Welcome to Một Góc Phố - Chúc các Bạn mọi chuyện vui vẻ & như ý ...
Page 1 of 3 123 LastLast
Results 1 to 10 of 30

Thread: Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

  1. #1
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    SONG THÂN THÁNH NỮ TÊRÊXA THÀNH LISIEUX

    ĐÔI BẠN CHÂN PHƯỚC LOUIS VÀ ZÉLIE MARTIN

    Song thân thánh nữ Têrêxa thành Lisieux
    (Bài của linh mục James Geoghegan, O.C.D.)

    (Theo thông tấn Zenith 13-7-2008, Tòa Thánh đã quyết định tổ chức lễ phong chân phước cho song thân chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu ngày 19-10-2008 tại Lisieux. Để mừng lễ chị thánh và chào đón ngày phong chân phước cho song thân chị, xin gửi đến quý vị và anh chị em bài viết của cha James Geoghegan, OCD, và bản tin vừa nói. Lm Trăng Thập Tự).

    Cùng anh chị em Cát Minh giữa đời,

    Tôi đã phác thảo mấy đề tài liên quan đến chị thánh Têrêxa để giúp anh chị em suy nghĩ về nếp sống giữa đời theo linh hạnh Cát Minh. Thế nhưng cha Bonaventura, chủ nhiệm khóa hội thảo, lại xin tôi nói về song thân chị thánh Têrêxa. Quả là một ý tưởng hết sức khôn ngoan, bởi lẽ như thế anh chị em có được mẫu gương sống động của hai con người vừa gắn liền với Dòng Cát Minh vừa có cuộc sống hoàn toàn trần thế giống hệt anh chị em.

    Đôi khi chúng ta dễ hình dung người cha của chị thánh Têrêxa như một kẻ mơ mộng, một ông già chẳng có việc gì làm ngoài chuyện đọc sách, câu cá và viếng các nhà thờ, nhà nguyện. Chúng ta quên rằng ông từng là một người kinh doanh thành công và mãi gần sáu mươi tuổi mới về hưu. Khi chị thánh Têrêxa vào Dòng, ông đã 65 tuổi.

    Chúng ta cũng thường nghĩ về người mẹ của chị thánh tương tự như thế. Chúng ta chỉ biết về bà qua Chuyện Một Tâm Hồn với vài kỷ niệm chị thánh có được hồi thơ ấu.

    Với bài này, tôi mong nêu lên được lai lịch của hai vị và phát hiện những đìều ta có thể biết được về họ, với tư cách riêng của họ chứ không chỉ như song thân của chị thánh Têrêxa.

    Một gốc gác nhà binh

    Một trong những khía cạnh quan trọng nhất nơi lai lịch của ông Louis và bà Zélie Martin là cả hai đều xuất thân từ gia đình binh sĩ. Nội tổ của ông Louis, ông Jean Nicholas Boureau, đã từng theo đại quân của Napoléon tham chiến tại Mascơva; một năm sau ông đã bị bắt trong chiến dịch Silesian. Cậu con trai mười hai tuổi rưỡi của ông cũng bị ở tù với ông. Cậu thiếu niên này, chết trong tù, là cậu của oâng Louis. Cả hai gia đình đều chia sẻ cả những vinh quang và những thất bại của Napoléon. Họ gợi lại những ngày khải hoàn và giúp lưu truyền huyền thoại về những ngày huy hoàng rực rỡ. Chả thế mà sau này ông Louis vẫn thích gọi cô gái út của ông là “con bé mồ côi Berezina” và “Hoàng hậu xứ Pháp và xứ Navarre”.

    Cái truyền thống nhà binh ấy kéo theo một truyền thống tiêu biểu của người Normand là trung thành với đức tin. Một câu chuyện còn truyền tụng trong gia đình kể về một người cậu của bà Zélie, cha William Marin-Guérin, một linh mục thời Cách mạng Pháp. Đảng Jacobins lùng giết ngài và gia đình giúp ngài ẩn trốn. Một hôm ngài đang mang Minh Thánh Chúa thì mấy tay ác ôn bắt gặp ngài. Ngài rút Minh Thánh Chúa từ túi áo ra đặt lên một tảng đá và nói: “Chúa Giêsu ơi, bây giờ thì xin Chúa tự liệu lấy, và để cho con lo phần con”. Rồi ngài xắn tay lên hạ gục bọn côn đồ, xô chúng xuống một cái ao. Cái di sản của gia đình Martin là thế: Trung thành với quê hương và với đức tin: Một đức tin mạnh mẽ, giản dị nhưng chẳng khác nào vàng đã thử lửa.

    Năm 1823, thân phụ ông Louis mang quân hàm đại úy, phục vụ trong Sư đoàn 19 bộ binh, đóng ở Bordeaux. Do ở Tây Ban Nha bất ổn, ông được phái xuống đó làm chiến dịch, để lại người vợ ở nhà đang mang thai. Trong lúc ông vắng nhà, cậu bé Louis đã chào đời. Rời Tây Ban Nha về, ông lại phải thuyên chuyển về Avignon rồi Strasbourg, đem cả gia đình đi theo. Cậu bé sống ở đó tới khoảng bảy tuổi. Một trong những điều khiến cậu ngây ngất là chiếc đồng hồ thời danh của Nhà thờ Chánh tòa trong thị trấn. Chiếc đồng hồ này là một trong những kiệt tác của ngành thủ công châu Âu. Nhờ theo đoàn quân di chuyển đó đây, Louis có năng khiếu thám hiểm và một nhãn quan rộng rãi. Được nhìn thấy thiên nhiên hùng vĩ khắp nơi và được lớn lên trong thời Lãng mạn Pháp, cậu còn phát triển nhiều về lòng yêu thiên nhiên.

    Ơn gọi

    Thế rồi thân phụ của Louis giải ngũ, quay về vùng Normandie, định cư tại thị trấn Alençon. Ở đó, Louis đi học cho đến năm hai mươi tuổi thì quyết theo nghề làm đông hồ. Anh quay lại Strasbourg để học nghề. Trong thời gian học ở đây, anh đã hành hương kính viếng Đan viện Thánh Bênađô. Có một tình tiết lý thú là anh đã hái một bông hoa trắng đem về làm kỷ niệm. Sau khi Louis qua đời, người ta còn tìm thấy bông hoa này giữa đám đồ dùng của anh. Louis học nghề đồng hồ rất chăm chỉ. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu cảm thấy như mình được gọi làm linh mục. Một lần nữa, anh lên đường, leo núi Alpes hành hương Đan viện Thánh Bênađô. Anh tìm tới đó vì anh vốn rất có đức mến, rất yêu thích thiên nhiên và là một tâm hồn thực sự chiêm niệm. Đức mến, thiên nhiên và chiêm niệm tóm kết ý nghĩa cảnh nhà tĩnh tâm của những đan sĩ dòng Thánh Âu Tinh ở đó. Năm ấy anh được 23 tuổi.

    Đối với chúng ta, quả là lãng mạn, suýt nữa anh đã lên đường để sống tại vùng Hồ Tahoe. Vùng này của núi Alpes cao cách mặt biển 1800m, mùa đông nhiệt độ trung bình xuống đến 20 độ dưới không. Nhiều đan sĩ chỉ sống ở đó được vài năm rồi phải xuống những vùng ấm hơn để tránh đau ốm. Trước kia, thi sĩ Dante cũng từng xin vào đan viện này, bây giờ đến lượt Louis. Thế nhưng Louis chưa biết tiếng Latin. Đức viện phụ bảo anh: “Xin lỗi, bạn phải về học tiếng Latin trước đã!”

    Louis thất vọng, quay về Alençon học tiếng Latinh. Anh là một người tỉ mỉ, thu chi cái gì đều ghi vào một quyển sổ. Trong đó ta thấy ghi tiền mua sách, tiền học phí hằng tuần. Rồi thình lình ta đọc thấy: “Tiền bán quyển từ điển Pháp-Latin của tôi”. Thế là anh đã bỏ cuộc. Dù lý do nào đi nữa, anh đã thấy mình không có ơn gọi làm linh mục.

    Thợ đồng hồ tại Alençon

    Anh đã ổn định cuộc sống trong sự an phận với đời độc thân và tiếp tục việc học nghề làm đồng hồ. Anh về Paris hai hoặc ba năm hơn để nâng cao tay nghề.

    Nếu đã có lúc ta hình dung Louis về già như một kẻ lười lĩnh, thích nhàn nhã, thì ta nên nhớ lại rằng ông đã miệt mài suốt năm năm trời để trau giồi một công việc rất khó khăn đòi phải tập trung cao độ và thao tác tỉ mỉ. Tại Paris ông đã trở thành một thợ chính trong nghề làm đồng hồ. Ông về lại Alençon, mua một ngôi nhà, lập một tiệm làm đồng hồ và sửa đồng hồ. Công việc thành công nên về sau ông mở thêm một tiệm kim hoàn. Ông thích đọc sách, bơi lội, cầu nguyện, chơi bi-da, câu cá và thả bộ trên đồng quê. Ông mua một thửa đất có ngôi nhà nhỏ để có thể làm việc và giải trí dễ hơn. Tại đây ông tự tạo cho mình không gian riêng cho đời độc thân, để sống một cuộc sống lý tưởng, tĩnh lặng và an bình.

    Thế nhưng mẹ ông lại có ý tưởng khác. Trong một lớp học làm đăng ten, bà Martin gặp một thiếu nữ tên là Zélie Guérin. Bà đã sắp xếp cho con trai bà gặp Zélie. Họ gặp nhau và rồi đã làm lễ cưới vào nửa đêm 13 tháng Bảy 1858, tại Nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn.

    Zélie

    Thân phụ cô Zélie sau khi phục vụ mấy chiến dịch trong quân đội đã giải ngũ quay về Normandie. Ông làm thợ thủ công đóng đồ gỗ mỹ thuật, còn vợ ông mở một quán cà phê nhỏ. Chẳng may quán cà phê thất bại. Họ đưa gia đình về Alençon để hai cô con gái có thể theo học trường Công Giáo do các nữ tu dòng Thánh Tâm quản trị.

    Zélie khá nổi bật. Thi làm luận tiếng Pháp mười một lần, cô chiếm giải nhất đến mười lần. Cô có một đức tin sâu xa. Hình như cô có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc và khó hòa hợp với mẹ. Về sau, trong thư viết cho người em trai là Isidore, Zélie có nói: “mẹ thật khắt khe với chị nhưng lại cưng chiều em”. Cô hay tranh cãi với em nhưng lại thương em thật sâu xa. Về sau ta thấy cô cố gắng chăm sóc em tận tình như một người mẹ. Khi em lên Paris học, Zélie đã bắt em hứa mỗi ngày phải đến nhà thờ Đức Bà Chiến Thắng đọc một kinh Kính Mừng. Cô bảo em: “Đức Mẹ đã chẳng bao giờ để chị phải thất vọng. Chẳng bao giờ chúng ta phải trông cậy vào Ngài cách uổng công”. Khi Isidore ra trường, cô bảo em rằng cô vui mừng biết bao khi thấy em về, và mặc dầu hai chị em vẫn tiếp tục cãi nhau, cô rất thích được có em ở bên cạnh.

    Cô thợ làm đăng ten

    Alençon là một trung tâm làm đăng ten ở Pháp. Zélie đã thành một chuyên gia xuất sắc trong công việc đòi phải chính xác tận từng tiểu tiết này. Cô quy tụ một nhóm phụ nữ. Cô vẽ mẫu và mua chỉ, sợi. Mỗi Thứ Năm, chị em trong nhóm đến nhà cô, cô chia công việc cho từng người để họ đưa về nhà làm. Ngày Thứ Năm tiếp đó, họ đưa các mẩu thành phẩm đến cho Zélie. Cô kết các mẩu lại, nối những sợi bị đứt, rồi lại chia việc mới cho họ làm trong tuần tiếp đó. Cô rất thành công trong việc làm ăn này. Cô dùng tầng trệt của nhà cô ở đường Sainte Blaise làm văn phòng và phòng làm việc. Ý thức mình không có ơn gọi đi tu, cô quyết định sẽ lập gia đình. Chính trong bối cảnh đó, cô đã gặp anh chàng độc thân Louis Martin. Khi họ lấy nhau, nàng 27 tuổi còn chàng 35.

    Có một điều lý thú là khi lấy chồng, cô Zélie chẳng có ý tưởng gì về điều người hay gọi là “chuyện đời”. Đến hôm cưới mới biết những chuyện ấy, cô chạy đến với người chị (lúc này đã là nữ tu Marie-Dosithée thuộc Dòng Đức Mẹ Đi Viếng ở Le Mans) khóc lóc bày tỏ nỗi lòng với chị. Trong một lá thư về sau, Zélie viết: “Tôi không bao giờ hối tiếc vì đã lập gia đình.” Louis là một kẻ lý tưởng, hơn nữa còn có thể nói là một người lãng mạn. Chàng đã thuyết phục nàng rằng họ có thể chung sống với nhau hoàn toàn chỉ như anh em thôi. Thế nhưng sau mười tháng, họ hiểu rằng đó không phải thật là điều Thiên Chúa muốn, nhất là khi Zélie rất muốn có con cái. Thế nên qua năm sau Marie đã ra đời, rồi những năm tiếp đó là Pauline, rồi Léonie.

    Công việc làm đăng ten của bà Zélie phát triển đến nỗi ông Louis bán luôn cửa hiệu làm đồng hồ và tiệm kim hoàn cho người cháu để về lo điều hành công việc và bán hàng cho vợ. Họ dời về ở tại ngôi nhà trên đường Sainte Blaise mà bà Zélie đang dùng làm văn phòng. Ông Louis đi khắp nơi để nhận đơn đặt hàng cho thương hiệu Point d'Alençon. Ông cũng vẽ mẫu cho hàng đăng ten, như một nghệ nhân thành thạo. Ông thường vắng nhà để lo công việc. Đọc lại các thư của bà Zélie, ta thấy nhan nhản: "Ba đang đi vắng". Khi chị thánh Têrêxa chào đời ông cũng đang vắng nhà.

    Cả hai vợ chồng đều làm việc cật lực và có lương tâm. Họ rất nhạy cảm về trách nhiệm xã hội và quan tâm đến người nghèo cách thiết thực. Ông Louis nhấn mạnh rằng khi thợ đăng ten làm xong phần việc của họ thì phải trả tiền cho họ ngay, và ông quan tâm chăm sóc họ, nhất là khi họ đau ốm. Trong năm đầu sau ngày cưới, Zélie và Louis chăm lo cho một cậu bé mất mẹ. Cậu bé là một trong đám mười một anh chị em và nhà Martin đón tiếp cậu như là con ruột của họ. Bất cứ ai cần đến đều được họ giúp đỡ. Cả hai đều làm việc rất chuyên cần, chuyên cần đến độ Louis phải lo ngại cho sức khỏe của Zélie. Từ Paris, ông viết cho bà: “Này, anh đã từng bảo em cần nghỉ ngơi. Em đang làm việc quá sức, đang tự khiến mình bị mệt mỏi. Chúng ta cứ làm việc chuyên cần là đủ, mọi sự khác Chúa sẽ lo. Chúng ta sẽ tạo một doanh nghiệp nho nhỏ và phát đạt nhưng đừng vì thế mà em tự giết chết em.”

    Chỗ khác, ông viết: “Này em yêu dấu nhất đời anh, anh nhắc lại, em đừng có âu lo quá đáng. Có Chúa giúp, rồi ta sẽ tạo được một doanh nghiệp nho nhỏ thật tốt.”

    “Trong khi chờ niềm vui được gặp lại em, anh ôm hôn em với tất cả lòng anh. Anh mong rằng cả Marie và Pauline đều thật mạnh giỏi.”

    “Chồng em và là người bạn chân tình yêu em mãi mãi”, vv..

    Theo một nghĩa nào đó, chàng siêu thoát hơn nàng. Zélie là một phụ nữ hết sức năng động, có bao nhiêu năng lực đều tập trung hết vào những việc đang làm. Bà vừa điều hành một doanh nghiệp vừa gầy dựng một gia đình lớn. Mẹ chồng qua đời, bà đưa bố chồng về nhà chăm sóc. Bù bận rộn, bà luôn trung thành với việc cầu nguyện và dự lễ mỗi ngày cũng như việc giúp con cái cầu nguyện. Những thư từ bà để lại cho thấy bà quan tâm tới mọi thực tế của cuộc sống và của thế giới quanh bà, đồng thời làm cho thế giới ấy thấm đầy tinh thần đức tin. Đọc lại những lá thư bà viết cho người chị ở Le Mans, hoặc cho Isidore ở Paris, hoặc cho hai cô con gái lớn đi học xa nhà, ta sẽ thấy. Hiện chúng ta còn giữ được của bà hơn 200 lá thư.

    Hạnh phúc trong hôn nhân

    Những thư ấy kể lại đủ chuyện ngớ ngẩn của mấy đứa con bà. Chẳng hạn, “Pauline nó bảo Marie rằng bõ đỡ đầu của em đẹp trai hơn bõ của chị, vì bõ của em có tóc, bõ của chị sói nhẵn.” Hoặc trong một thư kể về Têrêxa: “Nó tíu tít nói đớt từ sáng tới chiều. Nó hát cho cả nhà nghe những bài hát nhỏ, nhưng phải quen lắm mới hiểu nó muốn nói gì” “Nó đọc kinh như một thiên thần”. Thư từ của bà kể đủ những chuyện vặt hằng ngày, đọc vào ta có ngay cái ấn tượng bà là một người mẹ hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Các thư của bà cũng nhắc nhiều đến những chuyện đau ốm của đám trẻ, hầu hết là những bệnh thông thường của trẻ con. Ta có thể đọc thấy ở đó là bà rất lo lắng về những chuyện ấy. Bà có một phán đoán lạ thường và khách quan về con cái: “Têrêxa là đứa sáng dạ nhất mà cũng lì lợm nhất, nhưng má nghĩ rồi nó sẽ tốt. Nó có thiện chí, và không muốn làm buồn lòng ai. Céline thì vui vẻ hơn nhiều, vâng lời và tử tế hơn nhiều.”

    Qua các thư của bà Zélie ta biết được một tiểu tiết trong cuộc chiến Pháp-Phổ. Năm 1870 quân Phổ xâm chiếm nước Pháp. Họ trú quân trong nhà dân ở Alençon. Đó quả là một sự sỉ nhục khủng khiếp đối với con cháu của những người lính Napoléon. Trong một lá thư, bà Zélie viết: "Bọn Phổ phá hết trật tự của nhà tôi chỉ trong một nháy mắt. Cả thị trấn thành tiêu điều. Ngoại trừ nhà chúng tôi, còn thì ai cũng khóc.” Vào lúc đó đã xảy ra một chuyện làm lộ rõ cá tính của ông Louis. Có chín người lính trú trong nhà. Một trong bọn họ ăn trộm của ông một cái đồng hồ. Ông Louis bắt gặp, nắm ngay gáy tống cổ ra ngoài. Hôm sau ông viết đơn khiếu nại đem nộp. Thế nhưng rồi hôm sau nữa ông nghe nói có lệnh bắn bỏ những kẻ cướp bóc và rằng có một người lính Đức sắp bị đem bắn. Lập tức, ông Louis quay tìm viên chỉ huy xin rút lại đơn khiếu nại, và xin đừng bắn kẻ đã ăn cắp chiếc đồng hồ. Dường như sự kiện đủ cho thấy tính tình ông vốn bén nhạy, có thể bùng phát thành nóng giận, có thể do những thôi thúc bất ngờ mà đi tới chỗ hành động quyết liệt. Về sau các con ông không hiểu nhờ đâu ông đã học được cách kiềm chế tính nóng nảy hấp tấp. Cái tính chất hiếu hòa điềm đạm mà về sau ta thấy được nơi ông hẳn ông đã phải đấu tranh biết bao trong tâm hồn mình mới có được.

    Những thánh giá trong gia đình

    Cái tai họa do sự chiếm đóng của quân Đức không phải là nỗi buồn duy nhất trong cuộc sống gia đình. Ngay trong nội bộ gia đình, thánh giá đã đổ xuống dồn dập. Năm 1865 thân phụ ông Louis qua đời. Bà Zélie viết: “Tôi chẳng bao giờ tin được làm sao cái chết của cụ lại ảnh hưởng trên tôi đến thế. Tôi tiều tụy đi”. Rồi đến lượt cha ruột của bà chết năm 1868. Vào thời điểm ấy bà viết: “Tôi hy vọng, đúng hơn, tôi tin chắc rằng ba tôi đã được Thiên Chúa nhân lành đón nhận. Tôi chỉ mong sao khi chết tôi cũng được như ba. Tôi đã xin nhiều lễ cầu nguyện cho ba và chúng tôi sẽ xin thêm nhiều nữa. Mộ của ba nằm gần mộ hai bé Joseph của tôi”. Câu chót trong đoạn thư nói về hai đứa con trai của bà, Joseph, chết năm 1867 khi mới được một tuổi, và Joseph-Jean-Baptiste, cũng mới một tuổi đã chết, năm 1868. Năm 1870 cô con gái nhỏ của bà là Hélène, chết khi mới được năm tuổi rưỡi. Cũng năm 1870 bà còn mất bé Mélanie mới chưa được hai tháng. Trong năm năm, bà Zélie phải ra nghĩa trang sáu lần. Qua những biến cố đau thương dồn dập ấy, ta thấy bà đầy lòng yêu thương, hết sức đau khổ mà cũng thấm nhuần tinh thần dũng cảm của đức tin.

    Nói về cái chết của các con, bà viết: “Khi tôi vuốt mắt những đứa con yêu dấu của tôi và lo chôn cất chúng, quả tình tôi bấn loạn trong đau thương, nhưng tạ ơn Thiên Chúa, tôi vẫn luôn sẵn sàng đón nhận ý Ngài. Tôi không hối tiếc gì về những đau đớn và hy sinh tôi đã phải chịu vì chúng.” Thậm chí bà còn viết bà “không hiểu nổi tại sao có những người lại bảo nếu tôi không phải chịu tất cả những nông nỗi ấy thì tốt hơn”. Và bà thêm: “Bây giờ các cháu đang vui hưởng thiên đàng. Hơn nữa, tôi đâu có mất chúng mãi. Cuộc đời vắn vỏi, và chẳng bao lâu tôi sẽ gặp lại những đứa con bé bỏng của tôi trên thiên đàng."

    Têrêxa chào đời

    Khi Têrêxa chào đời năm 1873, bà Zélie biết đó là đứa con cuối cùng bà có thể có được. Vừa sinh ra, Têrêxa đã hết sức ốm yếu. Sau bao lần quá quen với chết chóc, bà Zélie cứ sợ rằng Têrêxa khó sống nổi. Sau ba đứa con đầu, bà Zélie không còn thể cho con bú và phải tìm vú em cho con bú. Bà mô tả cơn bệnh của Têrêxa như sau:

    “Nếu không quá khuya thì đêm ấy tôi đã ra đi tìm một người vú em. Đêm ấy mới dài làm sao! Têrêxa chẳng có được một chút dưỡng chất tối thiểu nào, và, suốt đêm ấy, tất cả những dấu hiệu đã từng đi trước những cái chết mấy thiên thần nhỏ kia của tôi đều lộ rõ. Tôi hết sức buồn vì chẳng giúp được chút gì cho đứa con út này trong cái phận yếu ớt mỏng manh của nó”.

    Vừa hừng sáng, bà vội đi ngay, và trên đường bà gặp hai người đàn ông trông có vẻ thô bạo tiến về phía bà ngay ở một khúc đường vắng. Bà tự nhủ: “Mình đã mang sẵn nỗi phiền muộn đến chết trong lòng thế này, thì họ có giết mình đi nữa cũng chẳng sao!” Cuối cùng, bà đã tới được làng Semallè và nhờ chị Rose Taillè đến giúp Têrêxa. Rose đã từng lo bú mớm cho mấy đứa nhỏ khác của nhà Martin. Bà nhờ chị Rose đến Alençon và ở lại đó giúp. Thế nhưng chị Rose cũng đang phải nuôi con thơ, không thể đi được. Cả hai người mẹ đều phải lo cho những đứa bé họ đã sinh ra trên đời. sau cùng, chị Rose đồng ý đi ẵm Têrêxa về Semallè chăm sóc. Về đến Alençon, chị Rose nhìn thấy Têrêxa thì thốt lên: "Muộn quá rồi!" Bà Zélie chạy vội lên lầu đến trước tượng Thánh Giuse xin Thánh Cả thương giúp đứa bé. Khi bà xuống lại thì Têrêxa đang bú say sưa.

    Ở trang trại, Têrêxa lớn lên mạnh khỏe. Bà Zélie được yên lòng yên trí, “biết rằng đứa bé của tôi đang yên lành và được chăm sóc kỹ lưỡng”. Ta thấy là bà Zélie không thể cho Têrêxa bú. Hồi còn con gái, bà bị té gục xuống bàn và bị chấn thương ngực. Tới năm 1865 trong một lá thư gửi cho em trai, bà cho biết là thấy đau. Thế nhưng bà đã chẳng chữa chạy gì, có lẽ vì hy vọng rồi sớm muộn cũng khỏi. Về sau nó biến chứng thành bướu trong ngực, đau đớn, không thể cho con bú được. Cuối cùng, đau quá, bà mới hiểu ra mình bị ung thư thì đã quá muộn. Các bác sĩ bảo đã đến giai đoạn chót. Bà Zélie đưa Marie, Pauline và Léonie đi Lộ Đức hành hương, cuộc hành trình chỉ gây thêm mỏi mệt và đau đớn. Mấy cô gái thất vọng thấy Đức Mẹ không chịu chữa cho mẹ họ, thế nhưng bà Zélie bảo: “Đức Mẹ đã bảo mẹ như bảo Bernadette: ‘Ta sẽ làm cho con được hạnh phúc, chẳng phải ở đời này nhưng ở đời sau!” Nếu nhớ rằng lúc ấy Bernadette còn sống, ta sẽ thấy quả quyết này đáng cảm kích biết bao!

    Cái chết của bà Zélie

    Trong thủ bản, chị thánh Têrêxa viết một trang thật đẹp và tinh tế mô tả thân mẫu của chị trên giường chết: “Những nghi thức Xức Dầu Cuối Cùng in sâu vào trí tưởng tượng của con. Con còn nhớ rõ chỗ con quỳ bên cạnh Céline. Cả năm chị em chúng con đều có mặt, theo thứ tự lớn nhỏ, cả bố dấu yêu khốn khổ cũng quỳ đó, nức nở”. Trong bút ký viết về thân phụ, chị Céline ghi nhận chị chỉ thấy bố khóc hai lần, lần ấy là một. Bà Zélie qua đời ngày 28 tháng Tám, 1877, mới 46 tuổi, sau 19 năm sống đời hôn nhân. Con gái út của bà, Têrêxa, mới hơn bốn tuổi.

    Ông Louis hết sức lo lắng cho đám con gái mồ côi mẹ. Để các con có được ảnh hưởng tốt của một người phụ nữ, ông dời nhà về Lisieux, nơi ông Isidore cùng với vợ là Céline sống với hai người con gái là Jeanne và Marie. Trong khi lưu lại ít lâu ở Alençon để thanh lý ít đồ đạc, ông viết cho các con, đã dọn về Lisieux trước: "Các con nên biết ba phải mất mát nhiều khi ra đi, nhưng ba phải đi vì các con… Cậu mợ bảo làm gì, các con hãy làm theo. Hãy học nơi cậu mợ!" Vì con cái, ông phải rời bỏ Alençon, nơi ông có nhiều bạn hữu, nơi mẹ ông vẫn còn sống ở đó, và là nơi có mộ của người vợ thân yêu. Ra đi, ông phải bỏ lại biết bao bạn bè thân thuộc. Ông vốn là một người ưa giao thiệp, lại là thành viên của các câu lạc bộ xã hội Công Giáo và các câu lạc bộ dân ca và dân vũ. Ông thích ăn mặc theo phong tục Brittany, hát những bài ca và múa những điệu vũ miền này. Ông thích hát với cái giọng trầm ấm của ông. Thật nát lòng khi phải rời Alençon, nhưng ông đã nhất quyết ra đi chỉ vì lợi ích của con cai. Góa vợ năm 54 tuổi, ông mua nhà đất và đầu tư vào một vài việc an toàn rồi về Lisieux dưỡng già.

    Tại Lisieux ông có nhiều giờ rảnh rỗi. Ông đọc nhiều sách: lịch sử, thơ ca và sách thiêng liêng. Ông thả bộ trên đồng quê và đưa con cái đi câu. Chị thánh Têrêxa có mô tả những buổi dã ngoại này, khi chị được ngồi nghe bản nhạc của những người lính diễu hành ở đàng xa. Ông cũng bỏ ít giờ chăm sóc khu vườn, tiếp tục làm đồng hồ như một cái thú riêng, vui vẻ ngồi chế tạo đồ dùng cho con cái, và tìm sinh lợi trong vài việc làm ăn nho nhỏ. Trên hết, ông cầu nguyện nhiều, viếng các nhà thờ và nhà nguyện ở Lisieux. Đôi khi ông đưa cả nhà đi nghỉ mát ở bãi biển Deauville và Trouville, cũng có lần ông đưa Têrêxa và Céline đi dự Hội Chợ Đấu Xảo ở Le Havre.

    Pauline và Marie vào Dòng Cát Minh

    Việc Pauline và Marie nhập Dòng Cát Minh là một hy sinh lớn lao. Ông vẫn canh cánh nỗi âu lo của một người cha, phải nuôi dạy năm cô con gái thiếu vắng sự giúp đỡ của một người mẹ. Sức khỏe của “hữ hòang bé nhỏ”, Têrêxa, cũng chẳng phải là chuyện nhỏ. Năm 1883, khi Têrêxa được chữa lành cách nhiệm lạ, ông viết cho một người bạn ở Brittany: “Têrêxa, nữ hòang bé bỏng của tôi – tôi vẫn quen gọi cháu bằng tên gọi ấy – là một thiếu nữ dễ mến. Tôi bảo đảm với anh như thế. Bây giờ cháu đã hoàn toàn bình phục rồi. Bao nhiêu kinh nguyện đã được gió bão cuốn lên trời, và Thiên Chúa, hết sức tốt lành, đã thương nhượng bộ."

    Chúng ta có được vài lá thư của ông Louis gửi cho con cái. Như bao nhiêu đàn ông khác, ông ít khi chịu viết thư. Vợ ông đã viết thư thay ông. Chúng ta còn giữ được nhiều thư của bà nhưng của ông thì chẳng mấy lá. Trong các thư của ông Louis, ta tìm thấy một số kiểu nói ẩn chứa tình âu yếm. “May mắn là ba đã xong mọi việc và đang háo hức về với các con. Bây giờ tạm chào đã. Nhắn hộ ông bà Guérin ngàn lời chúc tốt lành và gửi đến năm đứa chúng con một ôm hôn rõ chặt đấy.”

    Có lần ông theo một linh mục đi thăm Constantinople, Athens và Rôma, và trên chuyến đi này ông viết thư về nhà. Ông kết thúc các thư với những kiểu nói: "Hôn các con của ba một ngàn cái. Người cha lúc nào cũng thương các con", hoặc “Người luôn thương các con và luôn mang các con trong tim”, hoặc "Ba ôm hôn các con với tất cả cõi lòng." Ông còn có chuyến hành hương thời danh sang Rôma với Têrêxa và một vài cuộc hành hương ngắn ngày khác, nhưng hầu hết thời giờ ông sống ở nhà với con cái.

    Năm 1887, ông Louis bị đột quỵ nhẹ trên đường đi lễ. Chị Céline cho rằng nguyên nhân là do ông bị con gì chích sau tai trong một lần đi câu. Ông bị sưng nhưng chẳng quan tâm cho đến khi nó sưng tấy và đau nhiều. Mãi lúc ấy ông mới đi bác sĩ. Céline nhớ đã thấy ông bước lên bước xuống trong vườn, đưa hai tay lên đầu gọi con cái: “Cầu nguyện cho ba, cầu nguyện cho ba!” Ít lâu sau lần đột quỵ, ông đang ngồi trong vườn, sau khi đi đọc kinh chiều ở Nhà thờ Chánh Tòa về. Têrêxa đi ra. Thấy têrêxa, ông đứng dậy. Hai cha con đi lên đi xuống rồi ông ôm lấy Têrêxa, siết chặt con vào lòng. Thấy Têrêxa khóc, ông hỏi: “Cưng có chuyện gì không ổn vậy?” Lúc ấy Têrêxa mới xin ông cho phép nhập Dòng Cát Minh Lisieux. Ông bảo con gái rằng cô còn bé quá, mới 14 tuổi! Têrêxa thuyết phục ông và ông bảo nếu quả đó là điều Chúa muốn thì ông sẽ cho phép và sẽ chúc lành. Ông ngắt một bông trắng nhỏ trên tường trao cho Têrêxa. Bông hoa ấy sẽ thành biểu tượng cho cuộc đời của chị.

    .. . . Và rồi Têrêxa

    Ông Louis đã thành chỗ dựa, giúp Têrêxa đạt được sự đồng thuận của người cậu là ông Isidore, của Đức Giám Mục và cả của Đức Giáo Hoàng. Từ Rôma về, sau khi nhận được phép lành của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong một nghi thức đầy cảm động, ông bắt đầu chuẩn bị cho Têrêxa lên đường. Chị rời biệt thự Les Buissonnets và cha già ngày 9 tháng Tư, 1888. Đêm ấy, một người bạn nói với ông Louis: “Anh còn ngon hơn cả Abraham nữa đấy!” Ông đáp: “Vâng, nếu tôi ở vào trường hợp Abraham, tôi cũng hiến dâng như vậy, nhưng đồng thời tôi phải cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Tôi đã đưa con dao lên thật là khủng khiếp, chậm một cách khủng khiếp và xin Chúa sớm gởi cho tôi cả thiên thần và con cừu mắc sừng trong bụi gai.” Hôm sau ông viết cho một người bạn là ông Breton: “Hôm qua, Têrêxa, nữ hòang bé bỏng của tôi, đã vào Dòng Cát Minh. Chỉ có Thiên Chúa mới đòi phải hy sinh đến thế nhưng Ngài cũng đã giúp tôi hết sức để dù dàn dụa nước mắt lòng tôi vẫn tràn ngập niềm vui. (Ký tên) Một người rất yêu thương anh, Louis Martin.”

    Ông Louis lâm bệnh lần cuối

    Từ sau ngày Têrêxa vào Dòng, ông bắt đầu bị đột quỵ nhiều hơn. Ông bắt đầu mất trí. Ông ra khỏi nhà, đi lang thang và lạc mất, ba bốn ngày sau người ta mới tìm thấy ở Le Havre hoặc một chỗ nào khác. Ông không còn thể nào đến Dòng Cát Minh để thăm Marie, Pauline và Têrêxa. Vì ông không thể vào thăm các con, Pauline đã xin một vị linh mục có đang công việc phải giúp nhà Dòng, chụp cho Têrêxa hai tấm ảnh mặc tu phục Dòng Cát Minh. Đó là hai tấm ảnh thật đẹp của cô tập sinh Têrêxa đứng dưới chân thập giá. Một trong hai tấm, Têrêxa mặc áo choàng trắng. Sau lưng mấy tấm ảnh này, Pauline viết: “Xin đừng để ai thấy kẻo dân chúng lại xì xèo nữ tu mà còn chụp hình!” Vì việc ông Louis đi lạc ngày càng thường xảy ra, Léonie và Céline không còn thể nào chăm sóc ông. Tháng Hai 1889, họ phải đưa ông gửi vào dưỡng trí viện ở Caen. Đây cũng là năm mà ông Van Gogh vào nhà thương điên ở San Remy. Những họa phẩm của Van Gogh vào thời này giúp chúng ta cảm nhận phần nào khung cảnh thiên nhiên của dưỡng đường nơi ông Louis đã ở. Khi ông tới đó, người y tá bảo ông: “Ở đây ông có thể làm một việc tông đồ tuyệt vời.” Ông đáp: “Tôi biết, nhưng tôi thích làm việc ấy ở bất cứ đâu khác. Vâng, cả đời tôi lúc nào tôi cũng điều khiển và ra lệnh, cho nên có lẽ Thiên Chúa đang thanh tẩy tôi – bắt tôi tập tuân lệnh để tôi bớt tự hào và hống hách." Suốt ba năm, mỗi tuần Léonie và Céline đáp xe lửa đi Caen để thăm thân phụ một lần. Sau ba năm, ông bị đột quỵ trầm trọng và bị bại liệt. Vì ông không còn thể đi lạc nữa, họ đã có thể đưa ông về nhà ở Lisieux. Thoạt đầu họ ở chung với gia đình Guérins. Về sau họ thuê một ngôi nhà gần đó. Thỉnh thoảng, họ về nghỉ tại “La Musse”, ngôi nhà đẹp ở miền quê mà gia đình Guérins được thừa kế. Vào những lúc tỉnh táo, ông Louis xin con cái cầu nguyện cho ông. Suốt thời gian chịu đau khổ, ông luôn kiên nhẫn, đặt hết tin cậy phó thác nơi Thiên Chúa. Ngày 29 tháng Bảy, 1894, sau một cơn nhồi máu cơ tim, ông chết bình an tại biệt thự La Musse. Ông được an táng tại Lisieux.

    Đức tin và sự tín thác

    Chúng ta đã thấy câu chuyện cuộc đời và hoàn cảnh sống của ông bà Louis và Zélie Martin. Chúng ta đã thấy những khổ đau, vui mừng cũng như đức tin và niềm tín thác của họ nơi Thiên Chúa. Có lần bà Zélie viết: "Tôi vẫn luôn đặt hết sự tín thác nơi Thiên Chúa tốt lành và phó hết mọi công việc của tôi cho tay Ngài chăm sóc, cho nên khi tôi nghĩ đến những gì Thiên Chúa tốt lành ấy đã làm cho tôi và cho chồng tôi, tôi không thể nghi ngờ chút nào rằng Sự Quan Phòng của Ngài luôn đoái nhìn các con cái Ngài với một sự chăm sóc đặc biệt.” Mặc dù ông Louis có tinh thần chiêm niệm hơn, suy tư hơn, nên thơ hơn và có chiều sâu hơn bà Zélie, lá thư này của bà dường như có thể tóm tắt cái cốt lõi nơi đời sống tâm linh của cả hai người. Đôi bạn chân phước này có nhiều điểm rất gần với anh chị em ngày nay. Con đường tâm linh của họ đặt nền móng trên thánh ý và tinh yêu của Thiên Chúa mà họ vẫn khám phá ra trong cuộc sống hằng ngày. Họ tìm gặp sự thánh thiện ngay giữa cuộc đời trần thế. Liệu anh chị em có thể dấn thân vào trần thế hơn kẻ điều hành một doanh nghiệp đăng ten và một tiệm kim hoàn? Nơi tình yêu họ dành cho nhau, nơi nâng cao cuộc sống một gia đình lớn với tất cả những âu lo và trách nhiệm đi kèm, và trong tình yêu họ dành cho Thiên Chúa, lộ rõ khi họ được tôi luyện trong lò đau khổ, trong mối bận tâm lo cho người nghèo – trong tất cả những điều ấy họ đáng là mẫu mực cho bất cứ người nam và người nữ nào đang sống đời hôn nhân hôm nay. Họ cũng đang nói với chúng ta, một cách vừa cương nghị vừa âu yếm, về một số trong những vấn đề đáng buồn nhất mà cũng nổi cộm nhất hôm nay: cái bi kịch của một người mẹ trẻ chết vì ung thư và để lại một gia đình lớn; cảnh não lòng khi một người thân phải vào dưỡng trí viện; rồi việc chăm sóc cho những người thân tật bệnh hay già cả. Câu chuyện của đôi bạn Louis và Zélie Martin đang nói nhiều với chúng ta ngày nay vì họ đang dạy chúng ta biết phải tìm thấy tình yêu Thiên Chúa cách nào và ở đâu, và làm sao để đáp lại tình yêu ấy bằng tình yêu của riêng ta.

    Thật thích hợp khi hài cốt của ông bà Louis và Zélie được cải táng và chôn cạnh nhau gần hậu tẩm Vương cung Thánh đường Lisieux, mang tên người con của họ là chị thánh Têrêxa. Trên mộ hai vị, ta thấy ghi những lời của chị thánh: “Thiên Chúa đã cho tôi một người mẹ và một người cha xứng với thiên đàng hơn là với trần gian.” Cũng thật thích hợp khi, vào năm 1956, trong dịp mừng Kim khánh khấn dòng của nữ tu Céline, Đức Giám Mục chủ lễ thông báo: “Tôi có một tin mừng cho Chị. Tôi xin thông báo là hồ sơ phong chân phước cho song thân của Chị đã được tiến hành”.

    (Bản tin)

    Ông bà Louis và Zélie Martin sẽ được phong chân phước tại Lisieux ngày 19 tháng Mười, 2008

    RÔMA, Chúa Nhật 13 tháng Bảy 2008 (ZENIT.org) – Ông bà Louis và Zélie Martin sẽ được phong chân phước tại Lisieux ngày 19 tháng Mười 2008, trong ngày thế giới Truyền Giáo: Tin này đã được Đức Hồng y José Saraiva Martins, chủ tịch Thánh Bộ Phong Thánh chính thức thông báo tại Alençon, hôm Thứ Bảy 12 tháng Bảy.

    Song thân chị thánh Têrêxa đã làm lễ cưới tại Nhà thờ Đức Bà Alençon cách nay 150 năm, vào ngày 13 tháng Bảy, lúc nửa đêm. Lễ kỷ niệm năm nay được đánh dấu bằng sự hiện diện của Đức Hồng y Saraiva tại Alençon và Lisieux trong hai ngày 12 và 13 tháng Bảy này.

    Đức Hồng y Saraiva Martins đã loan tin vào cuối bài nói chuyện về sự thánh thiện của ông bà Martin, ở Alençon, tại sảnh đường aux Toiles, trước khoảng hai trăm người.

    Ngài cũng đã thông báo như thế cho những tín hữu đông nghẹt và hân hoan tham dự thánh lễ được cử hành trong nhà thờ Đức Bà, trước sự hiện diện của Đức Cha Jean-Claude Boulanger, Giám mục giáo phận Séez, Đức Cha Pierre Pican, Giám mục giáo phận Bayeux et Lisieux, và Đức Cha Bernard Lagoutte, giám đốc trung tâm hành hương Thánh Têrêxa và là chánh sở Vương Cung Thánh Đường Thánh Têrêxa.

    Ông Louis (1823-1894) và bà Zélie (1831-1877) Martin được công bố là những bậc đáng kính vào năm 1994. Thi hài của họ trước đây nằm trong phần mộ dưới chân Vương cung Thánh đường Lisieux, đã được cải táng hôm thứ hai 26 tháng Năm vừa qua để tháng Chín sẽ đưa vào Vương cung Thánh đường.

    Cậu bé người Ý, Pietro, được ơn chữa lành nhờ lời chuyển cầu của ông bà Martin nay được 6 tuổi cũng đã có mặt trong nghi thức hôm ấy.

    Đàng khác tại Ý, ở Vérone, người ta đang làm chiếc khám đựng thánh tích của đôi bạn Martin.

    Ngày 03 tháng Bảy vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã ký sắc lệnh thừa nhận một phép lạ nhờ sự bầu cử của song thân chị thánh Têrêxa thành Lisieux.

    Sự thừa nhận ấy mở lối cho ông bà được phong chân phước cùng với nhau, như đôi bạn Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini, đã được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 21 tháng Mười năm 2001, cũng vào dịp ngày thế giới truyền giáo.

    Việc chọn ngày thế giới truyền giáo chắc hẳn muốn nhấn mạnh vai trò truyền giáo của gia đình Kitô giáo và tầm quan trọng của chứng từ gia đình Kitô giáo về tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với tha nhân trong Giáo Hội và trong Xã Hội.

    Phép lạ do đôi bạn Martin chuyển cầu là vụ chữa lành một em bé ở Monza, gần Milan, tên là Pietro Schiliro. Em sinh ra với bộ phổi dị tật sẽ không sống được. Một linh mục Cát Minh người Ý là cha Antonio Sangalli đề nghị cha mẹ em nên làm một tuần cửu nhật kính song thân chị thánh Têrêxa, là những vị đã mất bốn người con còn rất thơ ấu, để được sức mạnh gánh chịu nỗi đau khổ. Thế nhưng người mẹ tuyên bố bà sẽ làm tuần cửu nhật (và rồi hai tuần nếu cần) để xin cho con bà được chữa lành. Ngày nay Pietro, hoàn toàn khỏe mạnh, đã có thể theo cha mẹ đến Lisieux tạ ơn ông bà Louis và Zélie Martin.

    Chúng ta còn nhớ cũng chính trong ngày thế giới truyền giáo, cũng nhằm 19 tháng Mười nhưng là năm 1997, chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan, đồng bổn mạng của các xứ Truyền Giáo, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố là Tiến sĩ Hội Thánh vì “khoa học tình yêu”của Chị.

    Anita S. Bourdin (Lm Trăng Thập Tự chuyển dịch)


    LM Trăng thập Tự

  2. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  3. #2
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Song thân Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux


    NGÀY 1 THÁNG 10 :KÍNH THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU







    Thánh Têrêxa là người con thứ năm của một gia đình Công giáo trung lưu thánh thiện và đạo đức. Mẹ của Bà qua đời khi Bà mới bốn tuổi, Bà cùng bốn người chị được người cha thánh thiện nuôi nấng dạy dỗ. Cha của Bà là ông Martin và năm người con gái dọn về định cư tại Lisieux để được gần gũi với gia đình. Một thảm cảnh thứ hai lại xẩy đến với Bà là các chị Pauline và Maria mà Bà xem như người mẹ đều vào tu Dòng kín Carmel…

    Trong một đêm Nôen, với một ân sủng lạ lùng và cao cả, Bà tìm lại được niềm vui cho tuổi trẻ và trong niềm hy vọng tràn trề với Tình Yêu Thiên Chúa mà Bà được nhận lãnh. Một cô bé nhút nhát yếu ớt trở nên bạo dạn và cương quyết, Bà cùng với cha mình đến Roma, trong buổi triều kiến ngày 9 tháng 4 năm 1888, Bà đã vượt qua mọi người và lính gác đến quì duới chân Đức Giáo Hoàng và xin phép được vào tu Dòng Carmel dù Bà mới 15 tuổi. Với lòng trung kiên tuyệt đối Bà tiến tới trên con đường nên thánh.

    Bà bị bệnh lao phổi trầm trọng và kinh niên, Bà phú thác mọi sự trong tay Chúa Kitô. Trong sự đau khổ triền miên, Bà hiến dâng lên Chúa để cầu xin cho những người tội lỗi trở lại với Đức Tin. Bà qua đời vào năm 1897 lúc mới 24 tuổi. Bà hứa sẽ làm “mưa hoa hồng” xuống trần thế và lên Thiên đàng bằng “con đường nhỏ”là làm những việc thiện dưới trần thế này.

    Chỉ vài năm sau khi Bà lìa đời, câu chuyện cuộc đời của Bà “Câu chuyện một linh hồn”, viết theo lệnh của Bề trên Dòng được phát hành và mọi tầng lớp dân chúng đã đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người hành hương đến viếng tu viện Lisieux, họ đã nhận được những phép lạ và những ân sủng lạ lùng khi cầu xin cùng Thánh Têrêxa. Bà được phong hiển thánh năm 1928, và tuyên xưng là Đấng Bảo trợ các nhà truyền giáo. Đến năm 1997 thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II tấn phong Tiến sĩ Hội Thánh.

    PhóTế Huỳnh Mai Trác

  4. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  5. #3
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Song thân Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    TRONG ĐỜI THÁNH NỮ TRUYỀN GIÁO TÊRÊSA





    Ngày 01 tháng 10 hằng năm, Hội Thánh mừng lễ thánh Têrêsa nhỏ. Thánh nữ Têrêsa nhỏ cũng gọi là thánh Têrêsa thành Lisieux. Năm nay kỷ niệm 110 năm ngày thánh Têrêsa này qua đời lúc mới 24 tuổi (1897-2007).

    Toà Thánh tôn phong thánh nữ là Quan Thầy các xứ truyền giáo.

    Tuy dù thánh nữ nhỏ về tuổi, nhỏ về chức vụ, nhỏ về hoạt động bên ngoài. Nhưng tâm hồn thánh nữ đón nhận trọn vẹn ý Chúa về truyền giáo. Nhờ đâu? Nhờ Kinh Thánh. Kinh Thánh đã hướng dẫn Têrêsa đi vào con đường bé nhỏ với lửa tình yêu.

    Thực vậy, Têrêsa nhận thánh ý Chúa từ Kinh Thánh. Thánh ý Chúa đào tạo Têrêsa nên nhà truyền giáo.

    1/ Hằng ngày Têrêsa nhận thánh ý Chúa từ Kinh Thánh

    Từ nhỏ cho đến chết, Têrêsa bị thiêu đốt trong tâm hồn bởi lửa khao khát Chúa.

    "Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

    Hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

    Linh hồn con khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống" (Tv 41,2-3).

    Lòng khao khát Chúa được chớm nở dần dần ngay từ tuổi bé thơ. Tại gia đình, cha mẹ và các chị thường đọc cho Têrêsa nghe các chuyện thánh rút từ Cựu Ước và Tân Ước. Thêm vào đó, gia đình cũng quen đọc tập "Năm Phụng vụ" của Dom Guéranger.

    Bài giảng thứ nhất đã làm xúc động Têrêsa tại nhà thờ giáo xứ là bài nói về cuộc thương khó Chúa.

    Khi đã vào Nhà Dòng, Têrêsa càng được làm quen với Kinh Thánh.

    Tại nhà nguyện, nữ tu Têrêsa ban ngày tham dự cầu nguyện nhiều lần bằng Thánh Vịnh và các bài Phúc Âm. Ban tối, cộng đoàn chuẩn bị cho phụng vụ ngày mai bằng những nguyện ngắm rút từ Phúc Âm và các Giáo phụ.

    Tại nhà cơm, các nữ tu được nghe nhắc lại các bài đọc giờ kinh sáng.

    Kinh Thánh giữ một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Kinh Thánh vẫn tiếp tục đi sâu vào tâm hồn Têrêsa trong đời sống tư riêng.

    Những sách Têrêsa đọc thêm trong đời tư là sách Gương Phúc Chúa Giêsu và vài tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá. Những sách này diễn tả Lời Chúa đã thời sự hoá các tâm hồn. Lời Chúa đã đổi mới họ, đã thiêu đốt họ, đã soi sáng họ, để họ biết thánh ý Chúa. "Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con" (Tv 119,111).

    Têrêsa tìm nhận được thánh ý Chúa từ Kinh Thánh. Kinh Thánh đào tạo Têrêsa nên nhà truyền giáo.

    2/ Thánh ý Chúa đào tạo Têrêsa nên người truyền giáo

    Nơi Têrêsa, Kinh Thánh được nghe, được đọc, được suy gẫm, được đón nhận. Hành trình đó đã biến đổi Têrêsa. Biến đổi lớn nhất là đào tạo Têrêsa nên nhà truyền giáo.

    Nhà truyền giáo Têrêsa có mấy đặc điểm sau đây:

    a) Nhận biết mình hèn mọn.

    Nhận biết mình có nhiều giới hạn, có nhiều bất xứng, có nhiều yếu đuối, đó là một đòi hỏi về nhân bản, về đạo đức truyền thống của nhiều gia đình và dân tộc. Đó còn là một lệnh truyền của Chúa Giêsu. Chúa ví sự nhận biết sự thực đó như hình ảnh trẻ nhỏ. "Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời" (Mt 18,3). Lời Chúa phán trên đây không là một lựa chọn, nhưng là một mệnh lệnh. Nó dứt khoát và quyết liệt. Têrêsa đã vâng phục mệnh lệnh này và đem ra thực hành. Với quyết tâm và với ơn Chúa, chị nữ tu sống khiêm nhường, nghèo khó, đơn sơ, phó thác, chôn vùi.

    Càng bước sâu xuống thân phận hèn mọn, thánh nữ càng nghe rõ lời Chúa kêu gọi: "Nếu ai hết sức bé nhỏ, hãy đến cùng Ta" (Phương ngôn 9,4). Được đến với Chúa trong tình trạng đó, thánh nữ cảm thấy ứng nghiệm lời Kinh Thánh nói: "Như người mẹ vuốt ve con mình, cũng thế, Ta cũng sẽ an ủi con, Ta sẽ ôm con trong lòng Ta, Ta sẽ ru con trên đầu gối Ta" (Is 66,13).

    b) Nhận ra yêu mến là ơn gọi của mình.

    Trong cuốn tự truyện, Têrêsa kể lại đã có lúc ngài đi tìm ơn gọi nào tốt nhất, để có thể phục vụ tối đa Thiên Chúa và các linh hồn. Sau cùng ngài đã tìm thấy: "Ơn gọi của tôi là yêu mến".

    Chính Kinh Thánh đã soi sáng cho thánh nữ. Đặc biệt là thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô.

    "Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.

    "Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin, đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

    "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

    ...

    "Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1 Cr 13,1-13).

    Khi Têrêsa đã chọn cho mình ơn gọi tình yêu, thì ngài dâng mình cho tình yêu Chúa. Từ đó ngài hết tình yêu mến Hội Thánh Chúa, kính trọng và nâng đỡ các người trong phẩm trật Hội Thánh, hiệp thông với mọi thành phần Hội Thánh trong tình con Chúa. Nhất là ngài cầu nguyện và hy sinh để cứu các linh hồn.

    Chia sẻ trên đây thực là bé mọn, mong nó được góp phần nhỏ vào việc tạ ơn Thiên Chúa. Chúa đã làm bao việc lạ lùng nơi thánh nữ Têrêsa.

    Hơn lúc nào hết, Hội Thánh Việt Nam hôm nay cần đến gương thánh nữ trên đường truyền giáo.

    Truyền giáo đang được thực hiện dưới nhiều hình thức. Nhưng không phải mọi hình thức đều tốt như nhau. Thậm chí không phải bất cứ hình thức nào cũng tốt. Bởi vì có một vài hình thức tự mang tên truyền giáo, mà đang phản truyền giáo.

    Có những sinh hoạt xã hội và vui nhộn có tính cách trợ giúp cho việc truyền giáo. Nhưng chúng ta đừng quên những giá trị căn bản làm nên việc truyền giáo. Không nên bớt. Càng không nên bỏ. Nhất là trong thời buổi ham hướng ngoại và duy vật hoá những gì là thánh thiêng.


    + GM JB Bùi Tuần

  6. #4
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Song thân Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    Cha Mẹ Của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu Được Phong Chân Phước Tại Thành Lisieux ngày Khánh Nhật Truyền Giáo


    POMPEII, Ý, ngày 19 tháng 10, 2008 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói cặp vợ chồng thứ hai được phong chân phước trong lịch sử Giáo Hội đã tuyên xưng Phúc Âm qua việc sống một cuộc đời “gương mẫu.”


    Chân phước Louis Martin và Marie-Zélie Guérin

    Ông Louis Martin và Marie-Zélie Guérin, song thân của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong chân phước hôm 19.10.2008 tại Lisieux, Pháp, bởi Đức Hồng Y José Saraiva Martins, đã về hưu, trước đây là Tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh.

    Trước khi cầu nguyện kinh Truyền Tin hôm nay trong chuyến tông du thăm đền thánh Đức Mẹ Pompeii, Đức Thánh Cha ghi nhận là việc phong chân phước nhằm vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo. Ngài giải thích, Đức Thánh Cha Piô XI, đã phong cho thánh Têrêsa tước vị “bổn mạng của việc truyền giáo.”

    Đức Thánh Cha nói cặp vợ chồng này “loan truyền Phúc Âm của Chúa Kitô qua cuộc sống hôn nhân gương mẫu của họ. Họ nhiệt thành sống đức tin và chuyển tiếp cho gia đình và mọi người xung quanh."

    Ngài tiếp, "Qua lời kinh và nhân chứng Phúc Âm, song thân của thánh Têrêsa đồng hành và chia sẻ hành trình đức tin của ái nữ, người được Chúa gọi để tận hiến vô điều kiện cho Người bên trong các bức tường của tu viện Carmêlô.”


    Thánh Têrêsa thời thơ ấu

    Ngài trích dẫn tiểu sử của vị thánh và nói thêm, “Chính tại đây, trong bóng tối của dòng kín, thánh Têrêsa ý thức được ơn gọi của mình là ‘Tình Yêu trong trái tim của Giáo Hội’”

    Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định, "Cầu nguyện là nhiệm vụ truyền giáo chính yếu của mỗi người chúng ta. Chính qua kinh nguyện mà con đường Phúc Âm được chuẩn bị; chính qua kinh nguyện mà các tấm lòng được mở ra cho huyền nhiệm của Thiên Chúa và các linh hồn mới sẵn sàng để đón nhận Lời cứu rỗi."

    Ngài tiếp, "Nghĩ đến việc phong chân phước cho ông bà Martin, tôi muốn nhắc lại một ý chỉ khác mà tôi yêu thích: đó là gia đình, gia đình có vai trò căn bản trong việc nuôi dưỡng con cái trong tinh thần hoàn vũ, cởi mở và đáp ứng với thế giới và các vấn nạn hiện hữu, và tạo dựng các ơn gọi cho đời sống truyền giáo."

    Sau đó Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho Hội Nghị Thế Giới lần Thứ Tư về Gia Đình, sẽ được tổ chức tại Mexico City vào tháng Giêng.


    Vương Cung Thánh Đường Thánh Têrêsa Lisieux


    Đức Hồng Y José Saraiva Martins


    Bùi Hữu Thư

  7. #5
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Song thân Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    12.000 người dự lễ phong Chân phước Song thân thánh Têrêsa Hài Đồng tại Lisieux



    LISIEUX, Pháp quốc - Hơn 12 người hành hương, trong số có 8 ngàn người ngoài tiền đình Vương Cung Thánh Đường Thánh Têrêxa tại Lisieux, dự Thánh Lễ Đại Triều do Đặc Phái Viên của Đức Thành Cha Bênêdictô XVI là Đức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, cử hành nghi thức phong Chân Phước cho song thân của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin.



    Vương Cung Thánh Đường Lisieux ngập nắng hồng


    Chuông giáo đường báo giờ cử hành Thánh Lễ 10 giớ sáng chủ nhật 19-10-2008 đúng lúc đàn chim bồ câu trắng bay từ Đất Mới Lisieux nối kết với Trời Mới. Trời cuối thu, khí hậu giá lạnh. nhiều người dư Thánh Lễ ngoài trời rét run vì không chịu nổi buốt giá.

    Trong phần nhập lễ, ĐHY Đặc Phái Viên của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhắc lại: ‘‘Trong thời đại chúng ta, Thiên Chúa tác thành ra nhiều mẫu mực nên thánh trong số có Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin, bậc phu phụ và phụ mẫu được phong Chân Phước. Việc phong Chân Phước của hai vị luôn quan tâm đến sứ mệnh truyền giáo cúa Giáo Hội Chúa Kitô đã soi sáng Ngày Thế giới Truyền giáo. Gương sáng của các ngài được thứ nữ là Thánh Têrêsa tiếp nối’’.

    Nghi thức phong chân phước gồm việc Đức Cha Jean-Claude Boulanger, Phó Thỉnh Nguyện Viên tuyên đọc tiểu sử của Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin, sau đó ĐHY Đặc Phái Viên của Đức Thánh Cha tuyên đọc Sắc Phong Chân Phước. Lúc Giáo đường đổ hồi chuông Tạ Ơn cũng là lúc pháo bông tỏa ngũ sắc phụng vụ trên nền trời thiên thanh Lisieux. Sau khi ca đoàn xướng kinh Credo, nắng hồng sưởi ấm tiền đình, từ rét mướt trở nên ấm áp.

    Phép lạ trong hồ sơ phong Chân Phước


    Cậu bé Pietro cùng cha mẹ đứng cạnh hòm đựng xương thánh


    Trước cung thánh, cạnh hòm đựng xương thánh là cậu bé Pietro Schiliro đứng cùng cha mẹ. Pietro sinh ngày 25-5-2002 tại Monza (Ý), thoát khỏi bệnh phổi thập tử nhất sinh nhờ cha mẹ theo lời khuyên của Linh Mục Antonio Sangalli dòng Carmẹ (Cát Minh), làm tuần cửu nhật đề cầu Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin. Giáo phận Milan (Ý) đã lập hồ sơ dầy 967 trang về cậu bé Pietro thoát khỏi chứng bệnh hiểm nghèo. Bốn người anh của cậu đều chết vì cùng chứng bệnh này. Ngày 3-7-2008, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã ký Tông Sắc công nhận phép la này.

    Bài giảng của ĐHY Đặc Phái Viên Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI

    ĐHY José Saraiva Martins, nguyên Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, đã tôn vinh các bậc cha mẹ như sau: ‘Trong khi tôi tuyên đọc Sắc Phong của Đức Thánh Cha, tôi cũng như anh chị em đều nhớ đến các bậc sinh thành. Chúng tạ ơn Thiên Chúa đã tác thành người tín hữu nhờ tình yêu vợ chồng của các bậc cha mẹ. Ngày nay, Giáo Hội tôn kính hai vị, xuất thân từ mảnh đất Normandie, là hồng ân của mọi nhà’’. Song thân của Thánh Nữ Têrêxa kết hôn tại Nhà Thờ Đức Bà Alençon ngày 13-7-1858, cách đây đúng 150 năm.

    Lời Nguyện Truyền Giáo



    Chân Phước Louis Martin - Chân Phước Zélie Guérin


    Cộng đoàn Cergy thuộc Giáo xứ Việt Nam tại Paris do cha Đình Đồng Thượng Sách hướng dẫn dự Đại Lễ Phong Chân Phước tại Lisieux. Trong Truyện Một Tâm Hồn (bản dịch tiếng Việt của Kim Thiếu), thứ nữ của Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin là Thánh Têrêxa tâm nguyện tận hiến trong Dòng Kín Hà Nội hoặc Saigon. Vì vậy, một thiếu nữ của cộng đoàn Cergy trong áo dài cổ truyền đã đọc 1 trong 9 lời nguyện truyền giáo bằng tiếng Việt như sau: ‘‘Lạy Chúa, trong Ngày Truyền Giáo Hoàn Vũ hôm nay, xin Chúa cho chúng con luôn nhớ rằng mỗi người trong chúng con đều được Chúa mời gọi trở nên Thánh, noi gương của hai Chân Phước Louis, Zélie Martin và Thánh nữ Têrëxa. Xin Chúa cho chúng con mạnh dạn đi khắp muôn nơi rao giảng Lời Chúa cho mọi người.’’



    Hai Bông Hồng - Năm Cánh Huệ

    Lúc sinh thời, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã vẽ một họa tiết gồm hai bông hồng và năm cánh huệ, ghép vào Thánh Giá Chúa Kitô trên chiếc áo choàng biếu mẹ là Chân Phước Zélie. Hai bông hồng tượng trưung cho song thân là Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin. Năm bông huệ trắng là năm con gái của Chân Phước: bốn người là nữ tu Dòng Kín Carmel (Lisieux) và một Dòng Đức Bà Thăm Viếng (Le Mans). Các Linh Mục đồng tế trong Đại Lễ Phong Chân Phước đều đeo khăn Stola các phép in lại họa tiết gốc do Thánh Nữ Têrêxa thực hiện.

    Hai bông hồng chính là Chân Phước Louis Martin và Chân Phước Zélie Guérin. Chân dung hai vị ngự trên cổng vào Vương Cung Thánh Đường Lisieux: Trong khi Chân Phước Louis Martin ngước mắt nhìn về Trời Mới, Chân Phước Zélie Guérin dịu dàng nhìn xuống Đất Mới Lisieux trong ngày 19-10, có cháu con các Thánh Tử Đạo Việt Nam hành hương nguyện cầu.

    Paris, ngày 20-10-2008


    Lê Đình Thông

  8. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  9. #6
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Song thân Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH của THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
    ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG

    Vài niên hiệu về cuộc đời thánh Têrêsa Hà Đồng Giêsu:
    Sinh: 02/01/1873
    Rửa tội: 04/01/1873
    Đức Mẹ mỉm cười: 13/05/1883
    Chịu lễ lần đầu: 08/05/1884
    Ơn lạ Giáng sinh: 25/12/1886
    Bệ kiến Leon XII: 20/11/1887
    Vào dòng kín: 09/04/1888
    Mặc áo: 10/01/1889
    Khấn: 08/09/1890
    Đội khăn: 24/09/1890
    Tận hiến cho Tình Yêu: 09/06/1895
    TỪ TRẦN: 30/09/1897
    Tuyên phong anh hùng: 14/08/1921
    Chân phước: 29/04/1923
    HIỂN THÁNH: 17/05/1925
    Bổn mạng truyền giáo: 14/12/1927
    Bổn mạng nước Pháp: 03/05/1944
    LỄ KÍNH HÀNG NĂM: 01/10

    NHẬP ĐỀ

    Lễ an táng chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu một chị dòng kín trẻ tuổi từ giã cõi đời vừa chẵn 24 xuân xanh, được cử hành tại nghĩa trang thành phố Lisieus ngày 4/10/1897. Đó là một đám táng rất đơn sơ lèo tèo vài vị giáo sĩ, một nhóm bà con bạn hữu và mấy chị dòng kín bậc hai, tất cả chỉ có thế. Cuộc sống của chị đơn sơ tầm thường quá, tới nỗi có chị đã nói: “Không biết mai đây Têrêsa có chết, chúng ta sẽ viết tiểu sử giới thiệu ra sao đây”. Con đường nên thánh của chị giản dị quá, nụ cười của chị hồn nhiên quá, lời nói của chị tình cảm quá, tới nỗi khi cuốn chuyện “Một Tâm Hồn” được gởi tới những vị có uy tín trong Giáo Hội, một vị đã đọc với một vẻ hoài nghi lạnh nhạt: “Chà, Thánh đâu như hoa lề đường, sao mà dễ thế ! Chuyện gì phải qua rồi cũng sẽ qua !”.

    Nhưng không, các vị đó đã lầm, bông hoa lề đường đó đã tỏa hương thơm ngào ngạt khắp thế giới. Ngọn gió Thánh Linh thổi nhè nhẹ nhưng đã làm rung chuyển thế kỷ 20 này. Thánh nữ là sứ điệp của Thiên Chúa, là lời sống động của Thiên Chúa. Chị đã khám phá ra một con đường mới lạ, rất ngắn, rất dễ, ai cũng có thể đi để tới Thiên Chúa.

    Đức Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho chị Têrêsa và làm phép đền thờ Lisieur người ta xây cất kính Thánh nữ, đã nói:

    “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”.

    Đức Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêsa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại. Thánh nữ đã trở thành:

    – Cô bé cưng của thế giới
    – Ngôi sao triều đại giáo hoàng của Đức Piô XI.
    – Bổn mạng mọi tập viện Dòng Kín
    – Quan thầy nước Pháp
    – Đấng bảo trợ nước Mễ Tây Cơ và nước Nga
    – Là lời nói sống động của Thiên Chúa ban cho thế giới
    – Người loan báo sứ điệp mới về việc nên Thánh
    – Cô bé cưng của ngôi Giáo Hoàng
    – Bổn mạng các xứ truyền giáo
    – Được cả người ngoại giáo yêu mến và cầu khẩn

    Tuyên dương đời sống của Thánh nữ, Giáo hội cũng đã ca ngợi giáo thuyết của chị và đã công nhận con đường thơ ấu thiêng liêng rất phù hợp với tinh thần Phúc âm. Chúng ta thâm tín rằng: khi nghe theo những lời giáo huấn của Thánh nữ Têrêsa tức là chúng ta bước theo giáo thuyết Phúc âm. Đường thơ ấu thiêng liêng là một bí quyết nên Thánh cho mọi tín hữu khắp hoàn cầu. Nếu đường thiêng liêng này được phổ biến chúng ta sẽ thấy việc canh tân xã hội được thực hiện. Thiên Chúa đã muốn làm tăng giá trị cho Têrêsa bằng một hồng ân khôn ngoan rất đặc biệt. Đức Piô XII đã mạnh bạo đặt sứ mệnh quan trọng của Thánh nữ ngang với sứ mệnh của các vị tiến sĩ trong Giáo hội.

    Thánh nữ thành Lisieur đã tìm ra một con đường rất thẳng, rất ngắn, rất mới lạ, lại đơn giản dễ dàng. Đức Piô XI đã phán: “Chị Dòng Kín khiêm nhượng đã đem cho thế giới một sứ điệp mới. Đường thơ ấu thiêng liêng đã mở ra trong Giáo hội một giai đoạn mới, khiến việc nên Thánh trở nên dễ dàng với mọi người. Người là một trong những đại tiến sĩ về đức trọn lành Kitô giáo”.

    • “THÁNH LÀ YÊU”

    Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Nó tác tạo tâm tình đầu tiên của con cái Chúa.
    “Với TÌNH YÊU không những tôi CHẠY mà còn BAY”.

    • GIỐNG LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH.

    Tinh thần Têrêsa quy tụ phần tinh túy nhất của Phúc âm. Chúng ta thuộc về một gia đình siêu nhiên kết thành huyền thể Chúa Kitô và lan tràn vô biên. Chúng ta có Thiên Chúa là Cha, trinh nữ Maria là mẹ và tất cả các Thánh trên trời dưới đất là anh chị em trong Chúa Kitô.

    • NHỮNG ĐẶC TÍNH

    Tiêu cực:

    – Không có những việc hãm xác ký lạ
    – Không có những đặc ân thần bí
    – Không có phương pháp cầu nguyện
    – Không có hoạt động hiển hách

    Tích cực:

    – Sống với Chúa là Cha – Tình yêu nhân hậu
    – Nhân đức ấu thơ – Đơn sơ khiêm hạ
    – Bổn phận tầm thường – Tâm hồn phi thường (Tình yêu)
    TIÊU CỰC:

    • KHÔNG CÓ NHỮNG VIỆC HÃM XÁC KỲ LẠ

    Mẹ Agnès làm chứng: Tôi thấy Têrêsa càng về cuối đời lưu đầy, càng cố sống hãm mình cách hoàn toàn đơn sơ và mực độ... Chị thường nói với tôi rằng: “Ma quỷ hay đánh lừa những linh hồn quảng đại nhưng thiếu khôn ngoan bằng cách thúc đẩy họ vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe, vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận được, đồng thời lại muốn lấy đó làm tự mãn”.

    “Chỉ với những việc làm hèn mọn vô tên tuổi, nhưng lại trung thành lãnh nhận, linh hồn sẽ đạt tới đức yêu mến tinh tuyền là sự bỏ mình hoàn toàn cách mau chóng hơn”.
    Giáo hội bảo đảm chắc chắn rằng lối khổ hạnh mới mẻ gồm những việc nhỏ mọn này là con đường nên thánh đích thực không kém đường lối khổ hạnh phi thường.

    • KHÔNG CÓ NHỮNG ĐẶC ÂN THẦN BÍ

    – Têrêsa Avila xuất thần mọi nơi... (xem thị kiến về nhân tính Chúa Kitô...)
    – Têrêsa Hài Đồng khác hẳn:

    + Không xuất thần
    + Không thị kiến
    + Không trừ quỷ
    + Không dấu lạ

    Thánh V. Fersère, rất lạ... lại căn dặn: “Các con đừng ước muốn, cũng đừng van nài được những thị kiến mạc khải hay những tâm cảm đặc biệt, những ước muốn này thường phát xuất theo tính tò mò, thói khoe khoang. Linh hồn dễ bị lôi cuốn theo ảo vọng và những cám dỗ tội lỗi vì những thị kiến giả tạo và những mạc khải sai lầm”.

    Cho dù đích thực đi nữa, những ân huệ thần linh vẫn tiềm tàng những nguy cơ...

    Thánh Têrêsa thường nói: “Tôi chuộng những hy sinh nhỏ bé hơn mọi thứ xuất thần”. Một giáo thuyết như vậy, tất nhiên dễ loại trừ mọi mối nguy ảo tưởng.

    • KHÔNG CÓ PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN

    Theo Têrêsa Avila có 7 bậc cầu nguyện:

    – Bằng lời – Bằng trí – Trầm niệm – Tình niệm – Kết hợp...

    Têrêsa Hài Đồng không có cấp bậc nào hết... Theo Inhaxio Loyola, nguyện gẫm bao gồm:

    – Kinh dọn lòng
    – 2 câu tóm tắt nguyện ngắm
    – Suy gẫm 3-5 điểm của bài gợi ý.
    – Sử dụng 3 năng khiếu của linh hồn: Nhớ-Hiểu-Muốn. Rồi: Tự vấn - Dốc lòng. Sau cùng xét lại kết quả giờ nguyện ngắm.

    Còn Têrêsa thì: “Tôi ở như đứa trẻ không biết chữ. Tôi cứ đơn sơ thật thà trần tình với Chúa những điều tôi muốn nói và bao giờ tôi cũng được Chúa cảm thông”.

    • KHÔNG CÓ NHỮNG HOẠT ĐỘNG HIỂN HÁCH

    Khác Augustin – Thomas Aquino – Vincent – Phanxicô Xaviê – Cha sở họ Ars – Các nhà truyền giáo.

    “Các chị đừng tưởng phải làm những việc lớn lao mới nên trọn lành được ! Chúa Giêsu không cần đến những công trình hiển hách, hay những tư tưởng quảng bác của chúng ta. Nếu Ngài muốn những quan niệm cao siêu, Ngài đã chẳng có các Thiên Thần thông biết trỗi vượt các bậc kỳ tài trần gian ư ? Vậy Chúa không đến trần gian để tìm kẻ thần thông hay các bậc thiên tài, nhưng để yêu dấu sự đơn sơ chân thành !”.

    Quả không một tu đức thuyết nào có sức mạnh và hấp dẫn đến thế. Nó đã phá vỡ mọi yếu tố tùy tòng trong việc nên Thánh !

    TÍCH CỰC:

    • TÌNH CHA CON: SỐNG VỚI CHÚA LÀ CHA

    Chân lý tối cao sáng ngời nhất trong quan niệm của Têrêsa về thế gian cũng như trong cái nhìn Kitô giáo về vũ trụ là: TÌNH CHA của Thiên Chúa đối với chúng ta.

    Sở dĩ tín điệp Têrêsa có sức mạnh chinh phục là vì nó biết tìm lại chân lý căn bản của thần bí Kitô giáo. Êm dịu biết bao khi gọi Thiên Chúa là Cha và trở nên con của Ngài.

    Vì dựa vào tín điều căn bản về tình Cha Con của Thiên Chúa, nên Têrêsa sống rất đơn sơ. Sống trong tình thiết nghĩa của Chúa CHA với một tâm hồn của đứa nhỏ.

    • TÌNH YÊU NHÂN HẬU

    Thánh nữ chỉ nhìn thấy sự dịu hiền vô tận và lòng nhân từ thương xót của Cha trên trời chiếu giãi trong ánh sáng của Thánh Linh... đơn sơ, nhưng sâu sắc.

    Quả thật Tình yêu là căn nguyên mọi hoạt động của Thiên Chúa trên các vật thụ tạo... Têrêsa dễ nhận ra rằng: Lòng thương xót là nguyên nhân công việc cứu chuộc của Chúa Kitô và tất cả chương trình quan phòng của Thiên Chúa.

    “Không phải vì đã được gìn giữ khỏi phạm tội trọng mà tôi phó thác yêu mến tiến về Chúa. Cả khi tôi cảm thấy lương tâm bị đè nặng bởi những tội có thể phạm, tôi cũng dám nức lòng phó thác, và với tâm hồn thống hối tôi gieo mình vào vòng tay cứu chuộc... tôi biết rằng chỉ trong nháy mắt, mọi xúc phạm sẽ tiêu tan như giọt lệ rơi trong than hồng”.

    • NHÂN ĐỨC THƠ ẤU

    – Sống tình cha con đậm đà
    – Ngay thẳng
    – Tin tưởng
    – Mềm mại, đơn sơ, khiêm nhượng.

    Đức Bênêdictô XV nói: “Nhưng Lời Chúa Giêsu nói: Nếu chúng con không trở nên như trẻ nhỏ, các con không được vào nước Trời (Mt 18,3) ngầm chỉ một sự bó buộc phải ra công để thu lượm lại những hồng ân của tuổi trẻ”.

    Vì Giáo hội xác tín rằng: nếu thực thi một cách trung thành và sáng suốt đường thơ ấu này là có thể lành mạnh hóa được xã hội nhân loại và chu toàn những nhân đức chính yếu của Kitô giáo.

    Đường thơ ấu thiêng liêng là một bản tóm lược Phúc âm – Nền tảng của nó là ý thức được sự bé nhỏ và hư vô của ta trước nhan Chúa – Chóp đỉnh của nó là cuộc khải hoàn của Tình Yêu – Và phương thế để đạt đích là sự phó thác cho Chúa quan phòng, tức là lòng tin chắc chắn can đảm nhất vào tính hiền phụ của Thiên Chúa, và để đáp lại Tình Yêu nhân hậu, phải có một lòng tin trung thành tuyệt đối và tươi vui với bổn phận trong khung cảnh rất giản dị của đời sống tầm thường, nơi mà Chúa nhân hậu đã đặt ta vào dưới sự thúc đẩy bền bỉ mạnh mẽ của Tình Yêu. Chính những sự sa ngã do tính yếu đuối của mình, giúp linh hồn vươn lên tới Chúa. Tinh thần Têrêsa quy tụ phần tinh túy nhất của Phúc âm. Chúng ta thuộc về một gia đình siêu nhiên kết thành huyền thể Chúa Kitô và lan tràn vô biên.

    Chúng ta có Thiên Chúa là CHA, Trinh nữ Maria là Mẹ và tất cả các Thánh trên trời dưới đất là anh em trong Chúa Kitô.
    (còn tiếp)
    (Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS, viết theo M. Philipon)


    LM Giuse Trần Đình Long, SSS

  10. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  11. #7
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Song thân Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU -BẬC THẦY TRONG NGHỆ THUẬT TRUYỀN GIÁO



    Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được phong thánh năm 1925, tức 28 năm sau khi từ trần. Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê năm 1927 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 10 năm 1997. Khi tuyên bố thánh Têrêxa là tiến sĩ Hội Thánh, là bậc thầy trong đời sống đức tin, điều đó cũng có nghĩa Ðức Giáo Hoàng muốn nói với các tín hữu toàn cầu rằng: Têrêxa là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.

    Khi chiêm ngắm thánh nữ Têrêxa như là bậc thầy nghệ thuật truyền giáo chúng ta sẽ thấy xuất hiện một nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ tại sao một nữ tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường mà lại được chọn làm bổn mạng cho các xứ truyền giáo?

    Nói đến truyền giáo là nói đến hai động từ Đi và Nói. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Sách Ngôn sứ Isaia viết: "Vinh quang thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ". Phải đi, nhưng Têrêsa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Người nữ tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát minh.

    Thánh Phaolô bảo rằng: "Làm sao người ta tin nếu không nghe nói. Làm sao người ta nghe nói nếu không có người đi rao giảng. Làm sao có người rao giảng nếu không có ai được sai đi". Nhưng Têrêsa lại không nói gì với ai. Đời sống của các nữ tu Dòng Kín thì rất nghiêm ngặt.

    Như thế xem ra rất nghịch lý. Một nữ tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai mà lại được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

    Chính từ cái nghịch lý ấy mà chúng ta khám phá ra điều này: Giáo Hội mời gọi hãy thay thế câu hỏi truyền giáo làm gì? bằng câu hỏi là gì? Nếu nói làm gì với Têrêxa thì không đúng, vì thánh nữ Têrêsa chẳng làm gì cả. Nếu đặt câu hỏi Têrêxa là ai thì lập tức ta sẽ khám phá ra chiều sâu trong đời sống của thánh nữ. Ngài trở thành bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo nhờ sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường nhỏ.

    1. Tình yêu là tất cả

    Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra điều này: Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc. Và Ngài nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả. Têrêxa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn. Nghệ thuật truyền giáo của Têrêsa chính là tình yêu. Không đi đến đâu, không nói với ai, nhưng chỉ yêu thôi. Chính Têrêxa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người. Têrêxa cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế ". Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa. Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để "kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn"; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng, chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi, v.v. Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn. Thánh nữ gọi làm những việc như thế là "tung hoa" cho Chúa: "Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó. .. Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến... Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa. .. rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu.... Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng "hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau' (Thủ bản Tự Thuật).

    Khi Têrêxa chọn một lối sống như thế thì chính tình yêu đã chắp cánh cho Ngài đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. Tình yêu làm nên như thế, không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Không nói bằng lời nhưng nói bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêxa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêxa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim. Têrêxa đã sống nghệ thuật truyền giáo theo nghĩa như thế.

    2. Con đường nhỏ

    Chẳng bao lâu, sau khi Têrêxa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo "con đường thơ ấu thiêng liêng" của Ngài. Đó là một trong những "trường tu đức" (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo thánh nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. "Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ.

    Thánh Têrêxa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác. Thánh Têrêxa bám chắc vào giáo lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh.

    Têrêxa viết trong Thủ Bản gởi Mẹ bề trên Mari Gôngdaga năm 1897: "Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ: Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con. Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điểm bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh. .. và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: 'Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta' (Cn 9,4).... Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm. .. Chiếc thang máy đưa con lên tận trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa..." (Thủ bản Tự Thuật).

    Áp dụng "phương pháp lên trời" hay sử dụng "chiếc thang máy" này, thánh Têrêxa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêxa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

    Nghệ thuật truyền giáo của Thánh Têrêxa là tình yêu và con đường nhỏ.Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Sống tâm tình con thảo với tất cả tình yêu, người Kitô hữu thực thi sứ vụ truyền giáo của mình theo Gương Thánh Têrêxa.

    Đức Giáo Hoàng Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa và làm phép đền thờ Lisieur được xây cất kính Thánh nữ, đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”.

    Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêxa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại.

    Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An
    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=45&type=sigpic&dateline=1327498393

  12. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  13. #8
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux



    Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thiên Chức Linh Mục









    Đức Bênêdictô XVI khai mạc Năm Linh Muc (Annus Sacerdotalis) vào ngày cầu nguyện thánh hóa các linh mục (19-6-2009). Hôm nay (1-10), Giáo hội cử hành lễ kính thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu trong khuôn khổ Năm Linh Mục. Đây là thời điểm thích hợp để tìm hiểu học thuyết của thánh nhân qua 270 lá thư, trong số có 17 thư gửi các linh mục trẻ. Trong nội cấm dòng kín, thánh nhân kiên trì cầu nguyện để cứu rỗi các linh hồn và nâng đỡ các linh mục trẻ. Sau bảy năm đan tu, vào tháng 10-1895, thánh nhân nhận được bài sai của mẹ bề trên Agnès de Jésus giao nhiệm vụ cầu nguyện cho một thầy chủng viện, sau này là cha Maurice Bellière. Ngoài ra còn có cha Adolphe Roulland. Sau này, cả hai đều lên đường truyền giáo, một tại Phi châu và một tại Trung Quốc. Nội dung thư từ trao đổi giữa thánh nữ và hai linh mục Bellière và Roulland góp phần vào môn thần học chức thánh (théologie sacerdotale), dựa trên lòng hy sinh và sự trăn trở trong việc cải hoán cải các linh hồn. Trong các lá thư, thánh nữ còn nói đến các thánh thông công, sự phong phú của lời cầu nguyện, tình yêu của Chúa biến đổi cuộc đời và niềm vui của người có đức tin. Thánh nữ kêu cầu lòng Chúa thương sót. Ngài thấu hiểu cuộc sống của các linh mục và nhiệm vụ truyền giáo. Cha Roulland sang Trung Quốc truyền giáo trong lúc thánh nữ mong đến nhà kín Hà Nội. Thánh nữ tôn kính linh mục Théophane Vénard vừa bị xử trảm tại miền bắc Việt Nam ngày 2-2-1829. Thánh nữ hằng khuyên nhủ các linh mục chú tâm rao giảng tin mừng và truyền giáo.

    Têrêxa soạn kinh nguyện gởi cho Bellière. Lúc đó Têrêxa giúp cho mẹ nhà tập. Tháng 5-1896, thầy Roulland của Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) viết thư cho thánh nữ thông báo lễ truyền chức linh mục. Trong thư chúc mừng, sœur Têrêxa viết: ‘‘Con rất là vui được cùng thầy cứu vớt các linh hồn; chính vì vậy mà con dâng mình trở thành nữ tu dòng kín. Tuy không thể là linh mục thừa sai, con hằng mong thông phần với nhiệm vụ truyền giáo, bằng tình yêu và thống hối.’’ Thánh nữ đã trao đổi thư từ với hai linh mục trẻ trong suốt hai năm, mãi tới khi lâm trọng bệnh. Têrêxa đã sáng tác bài thơ ‘‘Sống bằng tình yêu’’ (Vivre d’amour) gởi cho thầy Bellière, ‘‘tuy những vần thơ này thích hợp cho một nữ tu hơn là chủng sinh’’:

    Vivre d'Amour

    Au soir d'Amour, parlant sans parabole
    Jésus disait: "Si quelqu'un veut m'aimer
    "Toute sa vie, qu'il garde ma Parole
    "Mon Père et moi viendront le visiter.
    "Et de son coeur faisant notre demeure
    "Venant à lui, nous l'aimeront toujours !...
    "Rempli de paix, nous voulons qu'il demeure
    "En notre Amour !"

    Vivre d'Amour, c'est te garder Toi-Même
    Verbe incrée, Parole de mon Dieu,
    Ah ! tu le sais, Divin Jésus, je t'aime
    L'Esprit d'Amour m'embrase de son feu
    C'est en t'aimant que j'attire le Père
    Mon faible coeur le garde sans retour.
    O Trinité ! vous êtes Prisonnière
    De mon Amour !...

    Vivre d'Amour, c'est donner sans mesure
    Sans réclamer de salaire ici-bas
    Ah ! sans compter je donne étant bien sûre
    Que lorsqu'on aime, on ne calcule pas !...
    Au Coeur Divin, débordant de tendresse
    J'ai tout donné...légèrement je cours
    Je n'ai plus rien que ma seule richesse
    Vivre d'Amour.

    Vivre d'Amour c'est bannir toute crainte
    Tout souvenir des fautes du passé.
    De mes péchés, je ne vois nulle empreinte,
    En un instant l'amour a tout brulé...
    Flamme divine, ô tres douce Fournaise !
    En ton foyer je fixe mon séjour
    C'est en tes feux que je chante à mon aise:
    "Je vis d'Amour !..."

    Vivre d'Amour, c'est naviguer sans cesse
    Semant la paix, la joie dans tous les coeurs
    Pilote Aimé, la Charité me presse
    Car je te vois dans les âmes mes soeurs
    La Charité voilà ma seule étoile
    A sa clarté je vogue sans détour
    J'ai ma devise écrite sur ma voile:
    "Vivre d'Amour."

    Mourir d'Amour, voilà mon espérance
    Quand je verrai se briser mes liens
    Mon Dieu sera ma Grande Récompense
    Je ne veux point posséder d'autres biens.
    De son Amour je veux être embrasée
    Je veux Le voir, m'unir à Lui toujours
    Voilà mon Ciel...voilà ma destinée:
    Vivre d'Amour...

    Sống tình yêu

    Nắng nương chiều chẳng cần đến dụ ngôn,
    Chúa phán bảo ‘‘Ai yêu ta tha thiết
    Giữ lời thiêng, trọn đời sống sắt son
    Đức Chúa Cha sẽ thăm viếng tâm hồn
    Trái tim hồng là đền thờ bất diệt
    Trong an hòa đức ái cũng vuông tròn.

    Sống thương yêu là giữ lời hằng sống,
    Chúa biết con yêu mến Chúa dường bao
    Yêu Giêsu lửa thánh đức dạt dào
    Trong nhất thể Ngôi Lời là hệ trọng
    Trái tim hằng trông cậy chẳng hề nao
    Lạy Ba Ngôi chí thánh rất tự hào
    Trong biển ái trái tim hiền sống động.

    Sống tình yêu là cho không tính toán
    Không tham danh cầu lợi lộc người đời
    Không so đo tính toán chuyện thiệt thòi
    Vì khi yêu là không còn suy đoán.
    Thánh Tâm Người tình yêu không đứt đoạn
    Sống yêu thương là dâng hiến tuyệt vời.

    Sống thương yêu là xua tan sợ hãi
    Bao lỗi lầm đã phạm tháng năm qua
    Trong tội lỗi con đui mù phải trái
    Trong phút giây làm cháy rụi tình xưa
    Ngọn lửa thiêng xua tăm tối sớm trưa
    Trong nhà Chúa con ngợi ca đức Ái.

    Sống thương yêu thuyền đời qua bến đục
    Gieo thương yêu, hòa thuận khắp nơi nơi
    Cha yêu dấu lòng thương yêu thúc giục
    Yêu chúng sinh vì sao sáng rạng ngời
    Trong sáng láng thuyền đời còn thao thức
    Căng cánh buồm lướt sóng vượt ngàn khơi.

    Chết vì yêu con mong sẽ vuông tròn
    Bao nợ nần oan trái sẽ sạch trơn
    Chúa Cha nguồn thánh đức, đấng ban ơn
    Lửa thương yêu nung đốt mãi không sờn
    Gặp cha hiền con kết hiệp sắt son
    Nơi thiên cung định mệnh đã an bài.

    Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu
    (bản tiếng Việt: Lê Đình Thông)

    Trong hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm thánh nữ từ trần, tổ chức tại Lisieux vào đầu tháng 10-1997, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger đã đưa ra ba phương cách để tìm hiểu trực quan của thánh Têrêxa về thiên chức linh mục. Trực quan về kinh nghiệm của nữ thánh về các linh mục. Thủ bản A,56 nói lên thiên chức cao quý cũng như sự mỏng manh (fragilité) của các linh mục. Vì vậy, cần phải cầu nguyện cho các ngài. Cái nhìn của thánh nữ không dừng lại ở sự mong manh, nhưng đạt đến điều thiết yếu là sự thánh thiện và thánh hóa ‘‘để kết hiệp với chính Chúa Kitô và cuộc khổ nạn của người.’’

    Thủ bản A,56 còn nói lên sự cao đẹp trong việc cầu nguyện cho các linh mục để các ngài rao giảng Tin Mừng. Thánh nữ suy ngẫm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các linh mục:
    ‘‘Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh thánh mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi con ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm như lời Kinh Thánh. Bây giờ con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến’’ (Ga 17,12-19).

    Cầu nguyện cho các linh mục là kết hiệp với Chúa Giêsu như Chúa đã phán cùng Phêrô: ‘‘Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.’’ (Lc 22,32). Ai đã cầu nguyện cho các linh mục, nếu không phải là đấng đã sai đi.
    Theo ĐHY Lustiger, thánh nữ cầu nguyện cho các linh mục trước hết là vì ngài hằng mong trở nên linh mục. Thánh nữ nhận ra sự yếu đuối của người nam phạm tội. Vì vậy, thánh nhân cầu nguyện cho các linh mục luôn trung thành với sứ mạng. Theo Têrêxa, thiên chức linh mục còn là nhiệm vụ tông đồ, loan báo Chúa Kitô cho những ai chưa biết ngài, giúp các lương dân được ơn cứu độ. Theo ĐHY Lustiger, ‘‘thánh nữ biết rằng biên cương những người không biết Chúa chẳng xa xôi gì. Ngay ở Pháp vẫn có nhiều người không có đức tin. Trong ý nghĩ, Têrêxa cầu mong các linh mục sốt sắng làm việc tông đồ. Thánh nhân hằng ước mong trở nên linh mục, được cử hành thánh lễ và chu toàn các nhiệm vụ khác của linh mục.

    Theo Têrêxa, tông đồ và truyền giáo là hai thừa tác vụ linh mục. Chức vụ linh mục tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giêsu nhằm phục vụ dân Chúa. Nhiệm vụ này trước hết là việc tông đồ, do các thánh tông đồ và các đấng kế vị trao ban. Thánh Têrêxa mong muốn được tham dự vào việc cứu độ nhân loại. ‘‘Việc tông đồ được nuôi dưỡng trong Tin, Cậy, Mến mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong tâm hồn mỗi thành phần trong Giáo hội.’’
    Thánh Têrêxa đã sống trọn vẹn thiên chức linh mục trong lời cầu nguyện, đi đôi với lễ vật là cuộc sống đan tu, kết hiệp với Chúa Kitô trong cuộc thụ nạn. Thánh nữ đã liên kết sứ mạng linh mục với việc giáo huấn, hướng dẫn và thánh hóa. Thánh nữ đưa ra học thuyết mới qua chính cuộc sống. Têrêxa tiếp tục nâng đỡ các linh mục một khi đã về Nước Trời.

    Kết luận:

    Ngày 15-11-2007, ĐTC Bênêdictô XVI đã cầu nguyện trước xương thánh Têrêxa trong nguyện đường riêng, nhân kỷ niệm:
    - 20-11-1887: Têrêxa triều yết ĐTC Léon XIII để xin được đặc cách gia nhập dòng kín dù còn nhỏ tuổi;
    - 14-12-1927: Đức Piô XI công bố thánh Têrêxa là bổn mạng các nhà truyền giáo;
    - 19-10-1997: Đức Gioan-Phaolô II công bố thánh nhân là Tiến sĩ Hội thánh.
    Nhân dịp này, ĐTC Bênêdictô XVI tuyên bố: ‘‘Chúng ta đều nhớ rằng 120 năm trước đây, thiếu nữ Têrêxa đã gặp Đức Léon để được nhận vào đan viện Carmel dù tuổi còn nhỏ. Thánh nhân hằng mong học tập các cổ ngữ để hiểu biết thấu đáo Kinh Thánh. Thánh nhân đã đọc Kinh Thánh qua bản chép tay của các nữ tu dòng Kín. Ngài đã nghiền ngẫm, suy niệm và cầu nguyện để ‘‘các linh mục cũng được thánh hiến’’ (Ga 17,19).

    Paris, ngày 1-10-2009


    Lê Đình Thông
    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=45&type=sigpic&dateline=1327498393

  14. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  15. #9
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    LỄ TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU

    "BÍ KÍP " NÊN THÁNH :LÀM VIỆC NHỎ VỚI TÌNH YÊU TO









    Giáo hội Công giáo chúng ta đã có bề dày lịch sử hơn 2000 năm, thế nhưng con số các vị thánh tiến sĩ thực sự rất khiêm tốn. Nếu lật lịch Công giáo ra mà đếm thì ta chỉ thấy vỏn vẹn có 33 vị. Trong số đó, 30 vị là thánh nam, chỉ có 3 vị là thánh nữ. Và điều đặc biệt là trong số 3 vị thánh nữ ấy, nổi bật nhất vẫn là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu mà Giáo hội mừng kính hôm nay. Thế thì nói nổi bật nhất là nổi bật ở những điểm nào ?

    Ngài nổi bật ở chổ dù chỉ là một nữ tu chỉ làm những việc nhỏ, nhưng đã trở thành một nữ thánh lớn. Lớn đến độ ngay sau khi chết, danh Ngài đã vang lừng khắp thế giới, và một phong trào rầm rộ những người muốn đi theo con đường của Ngài đã lan tràn khắp nơi.

    Ngài nổi bật ở chổ dù chỉ là một thiếu nữ sống cuộc đời ngắn ngủi, nhưng đã trở thành thầy dạy của Hội thánh. Dù chỉ sống vỏn vẹn có 24 tuổi đời, trong đó 9 năm sống âm thầm trong dòng Cát Minh, và đã chết vì một cơn bạo bệnh (lao phổi) nhưng ngài đã được chính Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong tặng là tiến sĩ Hội Thánh, nghĩa là thầy dạy về đàng thiêng liêng của Giáo hội.

    Ngài còn nổi bật ở chổ dù chỉ là một nữ tu chỉ sống âm thầm trong tu viện, nhưng đã trở thành Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Thực sự chưa một lần nào ngài ra khỏi tu viện để rao giảng Tin mừng, ấy thế mà ngài đã được đặt làm Quan Thầy các xứ truyền giáo, tức là ngang hàng với tầm cỡ thánh Phanxicô Xaviê.

    Điều gì làm nên sự kỳ diệu đó ? Rõ ràng không phải là nhờ ngài được phúc tử đạo. Vì cả cuộc đời Têrêsa đã không đổ một giọt máu nào. Cũng không phải là nhờ ngài có những công trạng hiển hách gì. Cũng chẳng phải là nhờ ngài đã sống một cuộc sống khác thường. Bởi vì cuộc sống của Têrêsa là một cuộc sống bình thường, bình thường hơn cả những người bình thường.

    Vậy thì, điều gì khiến một người nữ tu bình thường được phong tặng là tiến sĩ Hội Thánh, và được đặt làm Bổn mạng các xứ truyền giáo như thế ? Thưa, chính là tình yêu. Tình yêu lớn lao mà ngài dành cho Chúa và cho các linh hồn, như lời ngài nói: “Ơn gọi của con chính là tình yêu”.

    Trong cái khung cảnh trầm lặng và tầm thường của dòng kín Lisieux, không có những việc phi thường, không có những việc lớn lao, lạ lùng, không có những việc mà người ta phải vận dụng đến nhiều khả năng của khối óc mới làm nổi. Nhưng bằng những khát vọng như vô biên, Têrêsa đã biết biến con người của mình, biến những việc rất tầm thường của mình trở thành cao cả dưới con mắt của Thiên Chúa, thành vĩnh cửu trong tình thương bao la của Người.

    Têrêsa làm tất cả mọi việc vì lòng yêu mến Thiên Chúa, không một chút nào vì chính mình. Chị biết rất rõ giá trị của những việc làm vì yêu mến Chúa: "Với lòng kính mến Chúa thì dù cúi xuống đất nhặt một cây kim nhỏ, tôi cũng cứu được một linh hồn".

    Chỉ có thế. “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường”, đó chính là “bí kíp” nên thánh của Têrêsa. Đó là con đường mà Têrêsa đã đi và đó cũng là con đường mà Chúa muốn chúng ta đặt chân vào để cùng bước đi, như lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 15 nói: "Các tín hữu thuộc mọi dân tộc, không phân biệt tuổi tác, phái tính, dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều được tha thiết mời gọi bước theo Con đường bé nhỏ. Vì chính con đường này đã đưa chị Têrêsa Hài đồng Giêsu tới đỉnh trọn lành".

    Xin Chúa qua lời cầu bầu của thánh Têrêsa cho mỗi người trong chúng ta cũng luôn biết sống tinh thần thơ ấu thiêng liêng trong cuộc sống hằng ngày như thánh nữ đã sống. Đó là tinh thần “làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường”, hầu mai sau chúng ta cũng được ghi sổ vào hàng ngủ các thánh trên trời. Amen.

    LỜI NGUYỆN CHUNG

    Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thánh nữ Têrêsa luôn hết lòng hy sinh cho công cuộc truyền giáo, và hiến dâng đời mình làm của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa. Trong niềm hân hoan của ngày Lễ Bổn Mạng Thiếu Nhi Xứ Đoàn Têrêsa hôm nay, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện.

    1. “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân”/ Xin cho các nhà truyền giáo trong Giáo hội có được tinh thần hăng say của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng/ biết từ bỏ chính mình, sẵn sàng hiến thân cho công cuộc phục vụ Nước Chúa/ và cứu rỗi các linh hồn.

    2. “Ai không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”/ Xin cho các Kitô hữu có lòng hăng say phục vụ/ sẵn sàng hy sinh quên mình/ hầu có thể làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người trong thế giới hôm nay.

    3. “Khi về nước trời, con sẽ mưa hoa hồng xuống trần gian”/ Xin cho mọi thành phần trong giáo xứ/ biết làm theo lời dạy của Thánh Nữ/ hết lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em/ bằng quyết tâm làm những việc nhỏ với tình yêu lớn.

    4. “Giữa lòng Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”/ Xin cho các em trong Xứ Đoàn Têrêsa chúng ta luôn biết noi gương thánh Bổn Mạng/ sống khiêm nhường, trong trắng và đơn sơ/ Nhờ đó mọi người có thể nhận ra các em là những thiếu nhi ngoan của Chúa/ và là những người con ngoan trong gia đình.

    Chủ tế: Lạy Chúa, nhờ lời Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu chuyển cầu, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện, mà ban ơn giúp sức cho chúng con, để chúng con biết sống thánh thiện và nhiệt thành làm chứng cho Chúa trong thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin.

    Lễ Thánh Têrêsa
    Lm. Nguyễn Thành Long
    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=45&type=sigpic&dateline=1327498393

  16. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

  17. #10
    Join Date
    Sep 2007
    Location
    france
    Posts
    22,680
    Thanks
    1,666
    Thanked 4,694 Times in 3,763 Posts

    Default Re: Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

    MỘT TÂM HỒN



    Thánh TERESA Hài Đồng Giê-su.
    Lễ kính ngày l/10/10

    “ Hành động nhỏ bé nhất mà do Tình Yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những
    những công trình khác hợp lại “ ( Trích tự thuật MỘT TÂM HỒN )

    * Từ khi THÁNH NỮ về trời,
    Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình Yêu.


    MỘT TÂM HỒN những tháng năm thơ ấu
    Người mẹ hiền đã khuất bóng từ lâu,
    Nuôi con thơ cha lặng lẽ nguyện cầu,
    Dâng cho Chúa niềm tin yêu ký thác.

    Tình phụ tử ôi dạt dào man mác,
    Ngồi bên cha lòng trải rộng êm đềm,
    Nhìn trăng sao lấp lánh giữa màn đêm,
    Giơ tay chỉ: ’Kìa tên con trên đó ‘ (1)

    Cha mỉn cười cầm tay con gái nhỏ:
    “Ồ đúng rồi Chúa đã chọn tên con ‘
    TÊ-RÊ-SA trong danh sách vàng son,
    Nơi Thiên quốc ngàn năm còn chói sáng

    Rồi từ đó tuổi thơ luôn khao khát,
    Dâng cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu,
    Li-si-ơ dòng kín một buổi chiều
    Đã đón nhận Một Tâm Hồn Bé Nhỏ.

    Chín năm trời Người Nữ tu hèn mọn,
    Luôn siêng năng trong mọi việc tầm thường,
    Khi giặt giũ,quét dọn hay làm vườn….
    Hy sinh,cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

    TÊ-RÊ-SA quyết giữ lời tuyên hứa,
    Khi không thể truyền giáo phương trời xa
    Việc làm nhỏ với lời nguyện thiết tha,
    Cũng chính là một Tông đồ truyền giáo.

    Cuộc đời Người chẳng có gì vĩ đại
    Không phép lạ,không rạng rỡ huy hoàng,
    Hai mươi bốn tuổi vĩnh biệt trần gian,
    Được nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội.

    Mưa Hoa Hồng lời ngọt ngào nhắn nhủ:
    “Hãy hy sinh với cuộc sống khiêm nhường,
    Việc Tầm thường sẽ kết quả Phi thường,
    MỘT TÂM HỒN nguyện cầu trong yêu mến. (2)

    (1) Có lẽ Cô bé Tê-rê-sa muốn ám chỉ chòm sao Thiên nga,tiêng La-tinh gọi
    là Cygnus,tiếng Anh gọi là Nothern Cross (Bắc Thập Tự) giống chim giang cánh hình chữ T đang bay trên bầu trời.
    (2)Tên cuốn Tự Thuật Thánh Tê-rê-sa viềt về cuộc đời mình

    Đinh văn Tiến Hùng
    http://motgocpho.com/forums/image.php?u=45&type=sigpic&dateline=1327498393

  18. The Following User Says Thank You to THANHLOAN For This Useful Post:

    hoangthymaithao (09-30-2010)

Page 1 of 3 123 LastLast

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •