thêm lần nữa để trở về nhà, bởi vì trước đó, chúng tôi đã không làm được. Trong suốt quãng đường, tôi lo sợ rằng, liệu có thất bại nữa hay không, có trục trặc gì không và chúng tôi có phải quay trở lại tình trạng giam cầm hay không”, lính Ukraina, Artur Lipka, vừa được trao trả cho hay.

    Đa số tù binh Ukraina đều bị thương. Trong số họ, 95 binh lính từng chiến đấu ở Mariupol và nhà máy luyện kim Azovstal. Vào tháng Năm, khoảng 2500 binh lính tại thành phố cảng miền nam Ukraina đã ra hàng quân đội Nga, sau hàng tháng cố thủ trong các boongke dưới hầm nhà máy Azovstal. Kiev quan ngại về số phận của các binh lính này khi một số nhà lập pháp Nga kêu gọi kết án tử hình và đề xuất cấm trao đổi tù binh đối với binh lính thuộc trung đoàn Azov.

    Theo quan chức Ukraina, hàng trăm binh lính vẫn bị Nga bắt giữ và không rõ họ ở đâu.

    Về phía Nga, hôm 30/06, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nga Igor Konachenkov cho biết Nga đang giữ hơn 6000 tù binh Ukraina. Theo AFP, thông tin trên không thể kiểm chứng bởi nguồn tin độc lập.

    -------

    CH Séc làm chủ tịch luân phiên Liên Âu trong bối cảnh khó khăn do chiến tranh Ukraina

    01/07/2022 - Thùy Dương / RFI
    Hết ngày 30/06/2022, Pháp đã kết thúc nhiệm kỳ 6 tháng chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Chức chủ tịch luân phiên Liên Âu từ hôm nay 01/07/2022 chính thức do CH Séc đảm nhiệm đến cuối năm.

    Hôm nay, 01/07/2022, chính phủ CH Séc, thành viên Liên Âu từ năm 2004, đón phái đoàn ủy viên Liên Âu để thảo luận về nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên từ nay tới cuối năm 2022. Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Praha được dự báo không đơn giản bởi châu Âu đang trong "giai đoạn khó khăn" do chiến tranh Ukraina.

    Theo AFP, Praha đã hứa sẽ đặt viện trợ Ukraina làm trọng tâm trong 6 tháng làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, từ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng di dân, giúp Kiev tái thiết đất nước hiện giờ đang bị tàn phá bởi chiến tranh do Nga tiến hành, cho đến tìm giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng cho châu Âu.

    Trong Liên Âu, CH Séc là nước ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, đã tiếp nhận gần 400.000 người tị nạn Ukraina kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra hôm 24/02/2022. Praha cũng góp phần giúp đỡ Kiev cả về tài chính và quân sự.

    Thủ tướng cánh hữu Petr Fiala, mới đây cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, với sự tham gia của cả các nước Tây Balkan đang xin gia nhập Liên Âu. Thượng đỉnh này, với đề xuất về một kế hoạch tái thiết Ukraina, tương tự kế hoạch Marshall, sẽ chỉ được tổ chức nếu chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, theo AFP, giám đốc Đại học New York ở Praha, Jiri Pehe, coi dự án này là phi thực tế, bởi theo ông “xung đột sẽ khó chấm dứt trước khi nhiệm kỳ chủ tịch của CH Séc kết thúc”.


    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  8. #148
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Vụ oanh kích khu dân cư gần Odessa: TT Ukraina cáo buộc Nga ‘‘tấn công khủng bố có chủ đích’’

    02/07/2022 - Trọng Thành / RFI
    Quân đội Nga dường như gia tăng tấn công các mục tiêu dân sự tại Ukraina. Trong một phát biểu đêm hôm qua, 01/07/2022, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky đã lên án Nga ‘‘tấn công khủng bố có chủ đích’’ khi oanh kích vào một tòa chung cư và một trung tâm giải trí tại một thị trấn gần cảng Odessa.

    Theo thông báo mới nhất của chính quyền Ukraina, có 21 người thiệt mạng trong cuộc tấn công nhắm vào thị trấn Belgorod-Dniester. Trong số những người chết trong cuộc tấn công sáng hôm thứ Sáu có một cậu bé 12 tuổi, Zelensky cho biết thêm có khoảng 40 người đã bị thương, và số người chết có thể gia tăng. Tổng thống Ukraina nhấn mạnh : “đây là một hành động cố ý… chứ không phải là một sai lầm hay một cuộc oanh kích tên lửa bị lạc mục tiêu”. Ba tên lửa đã trúng vào một tòa nhà chung cư chín tầng bình thường, nơi “không cất giấu vũ khí, hay bất kỳ thiết bị quân sự nào”.

    Hội đồng thành phố Odessa hôm nay, thứ Bảy 02/07/2022, tuyên bố để tang sau vụ oanh kích hôm qua. Quốc kỳ tại các công sở trên toàn khu vực được treo rủ.

    Vẫn tại miền nam Ukraina, nhiều tiếng nổ lớn sáng sớm hôm nay tại thành phố Mykolaiv, thủ phủ tỉnh Mykolaiv, do Ukraina kiểm soát, theo thông báo của thị trưởng Oleksandr Senkevich trên mạng xã hội Telegram. Theo France 24, hiện tại khó xác định được nguồn gốc các vụ nổ này. Trước khi có các tiếng nổ, còi báo động không kích vang lên trên toàn khu vực.

    Quân đội Ukraine tối hôm qua cũng tố cáo Nga ném bom phốt pho vào Đảo Rắn. Tổng tư lệnh Quân đội Ukraina Valeriy Zaluzhniy cho biết trên Telegram: “Khoảng 6 giờ chiều, các lực lượng vũ trang Nga đã hai lần không kích bằng bom phốt pho trên Đảo Rắn”. Một ngày trước đó, quân đội Nga tuyên bố rút khỏi Đảo Rắn.

    Giao tranh tiếp tục dữ dội xung quanh Lyssytchansk

    Tại vùng miền đông Donbass, đài France Info cho hay giao tranh tiếp tục diễn ra xung quanh Lyssytchansk, thành phố lớn cuối cùng ở vùng Donbass chưa bị quân Nga kiểm soát. Hôm qua, trang mạng bộ Quốc Phòng Nga thông báo các lực lượng Nga “đã đến sát cửa ngõ Lysytchansk. Quân đội Ukraina đang chịu tổn thất nặng nề”. Thống đốc tỉnh Lugansk Serguiï Gaïdaï xác nhận quân Nga “đang cố gắng bao vây quân đội chúng tôi từ phía nam và phía tây. Lãnh đạo địa phương Ukraina cho biết tình hình “cực kỳ khó khăn”, các cuộc oanh tạc “dữ dội”, ngăn cản việc sơ tán dân thường.

    Phía bên kia sông, cách Lysytchansk vài cây số là thành phố Severodonetsk, hoàn toàn toàn nằm trong tay quân Nga và lực lượng ly khai thân Nga từ một tuần này. Khu vực nhà máy hoá chất Azot là điểm kháng cự cuối cùng. Thành phố gần như không còn ai mấy người ở lại.

    Thông tín viên Anissa el Jabri của RFI có mặt tại Severodonestk, đi cùng với lực lượng Tchetchenya của Nga, gửi về bài phóng sự:

    “Bằng một giọng điệu đầy tự tin, người dân này thông báo cho du khách về hướng đi để đến với thủ phủ Lugansk (hiện do quân đội Nga kiểm soát). Kể từ giờ thành phố này sẽ trở thành một bộ phận của nước cộng hòa tự phong do lực lượng ly khai thân Nga lãnh đạo.

    Một tuần kể từ khi thành phố đổi chủ, ở lối vào thành phố, các chữ in hoa lớn Severodonetsk vẫn được sơn màu xanh và vàng (màu quốc kỳ Ukraina), nhưng chúng được đóng khung bởi một lá cờ đỏ và một quốc kỳ Nga.

    Cư dân này chúng tôi gặp khi đang đạp xe trên đường phố. Nơi đây ta chủ yếu chỉ nghe thấy tiếng quạ kêu. Ông đã không đáp lại lời kêu gọi lặp đi lặp lại của thống đốc Ukrainan, sơ tán càng sớm càng tốt. Ông nói: “Vâng, tôi cũng thấy rất tiếc khi ở lại. Tôi biết một vài người đã chết. Họ đã bị trúng pháo”.

    Tuy nhiên, đối với người cựu công nhân của nhà máy Azot này đúng là đáng tiếc, nhưng ông đã quyết định chờ đợi các lực lượng Nga và thân Nga đến. Ông nói : “Tôi đã ở nhà và đó là sự lựa chọn của tôi. Từ lúc bắt đầu. Về cơ bản, tôi không bao giờ muốn thay đổi quyết định của mình và sau cùng thì chúng tôi vẫn sống sót. Mẹ tôi sống với tôi, tôi không còn phải lo sợ cho mẹ nữa. Bây giờ mọi thứ đều ổn cả. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn thôi. Tôi có những người quen (những người đã rời đi Ukraina) nhưng tôi không liên lạc với họ. Tôi cũng không giữ liên lạc ”.

    Người dân này chờ đợi những người lãnh đạo mới tái thiết thành phố, tạo việc làm tại một thành phố hoang vắng, nơi dân chúng hiện tại đang sống trong hầm hoặc trong lều”.

    -------

    Lầu Năm Góc: Mỹ đang gửi cho Ukraine hai hệ thống phi đạn đất đối không

    02/07/2022 - Voa / Reuters
    Mỹ đang gửi tới Ukraine hai hệ thống phi đạn đất đối không NASAMS, bốn radar phản pháo bổ sung và lên đến 150.000 viên đạn pháo 155mm như một phần trong gói vũ khí mới nhất cung cấp cho Ukraine, Lầu Năm Góc cho biết ngày thứ Sáu.

    Gói hỗ trợ, trị giá khoảng 820 triệu đôla, đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo rộng rãi vào ngày thứ Năm tại Madrid sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO tập trung bàn về việc Nga xâm lược Ukraine.

    "Người Ukraine tiếp tục đối mặt với sự tàn bạo hiển hiện một lần nữa trong tuần này qua vụ cuộc tấn công nhắm vào một trung tâm mua sắm đầy thường dân. Họ tiếp tục chiến đấu cho đất nước của họ, và Hoa Kỳ tiếp tục đứng về phía họ và chính nghĩa của họ," Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một phát biểu về gói hỗ trợ này.

    Các quan chức Ukraine cho biết một phi đạn Kh-22 do một máy bay ném bom Nga phóng đi đã bắn trúng một trung tâm mua sắm đông đúc ở thành phố miền trung Kremenchuk hôm thứ Hai, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng. Vụ tấn công đó đã khơi lên những lời lẽ lên án từ các nhà lãnh đạo Phương Tây và Giáo hoàng nhưng Nga bác bỏ tường thuật của Ukraine, nói rằng phi đạn tấn công một cửa hàng vũ khí do phương Tây cung cấp bên cạnh trung tâm thương mại, khiến nó bốc cháy.

    Lầu Năm Góc cung cấp thêm chi tiết vào ngày thứ Sáu khi họ chính thức hóa thông báo và cho biết đợt hỗ trợ an ninh mới nhất cũng bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS).

    Các hệ thống radar phản pháo đang được gửi đi là hệ thống AN/TPQ-37 của Raytheon-Technologies, một quan chức quốc phòng cao cấp nói với Reuters. Đây là lần đầu tiên các hệ thống này được gửi tới Ukraine, có tầm bắn hữu hiệu cao gấp ba lần các hệ thống AN/TPQ-36 đã gửi trước đó.

    Viện trợ mới của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh cho Ukraine trong lúc nước này chống chọi sức công phá nặng nề của pháo binh Nga. Chiến dịch tấn công bằng phi đạn tầm xa đã gia tăng cường độ của Nga nhắm vào các thành phố của Ukraine diễn ra khi lực lượng của họ giành được thành công trên chiến trường miền đông, với cuộc tấn công không ngừng nghỉ nhằm cố gắng buộc Kyiv phải nhượng hai tỉnh cho quân ly khai.

    Tính cả các đợt hỗ trợ mới nhất, Mỹ hiện đã cam kết khoảng 6,9 tỉ đôla kể từ khi lực lượng Nga tràn vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 và đưa chiến tranh toàn diện trở lại Châu Âu.

    -------

    Chiến tranh kéo dài : Nga hay Ukraina sẽ thắng ?

    02/07/2022 - Thụy My / RFI
    The Economist chạy tựa trang nhất « Làm thế nào thắng được cuộc chiến kéo dài ở Ukraina ». Sau khi chiến đấu rất tốt trong giai đoạn đầu, Kiev nay bị chiếm mất một số vùng đất. Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới ?

    Trong cuộc chiến hủy diệt tàn khốc, bên nào nhụt chí sẽ thua

    Ukraina đã chiến thắng trong một cuộc chiến ngắn. Cơ động và đầy nhiệt huyết, quân đội Ukraina đã gây cho quân Nga những thiệt hại khủng khiếp và làm thất bại kế hoạch chiếm thủ đô Kiev. Giờ đây trước mặt là một cuộc chiến dài lâu, sẽ tiêu hủy nhiều loại vũ khí, nhiều mạng người và tiền bạc, cho đến khi một bên không còn ý chí chiến đấu. Cho đến lúc này, đó là một cuộc chiến mà Nga đang thắng.

    Những ngày gần đây, quân Nga đã chiếm được thành phố Severodonetsk ở miền đông, có bước tiến ở Lysychansk và sắp tới có thể kiểm soát được toàn bộ tỉnh Luhansk. Nga cũng đe dọa Sloviansk, ở phía bắc tỉnh Donetsk láng giềng. Các nhà lãnh đạo Ukraina cho biết họ thiếu vũ khí, đạn dược, mỗi ngày có đến khoảng 200 quân nhân tử trận.

    May cho Ukraina, quân Nga tiến rất chậm và bị thiệt hại nhiều. Nếu có khí giới NATO và viện trợ tài chánh đầy đủ, Ukraina hoàn toàn có thể đẩy lui quân Nga. Cho dù những phần đất đã mất khó thể lấy lại, Kiev chứng tỏ được chiến dịch của Vladimir Putin là vô ích, và nổi lên như một Nhà nước dân chủ hướng về phương Tây. Nhưng để làm được điều đó, Ukraina cần được ủng hộ lâu dài, mà điều này thì không chắc chắn.

    Putin tìm kiếm chiến thắng, bất chấp máu xương

    Thoạt nhìn thì một cuộc chiến dài hơi có lợi cho Matxcơva. Đôi bên sử dụng một lượng đạn dược khổng lồ, nhưng Nga có dự trữ đạn dồi dào hơn, và kinh tế Nga mạnh hơn Ukraina nhiều. Để tìm chiến thắng, Nga sẵn sàng khủng bố, gây mất tinh thần cho người Ukraina bằng các tội ác chiến tranh, như vụ tấn công vào trung tâm thương mại ở Kremenchuk tuần này. Và Putin sẵn sàng gây đau thương cho chính người Nga, nếu cần.

    Tuy vậy chiến tranh kéo dài chưa hẳn diễn ra theo điều kiện của Putin. Ukraina có một lượng lớn quân nhân quyết tâm bảo vệ tổ quốc, và có thể được kỹ nghệ quốc phòng phương Tây hỗ trợ. Với vũ khí tầm xa và chính xác hơn, với các chiến thuật của NATO, Ukraina có khả năng tiêu diệt các sở chỉ huy và kho hậu cần của Nga. Hôm 30/06, Ukraina đã sử dụng vũ khí NATO để đuổi sạch quân Nga khỏi đảo Rắn, vị trí chiến lược ở Hắc Hải. Nếu Kiev giành lại được những lãnh thổ quan trọng như Kherson chẳng hạn, Nga sẽ phải trả giá đắt.

    Nếu Nga bắt đầu mất đất trên chiến trường, nội bộ ở Kremlin sẽ lục đục. Tình báo phương Tây cho rằng cấp dưới không báo cáo sự thật cho Putin, và ông chủ điện Kremlin có thói quen thay người chỉ huy, như tướng Alexander Dvornikov. Phương Tây cũng có thể gia tăng trừng phạt, gây thiệt hại lâu dài cho kinh tế Nga ; tách rời giới tinh hoa khỏi Vladimir Putin bằng cách đón nhận những người ly khai.

    Trong hội nghị thượng đỉnh hôm 23/06, Liên Hiệp Châu Âu đã chấp nhận tư cách ứng cử viên của Ukraina. Tuần này G7 đã khẳng định sẽ tăng cường trừng phạt, NATO nhìn nhận Nga là mối đe dọa lớn nhất, gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu.

    Để ngăn cuộc chiến sắp tới của Putin, cần thắng được cuộc chiến ở Ukraina

    Tuy vậy, Ukraina là một gánh nặng lớn lao. Kỹ nghệ quốc phòng phương Tây rất đáng gờm, nhưng khó sản xuất ngay số lượng vũ khí lớn, nhất là đạn dược. Chính phủ Kiev thâm thủng 5 tỉ đô la mỗi tháng và còn phải nghĩ đến tái thiết sau chiến tranh. Nạn lạm phát và các cuộc bầu cử ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của công chúng phương Tây.

    Cái giá mà thế giới phải trả cho một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ tăng lên. Putin phong tỏa các cảng khiến Ukraina không xuất khẩu được ngũ cốc, dầu hướng dương, gây rối loạn và nạn đói tại những nước nghèo phải nhập khẩu. Ông ta còn tạo ra nạn thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông sắp tới. Nếu sự đoàn kết tan vỡ do vấn đề năng lượng, nạn nhân chính là Ukraina. Phức tạp hơn, các thành viên NATO còn lo sợ nếu Ukraina chiếm thế thượng phong, Putin sẽ hành xử tệ hại, lôi kéo các nước vào một cuộc chiến thảm họa với Nga.

    The Economist dự báo Vladimir Putin sẽ cố chiếm đất của Ukraina càng nhiều càng tốt, tuyên bố chiến thắng và kêu gọi phương Tây áp đặt điều kiện lên Ukraina. Đổi lại, ông ta sẽ « giúp » thế giới tránh được đổ nát, đói rét và mối đe dọa hạt nhân. Nhưng theo tuần báo Anh, nếu chấp nhận thỏa thuận này sẽ là một tính toán vô cùng sai lầm. Ukraina sẽ bị Nga tấn công thường xuyên. Putin càng thành công ở Ukraina, ông ta sẽ càng hiếu chiến, sẽ tiến đánh với tất cả các loại vũ khí đang hiệu quả. Có nghĩa là gây tội ác chiến tranh, dùng nguyên tử để dọa nạt, bỏ đói thế giới và làm châu Âu run rẩy vì lạnh.

    Cách tốt nhất để ngăn chận cuộc chiến sắp tới là chiến thắng được cuộc chiến này. Các nhà lãnh đạo cần phải giải thích cho người dân, là chúng ta không chỉ bảo vệ một nguyên tắc trừu tượng ở Ukraina, mà chính an ninh của mình. Liên Hiệp Châu Âu cần củng cố lãnh vực năng lượng, Ukraina cần phải có thêm nhiều vũ khí. Nếu áp đặt cho Ukraina một nền hòa bình tồi tệ, mối đe dọa nguyên tử của Putin không dừng lại. Ông ta sẽ càng nguy hiểm hơn, nhất là nếu lực lượng quy ước thất thế. Ukraina và những người ủng hộ có được nhân lực, tiền bạc và phương tiện cần thiết để chiến thắng Putin. Nhưng phải chăng tất cả đều có được quyết tâm ?

    Phương Tây mỏi mệt vì chiến tranh Ukraina : Hy vọng của Kremlin

    Trong sổ tay hàng tuần trên Le Point, nhà văn Bernard-Henri Lévy cảnh báo tâm lý mệt mỏi trước cuộc chiến tranh Ukraina. Ông nhắc lại câu nói của tổng thống Pháp Poincaré hồi năm 1917, khi được hỏi quân đội Pháp liệu có chống chọi được hay không, « Quân đội sẽ trụ vững nếu hậu phương vững vàng ». Tương tự, quân đội Ukraina bây giờ cũng vậy.

    Trên chiến địa, những chiến sĩ Ukraina tỏ ra anh dũng một cách đáng kinh ngạc, đẩy lùi được quân Nga ở Kiev, Borodyanka, Mykolaiv và chuẩn bị phản công ở Donbass. Lính Nga thì mất tinh thần, xe tăng thiếu phụ tùng, tử trận rất nhiều khiến Putin phải trả giá đắt cho các chiến thắng. Ngược lại, vấn đề nằm ở hậu phương. Chính xác hơn, là « hậu phương của hậu phương », tức khối các nước đồng minh cung cấp vũ khí, vì người dân trong xã hội Ukraina có tinh thần kháng chiến không thua các chiến binh.

    Dư luận phương Tây có tiếp tục ủng hộ lâu dài, chấp nhận để các nhà lãnh đạo viện trợ vũ khí cho Ukraina chiến đấu ? Sự phẫn nộ trước cuộc xâm lăng của Nga lẽ nào chỉ là ngọn lửa rơm, tên của những vùng đất Ukraina bị phá hủy tiếp tục là một điệu valse buồn. Đó chính là hy vọng của Putin. Trong ngôi nhà nghỉ, ông ta lạnh lùng chờ đợi công luận quen dần với những đau thương của các chiến binh, người già, trẻ em trong cuộc chiến.

    Cũng như những « pitbull » của mình là Lavrov và Medvedev, Putin nghĩ rằng sẽ đến một ngày những tiếng kêu phẫn nộ ở Paris, Roma, Washington và cả Luân Đôn sẽ chìm vào im lặng. Ngày đó những cái nhìn sẽ lảng đi khi ông ta vung gươm vào Zelensky. Đó sẽ là dấu hiệu cho hồi kết của những giá trị châu Âu, từ Teheran đến Bắc Kinh đều thích thú đứng nhìn. Tác giả cho rằng hơn bao giờ hết, cần phải ủng hộ nhân dân Ukraina cho đến cùng.

    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  9. #149
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Vùng Donbass Ukraina: Phe thân Nga thông báo đã bao vây được Lyssytchansk

    03/07/2022 - Thanh Hà / RFI
    Sau Severodonetsk, phải chăng Ukraina sắp mất thêm Lyssytchansk ? Các trận giao tranh khốc liệt diễn ra tại thành phố lớn cuối cùng ở Lugansk quân Nga chưa chiếm được. Sáng Chủ Nhật 03/07/2022 những thông tin về tình hình liên quan đến thành phố Lyssytchansk trái ngược nhau.

    Lực lượng thân Nga được hãng thông tấn TASS trích dẫn khẳng định « đã làm chủ được tình hình », Lyssytchansk đã bị « hoàn toàn bị bao vây ». Ngược lại, phát ngôn viên của lực lượng quân sự Ukraina, Rouslan Muzytchuk ghi nhận « chiến sự đang diễn ra khốc liệt nhưng may thay thành phố này chưa bị bao vây và vẫn do quân đội Ukraina kiểm soát ». Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 02/07/2022 nhìn nhận Lyssytchansk đang là « tâm chấn » của mọi cuộc giao tranh.

    Lyssytchansk với hơn 100.000 dân cư thời bình, là một trong những thành phố lớn của tỉnh Lugansk, vùng Donbass, miền đông Ukraina. Severondonestk ở bên kia con sông Donets, đối diện với Lyssytchansk, đã thất thủ hồi tuần trước.

    Chiếm được cả Severodonetsk và Lyssytchansk mở đường cho quân Nga tiến thẳng đến hai vị trí then chốt khác là Slovianski và Kramatorsk tại Donbass.

    Các đợt oanh kích của quân Nga xuống vùng Donbass càng lúc càng dồn dập. Trên mặt trận ở Gorkovska trong vùng này, quân nhân Ukraina cận kề với tử thần hàng ngày. Phóng sự của đặc phái viên RFI Anissa El Jabri thực hiện tại một khu vực do lực lượng thân Nga kiểm soát ở Donbass :

    « Mắt, mũi đều cay xè. Một mùi khét bốc lên từ những đống gỗ còn đang rực lửa, đường đất bị đào xới lên. Đây là điểm cuối của cuộc hành trình. Không thể tiến nhanh thêm được nữa dưới không khí nóng bức ngột ngạt. Một ngày hôm trước, đường hầm này đã bị dội bom trong khoảng 30 phút, và giờ đây khói vẫn còn nghi ngút.

    Tại một hầm trú ẩn dưới lòng đất, có vài cái giường, vài người lính ngồi trước một màn hình tivi nhỏ xíu, 10 cm x 5cm. Họ theo dõi bản tin thời sự của đài truyền hình nhà nước. Một người lính xuất hiện trước cửa vào. Người này bình luận : ‘quân Ukraina vẫn trong tư thế như ngày hôm qua, rồi họ lại chạy đi nơi khác. Họ thường xuyên đổi địa điểm đóng quân. Tivi cho thấy họ đang đứng ngay phía trước mặt chúng tôi. Họ thách thức chúng tôi, rồi còn huy động cả drone nữa’.

    Từ 8 năm nay, đôi bên theo dõi sát lẫn nhau, có khi xẩy ra các vụ chạm súng. Từ bốn tháng nay, phe thân Nga và lính Ukraina giao tranh từng ngày, huy động nào là drone, đại bác, đạn pháo …

    Một người lính thứ nhì, tay cầm một vật gì đó màu xanh kaki cỡ khoảng độ một chục centimet. Anh nói ‘đây là một mẩu đạn súng cối của Ba Lan, cỡ 60 ly. Loại vũ khí này dễ di chuyển, dễ sử dụng, còn đạn bắn ra khó phát hiện vì âm thanh rất nhỏ và mảnh đạn rơi đi tứ tung. Đây là một thứ vũ khí rất nguy hiểm’.

    Những tuyến giao thông hào ở ngay trong một vùng đồng bằng. Xung quanh là rừng. Xa xa là ruộng thẳng cánh cò bay. Đây là một khu vực ngay giữa lòng chiến tranh, nhưng cứ như thể không có chuyện gì xảy ra, những chiếc xe tải vẫn chở đầy những bó cỏ xanh để giành để nuôi gia súc vào mùa mùa đông này ».

    -------

    Chiến tranh Ukraina: Minsk tố cáo Kiev bắn tên lửa sang Belarus

    03/07/2022 - Thanh Hà / RFI
    Tổng thống Alexandre Loukachenko hôm 02/07/2022 khẳng định quân đội bắn chặn tên lửa của Ukraina bắn sang lãnh thổ Belarus. Minsk đe dọa “trả đũa”.

    Tổng thống Loukachenko xác định “cách nay khoảng 3 ngày, có thể là hơn, từ Ukraina người ta đã tìm cách nhắm vào các mục tiêu quân sự của Belarus. May thay hệ thống phòng thủ Pantsir của Belarus đã bắn chặn được tên lửa của quân đội Ukraina”. Tổng thống Belarus nhắc lại “không can thiệp” vào Ukraina, nhưng sẽ “đáp trả ngay tức khắc” nếu bị tấn công.

    Alexandre Loukachenko được AFP trích dẫn đã tỏ ra mơ hồ về thời điểm quân đội đã bắn chặn hỏa tiễn của Ukraina được cho là nhắm vào lãnh thổ Belarus.

    Tuyên bố này được đưa ra một tuần lễ sau khi tổng thống Belarus hội kiến tổng thống Nga Vladimir Putin tại Saint Petersbourg. Theo giới quan sát, Minsk có thể viện cớ bị khiêu khích để tiếp tay với Matxcơva can thiệp vào Ukraina.

    AFP nhắc lại quân đội Nga xuất phát từ lãnh thổ Belarus khi khởi động chiến dịch chiếm thủ đô Kiev, nhưng kế hoạch bất thành và phải dừng lại vào cuối tháng 3/2022. Matxcơva là điểm tựa của chế độ Loukachenko cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị. Tuần trước tổng thống Vladimir Putin thông báo chuẩn bị đưa tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sang lãnh thổ Belarus.



    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

  10. #150
    Join Date
    Jan 2008
    Posts
    11,642
    Thanks
    9,572
    Thanked 6,993 Times in 3,953 Posts

    Default Re: Nga xâm lược Ukraina


    Chiến Tranh Ukraina

    Miền đông Ukraina: TT Nga lệnh cho quân đội tiếp tục chiến dịch sau khi chiếm Lysychansk

    05/07/2022 - Trọng Thành /RFI
    Một ngày sau khi chiếm được thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Luhansk, hôm qua, 04/07/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiếp tục chiến dịch tấn công tại miền đông Ukraina.

    Trong buổi làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Sergueï Choïgou, được AFP trích dẫn, tổng thống Nga đã ra lệnh cho quân đội tiếp tục ‘‘hoàn thành nhiệm vụ’’, với việc thực thi ‘‘các kế hoạch đã định’’. Cũng về tuyên bố của tổng thống Nga hôm qua, theo hãng tin Mỹ AP, tuy ông Putin ra lệnh tiếp tục chiến dịch, nhưng cũng thừa nhận sau chiến thắng tại Severodonetsk và Lysychansk, các lực lượng tại Donbass ‘‘cần nghỉ ngơi, và tăng cường khả năng chiến đấu’’.

    Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institut of War), có trụ sở tại Washington, quân Nga ‘‘cần một khoảng thời gian quan trọng để nghỉ ngơi và tái trang bị trước khi tiếp tục các hoạt động tấn công quy mô lớn’’, nhưng hiện tại ‘‘không rõ là quân đội Nga có chấp nhận rủi ro khi tạm dừng hoạt động đủ lâu để cho phép các lực lượng bị kiệt quệ này lấy lại sức chiến đấu hay không’’. Theo nhà phân tích quân sự Ukraina, ông Oleh Zhdanov, được AP trích dẫn, nhiều đơn vị Nga đã thiệt hại đến một nửa quân số sau chiến dịch vừa qua.

    Đa số các đợt tấn công tại Donetsk bị đẩy lui

    Trên thực địa, trong buổi tối hôm qua 04/07, quân đội Ukraina ghi nhận quân Nga đã tiến hành nhiều đợt tấn công tại vùng Kharkiv (đông bắc) và ở tỉnh Donetsk ở miền đông, nhưng đều bị đẩy lui. Tuy nhiên, ‘‘quân thù đã thành công một phần trong cuộc tấn công nhắm vào ngôi làng Mazanivka (gần thành phố Sloviansk)’’.

    Hai thành phố Sloviansk, cách Lysychansk hơn 70 km, cùng với Kramatorsk, thuộc tỉnh Donetsk, là đích ngắm tiếp theo của quân đội Nga. Sloviansk là mục tiêu pháo kích của quân Nga. Theo AFP, sáng hôm qua, phố phường thành phố này gần như không có người đi lại. Thống đốc tỉnh Donetsk, Pavlo Kirilenko, cho biết các cuộc oanh kích của Nga hôm Chủ nhật khiến 10 người, trong đó có hai trẻ em, thiệt mạng tại thành phố Sloviansk và một số khu vực lân cận.

    Bổ nhiệm một cựu sĩ quan an ninh FSB đứng đầu vùng Kherson Nga chiếm đóng

    Nhân vật số hai của vùng Kaliningrad (tây bắc nước Nga) được bổ nhiệm làm ‘‘người đứng đầu chính phủ vùng Kherson’’, theo cơ quan quân quản Nga tại tỉnh miền nam Ukraina. Việc bổ nhiệm có hiệu lực hôm nay, 05/07. Ông Sergueï Elisseïev, 51 tuổi, tốt nghiệp Học viện An ninh Nga FSB, đã từng phục vụ trong ngành an ninh, theo trang mạng của chính quyền tỉnh Kaliningrad.

    Kể từ khi chiếm được Kherson, chính quyền Matxcơva đã theo đuổi chính sách Nga hóa khu vực này, với việc đưa vào sử dụng đồng rúp, cấp hộ chiếu Nga, một ngân hàng đầu tiên của Nga được mở vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các lực lượng Ukraina phản công trở lại tỉnh Kherson, và đã giành lại được nhiều đất từ tay quân Nga.

    -------

    Trọng tâm hội nghị Lugano: tái thiết và chống tham nhũng tại Ukraina

    05/07/2022 - Thụy My / RFI
    Sự kiện Luhansk thất thủ không ngăn trở chính phủ Ukraina chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, đó là chủ đề của hội nghị quốc tế ở Lugano (Thụy Sĩ) khai mạc hôm qua 04/07/2022. Thủ tướng Ukraina ước tính cần ít nhất 750 tỉ đô la để tái thiết đất nước. Nhưng nếu việc Nga xâm lăng Ukraina đã tạo nên làn sóng tương trợ chưa từng thấy ở phương Tây, vấn đề quản lý tài chính nhanh chóng được đặt ra trong bối cảnh nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

    Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :

    122/180, đó là vị trí không mấy vinh dự của Ukraina trong bảng xếp hạng các quốc gia tham nhũng nhất của Minh bạch Quốc tế. Theo tổ chức phi chính phủ này, 1/4 người Ukraina phải chi hối lộ cho công chức trong 12 tháng qua.

    Theo nhà nghiên cứu Juhanni Grossman của Viện Quản trị Bâle, dù có những nỗ lực thực sự của Kiev để dẹp tan hiện tượng này, vẫn không thể tránh được hoàn toàn nguy cơ viện trợ quốc tế bị biển thủ một phần. Ông nói : « Cần khẩn cấp củng cố các tổ chức chống tham nhũng để có thể tiếp nhận những món tiền lớn như vậy. Các định chế Ukraina hiện nay chưa chuẩn bị cho việc nhận những khoản viện trợ quan trọng ».

    Tuy bị xếp hạng thấp, nhưng Ukraina vẫn là một trong những nước tiến bộ nhiều nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là từ sau cuộc cách mạng năm 2014. Một cuộc chiến đấu cũng mang tính sống còn như việc chống lại quân Nga. Ông Grossman khẳng định : «Nạn tham nhũng đang tác hại tại Ukraina và các nước trong khu vực phần lớn là di sản của Liên Xô. Tham nhũng, biển thủ được Nga dùng để chống lại Ukraina. Như vậy nếu không chống tham nhũng thì cũng không thể chống lại điện Kremlin ».

    Về phía các nhà tài phiệt Ukraina mà tổng thống Volodymyr Zelensky cố gắng chống lại sau khi đắc cử, có một nghịch lý là họ lại được ưu ái kể từ khi Nga xâm lăng. Một số lớn tài phiệt đã quyết định dùng tài sản của mình để phục vụ cho nỗ lực chiến tranh của bộ máy Nhà nước.

    Reuters cho biết Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ thành lập một cơ chế phụ trách phối hợp các nỗ lực tái thiết thời hậu chiến, gồm các Nhà nước, định chế, lãnh vực tư nhân, xã hội dân sự, cùng với Ngân hàng Tái thiết Phát triển Châu Âu (BERD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI). Cơ quan này sẽ xác định các nhu cầu đầu tư, phối hợp hành động và tập hợp các món tài trợ cần thiết.

    Thủ tướng Ukraina Denys Chmyhal có mặt tại hội nghị và tổng thống Volodymyr Zelensky tham gia qua video đều nhấn mạnh cần ít nhất 750 tỉ đô la để xây dựng lại đất nước Ukraina bị nhấn chìm trong lửa máu sau khi quân Nga tràn sang từ bốn tháng qua. Theo ông Chmyhal, cần tịch biên những tài sản của Nga đang bị đóng băng, ước tính từ 300 đến 500 tỉ đô la.

    Thủ tướng Ukraina cũng giới thiệu kế hoạch tái thiết gồm ba giai đoạn. Trước hết là khẩn cấp hỗ trợ cư dân bị ảnh hưởng, sau đó tài trợ hàng ngàn dự án tái thiết, và về lâu về dài, là chuẩn bị cho một Ukraina hòa nhập với châu Âu, sinh thái và kỹ thuật số.

    -------

    Chiến tranh Ukraina: Belarus sẽ tham chiến bên cạnh Nga?

    04/07/2022 - Anh Vũ / RFI
    Lệ thuộc hoàn toàn vào Nga từ chính trị đến kinh tế, chính quyền của tổng thống Alexandre Loukachenko đã sẵn sàng dành một phần lãnh thổ Belarus làm hậu cứ để tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông tại Ukraina. Từ nhiều ngày qua, trong bối cảnh cuộc chiến tại vùng miền đông Ukraina diễn ra khốc liệt, đã có nhiều động thái cho thấy Minsk có thể sẽ còn đi xa hơn trong việc giúp Kremlin đạt được mục tiêu ở Ukraina.

    Không có gì ngạc nhiên về sự ủng hộ không lay chuyển của Alexandre Loukachenko đối với Vladimir Putin ngay từ đầu cuộc tấn công Ukraina. Ông Loukachenko vẫn mang món nợ lớn với chủ nhân điện Kremlin. Lên cầm quyền từ năm 1994, nhưng sau cuộc bầu cử tổng thống bị cho là gian lận hồi tháng 8/2020, ông Loukachenko bị phong trào dân chúng nổi dậy đòi lật đổ.

    Đúng thời điểm đó, Kremlin đã ném chiếc phao cứu sinh, giúp Loukachenko giữ được sinh mệnh chính trị và quyền lực. Matxcơva còn hứa sẵn sàng đưa quân đội vào nếu cần thiết. Chính quyền độc tài Minsk đã thoát hiểm nhưng suy yếu, sự tồn tại dựa hoàn toàn vào điện Kremlin.

    Trên tuần báo Pháp L’Express, chuyên gia về nước Nga hậu Xô Viết Galia Ackerman nhận định: “Ông Alexandre Loukachenko biết rõ là nhân dân không còn muốn ông lãnh đạo nữa, sự tồn tại chính trị của ông giờ nằm trong tay Vladimir Putin”.

    Sau 4 tháng, Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh không hề đơn giản. Các nguồn lực huy động cho cuộc chiến tranh tại Ukraina bị hao tổn đáng kể, để đạt được mục tiêu đề ra, khả năng Matxcơva kéo Minsk vào cuộc chiến cùng với Nga giờ đang là một giả thuyết rất nghiêm túc được giới chuyên gia đặt ra.

    Vài giờ trước cuộc gặp giữa ông Loukachenko và Putin tại Saint Petersbourg hôm 25/06 vừa rồi, hàng loạt tên lửa Nga từ đất Belarus đã oanh kích căn cứ quân sự Desna ở miền bắc Ukraina. Cùng ngày tổng thống Nga thông báo “trong những tháng tới “ sẽ giao cho Belarus loại tên lửa Iskander-M, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Viễn cảnh Belarus được trang bị vũ khí hạt nhân giờ hoàn toàn có thể, vì Hiến Pháp mới mà chính quyền Minsk cho thông qua hôm 27/02 năm nay bằng trưng cầu dân ý giả tạo, đã xóa bỏ điều khoản Belarus thuộc “vùng phi hạt nhân”. Tuy nhiên việc Nga có trang bị vũ khí hạt nhân cho Belarus hay không là chuyện lâu dài và khác. Không dễ gì Matxcơva để một chính quyền chưa thể tin cậy được, hoàn toàn lại kiểm soát thứ vũ khí chiến lược này.

    Những ngày gần đây khi chiến sự ở miền đông đang bước vào giai đoạn quyết định với Nga, xuất hiện thêm nhiều động thái cho thấy tổng thống Loukachenko quyết tâm kề vai sát cánh với Putin trong cuộc xâm lược Ukraina. Trong diễn văn nhân ngày kỷ niệm Liên Xô giải phóng Minsk trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ II, ông Loukachenko khẳng định lại: Belarus “đang và sẽ tiếp tục ủng hộ toàn diện Nga” trong cuộc chiến tranh với Ukraina và rằng Nga và Belarus trên “ thực tế là một quân đội thống nhất “.

    Tổng thống Ukraina Zelensky cho biết những tuyên bố của lãnh đạo Belarus là một “tín hiệu nguy hiểm”, cần chú ý theo dõi sát hành động của Minsk. Một số quan chức Ukraina đã nêu khả năng Belarus sắp tới có thể trực tiếp can dự vào cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên một quan chức của tình báo Ukraina tuần trước đã nhận định rằng nguy cơ Belarus trực tiếp đưa quân vào Ukraina là thấp.

    Theo chuyên gia Franak Viacorka, cố vấn của lãnh đạo đối lập Belarus, Svetlana Tsikhanovskaïa, đang lưu vong, được Le Monde trích dẫn , “gây áp lực để buộc Loukachenko đưa quân vào Ukraina là trò bịp. Quân đội Belarus ít kinh nghiệm cũng như động cơ chiến đấu. Cung cấp hạ tầng cơ sở cho hậu cần phục vụ chiến tranh hiệu quả hơn là đưa vài nghìn binh sĩ rệu rã vào chỗ chết”.

    Theo giới quan sát, bản thân ông Loukachenko và chính quyền Minsk không thực sự quyết tâm tham chiến bên cạnh Nga còn vì lý do nội bộ. Một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp của Belarus có nguy cơ làm dấy lên làn sóng nổi dậy của dân chúng chống lại tổng thống.

    Hiện đang phải dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraina, liệu Matxcơva có còn bận tâm đến việc giữ chính quyền cho Loukachenko?

    Vẫn nằm trong vòng kiểm soát của Kremlin nhưng ông Loukachenko cố gắng không đi quá xa để rồi không có đường lùi.



    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=247&type=sigpic&dateline=1327508112

Page 15 of 19 FirstFirst ... 5678910111213141516171819 LastLast

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •